Thứ Sáu, 18/10/2024 13:17 CH
Bảo hiểm y tế: “Phao cứu sinh” của người nhiễm HIV/AIDS
Bài 2: Cánh cửa đã mở
Thứ Ba, 15/11/2016 14:00 CH

Bảo hiểm y tế là “phao cứu sinh” cho bệnh nhân AIDS khi nguồn kinh phí tài trợ của quốc tế ngày càng bị cắt giảm. Trong ảnh: Nhân viên y tế đang phát thuốc và hướng dẫn bệnh nhân AIDS sử dụng thuốc ARV - Ảnh: NGỌC VIỆT

AIDS là căn bệnh làm suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, chưa có thuốc chữa khỏi và chưa có vắc xin dự phòng. Để duy trì sức khỏe và kéo dài cuộc sống, người nhiễm HIV phải sử dụng thuốc ngăn ngừa sự nhân lên của vi rút (ARV). Để được sử dụng các loại thuốc cùng các dịch vụ y tế có liên quan, bệnh nhân phải chi trả một khoản tiền đáng kể nếu không có bảo hiểm y tế (BHYT).

 

Bên cạnh số người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng, Phú Yên còn có 16 phạm nhân nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị bằng ARV, cũng hoàn toàn miễn phí. Điều mà những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS trăn trở là tìm giải pháp nào để các phạm nhân trong trại giam tiếp tục được điều trị bằng ARV, sau khi nguồn viện trợ cho việc điều trị này chấm dứt vào cuối năm 2017. Bởi họ không thể tham gia BHYT và đến các cơ sở y tế để được khám chữa bệnh như người bình thường, song cũng không thể gián đoạn hay chấm dứt việc điều trị, khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của người bệnh.

Ngày 26/6/2015, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 15/2015/ TT-BYT về “Hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS”. Đây có thể xem là bước ngoặt mới trong công tác điều trị HIV/AIDS ở Việt Nam trong bối cảnh nguồn hỗ trợ từ các dự án quốc tế bị cắt giảm và chấm dứt vào năm 2017.

 

Nguyên tắc cơ bản của BHYT là chính sách “một người vì nhiều người, nhiều người vì một người”, tức là việc bảo đảm chia sẻ rủi ro của những người tham gia. BHYT được xem là một chính sách xã hội rất ưu việt mà hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng. Người tham gia BHYT sẽ “đóng ít, hưởng nhiều”. Riêng người nghèo khi tham gia BHYT được Nhà nước và dự án hỗ trợ, họ chỉ đóng góp một phần nhỏ nhưng sẽ có nhiều lợi ích khi gặp rủi ro đau ốm, phải đến các cơ sở y tế của Nhà nước hoặc cơ sở y tế tư nhân có đăng ký tham gia BHYT để khám chữa bệnh. BHYT mang lại rất nhiều lợi ích cho người mắc bệnh mãn tính hay điều trị bệnh thường xuyên, lâu dài ở bệnh viện.

 

Quỹ BHYT chi trả chi phí liên quan đến chẩn đoán, điều trị HIV/AIDS của người có thẻ BHYT giống như các bệnh khác; không có sự khác biệt về quyền lợi giữa người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT với người khác. Tuy nhiên, quỹ BHYT không thanh toán chi phí khám chữa bệnh đối với trường hợp người có thẻ BHYT nhưng các chi phí đó đã được ngân sách nhà nước hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác chi trả.

 

Chị N.T.M, một người nhiễm HIV ở huyện Đông Hòa, cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nên được cấp thẻ BHYT dành cho người nghèo. Có BHYT, tôi không phải canh cánh lo về chi phí mỗi khi khám chữa bệnh. Điều này càng có ý nghĩa khi những người nhiễm HIV như tôi không còn được phát miễn phí thuốc ARV”.

 

Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Phú Yên, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã phát hiện hơn 660 trường hợp nhiễm HIV, trong đó gần 490 người còn sống. Phú Yên hiện có 104 người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng đang được điều trị bằng ARV. Đến cuối tháng 9/2016, 75 người trong số đó đã tham gia BHYT. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Phú Yên đang xúc tiến các thủ tục để triển khai khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV. Khi bị nhiễm HIV, người bệnh có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội rất cao, chi phí điều trị rất tốn kém. Có BHYT, người bệnh sẽ giảm được gánh nặng kinh tế. Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Thanh, Trưởng Khoa Tư vấn - Chăm sóc - Điều trị (Trung tâm Phòng, chống HIV/ AIDS Phú Yên) nói: “Đa số người nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, bệnh AIDS cần phải điều trị lâu dài. Có BHYT, người nhiễm HIV/AIDS sẽ cất được nỗi lo, gánh nặng về tài chính”.

 

Theo y sĩ Nguyễn Thị Loan (Khoa Tư vấn - Chăm sóc - Điều trị thuộc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Phú Yên), vẫn còn một số người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo, nhưng vì họ giữ bí mật về nhân thân, danh tính nên không có thẻ BHYT dành cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, cũng có những người nhiễm HIV/AIDS có điều kiện nhưng chưa ý thức được tầm quan trọng của BHYT nên chưa tham gia.

 

HIV/AIDS là căn bệnh làm suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, chưa có thuốc chữa khỏi và chưa có vắc xin dự phòng. Để duy trì sức khỏe và kéo dài cuộc sống, người nhiễm HIV phải sử dụng thuốc ngăn ngừa sự nhân lên của vi rút. Để được sử dụng các loại thuốc cùng các dịch vụ y tế có liên quan, bệnh nhân phải chi trả một khoản tiền đáng kể nếu không có BHYT. Mặc dù vậy, số người nhiễm HIV đăng ký tham gia BHYT vẫn còn thấp. Theo một nghiên cứu mới đây, bệnh nhân tham gia BHYT chỉ từ 15-55% tùy theo từng địa phương. Tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ bình quân người có thẻ BHYT trong cộng đồng.

 

Người tham gia BHYT nhiễm HIV và người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được quỹ BHYT chi trả: Thuốc (bao gồm cả thuốc ARV), hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT; xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và khi sinh con theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV; khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc ARV và các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh (trừ chi phí xét nghiệm HIV đối với người hiến bộ phận cơ thể người, người cho tinh trùng, noãn); xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách nhà nước chi trả); điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.

 

Theo quy định, người dân tham gia BHYT tự nguyện sẽ được chi trả như sau: Khám chữa bệnh ngoại trú dưới 100.000 đồng thì quỹ bảo hiểm trả toàn bộ, trên 100.000 đồng thì quỹ trả 80%, người bệnh trả 20%. Khám chữa bệnh nội trú thì cũng trả ngay theo tỉ lệ 80% và 20% nhưng chỉ giới hạn đến 20 triệu đồng, phần còn lại người bệnh tự thanh toán với cơ sở khám chữa bệnh. Với những quyền lợi trong quá trình chi trả viện phí như vậy, nên hơn ai hết, những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn do tai nạn, bệnh tật đã cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc và lợi ích to lớn của chính sách BHYT.

 

Bài cuối: Để người nhiễm HIV/AIDS thực sự quan tâm tới BHYT

 

YÊN LAN - NGỌC VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chuyện ở làng bích họa Tam Thanh
Thứ Bảy, 12/11/2016 10:19 SA
Gặt mùa vàng từ giấc mơ trồng rừng
Thứ Bảy, 29/10/2016 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek