Thứ Sáu, 18/10/2024 13:18 CH
Bảo hiểm y tế: “Phao cứu sinh” của người nhiễm HIV/AIDS
Bài 1: Khi “bầu sữa” dần bị cắt giảm
Thứ Hai, 14/11/2016 07:02 SA

Được điều trị bằng ARV, một phụ nữ trẻ nhiễm HIV ổn định được sức khỏe, tích cực tham gia tuyên truyền phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS - Ảnh: YÊN LAN

Việc điều trị bằng thuốc kháng vi rút đã và đang góp phần kéo dài sự sống cho người nhiễm HIV. Tuy nhiên, nguồn thuốc vẫn phụ thuộc vào sự tài trợ của các dự án quốc tế. Đến năm 2017, nguồn tài trợ sẽ bị cắt giảm, nếu không có phương án thay thế thì người bệnh sẽ không có thuốc điều trị. Nguy cơ dịch HIV quay trở lại là có thể xảy ra. Để giải bài toán này, bảo hiểm y tế (BHYT) là “phao cứu sinh” giúp người bệnh duy trì cuộc sống.

 

Sau gần 30 năm được phát hiện ở Việt Nam, căn bệnh AIDS vẫn là một thách thức đối với y tế công cộng. Dù đã có nhiều thành tựu trong công tác chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS nhưng đến nay, nguồn thuốc điều trị kháng vi rút vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào các dự án quốc tế. Từ năm 2015, khi Việt Nam được công nhận là quốc gia có thu nhập trung bình, những nguồn viện trợ không hoàn lại (ODA) cho các dự án phát triển đang bị thu hẹp, trong đó có công tác điều trị HIV/AIDS.

 

Hiệu quả của việc điều trị bằng ARV

 

Ca nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện từ tháng 12/1990. Lúc bấy giờ, người nhiễm HIV phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, từ sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng đến những khó khăn trong việc chăm sóc, chữa trị. Bệnh nhân thường phải điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội từ giai đoạn cuối của bệnh AIDS chứ chưa được tiếp cận với các loại thuốc kháng vi rút đặc hiệu (ARV).

 

Mãi đến năm 2004, Việt Nam mới bắt đầu chương trình điều trị ARV. Kể từ đó đến nay, việc điều trị bằng ARV liên tục được mở rộng và nâng cao chất lượng. Nếu như vào năm 2004, cả nước có 400 bệnh nhân được điều trị thì đến nay là 100.000 người. Có 316 điểm điều trị tại 63 tỉnh, thành trên toàn quốc; 526 trạm y tế xã đang phát thuốc ARV cho các bệnh nhân. Ngoài ra, việc điều trị bằng ARV đã được mở rộng đến các trại giam, cơ sở tạm giam, tạm giữ.

 

 TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/ AIDS (Bộ Y tế), cho biết: “Chúng ta đã rất tích cực mở rộng cơ sở điều trị bằng ARV, đồng thời ngày càng nâng cao chất lượng điều trị, mang lại hiệu quả rất lớn. ARV giảm tử vong, nâng cao sức khỏe người bệnh. Uống ARV đầy đủ, đều đặn thì chất lượng cuộc sống bệnh nhân gần như bình thường. Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, trong giai đoạn 2000- 2015, Việt Nam đã giảm được 150.000 trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Bên cạnh đó, chúng ta giảm được lây nhiễm HIV nếu họ sử dụng ARV (khả năng lây nhiễm giảm 95%). Như vậy, rất nhiều người “chung sống hòa bình” lâu dài với HIV nếu có thuốc ARV”.

 

Điều trị ARV đã mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh, giúp họ kéo dài tuổi thọ. Hiện rất nhiều người nhiễm HIV từ năm 2004 đến nay vẫn còn sống. Theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu điều trị ARV từ khi nhiễm có thể sống thêm tới 50 năm!

 

Trước khi có thuốc ARV, các nhân viên y tế thường khuyên những cặp vợ chồng hay những người nhiễm HIV không nên xây dựng gia đình, hoặc lập gia đình thì không nên có con. Nhưng từ khi có thuốc ARV, những cặp vợ chồng nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Đây là lợi ích từ ARV mà người nhiễm HIV rất phấn khởi khi xây dựng gia đình. Bên cạnh đó, bệnh nhân không phải nằm viện, giúp giảm gánh nặng cho y tế, cho xã hội. TS Nguyễn Hoàng Long cho hay: “Việc điều trị bằng ARV tại Việt Nam đang được miễn phí vì chúng ta có viện trợ của các tổ chức quốc tế. Theo thống kê, đến tháng 7/2015, cả nước có khoảng 227.000 ca nhiễm HIV dương tính còn sống và còn một số lượng chưa được phát hiện. Con số này sẽ là thách thức khi các nguồn viện trợ cho điều trị ARV bị cắt giảm từ tháng 4/2016 và chấm dứt vào cuối năm 2017”. Trong tổng số người nhiễm HIV đã được phát hiện, chỉ có 100.000 người được điều trị, chiếm chưa tới 50%.

 

Nhờ có ARV, nhiều bệnh nhân AIDS đã duy trì được sức khỏe. Trong ảnh: Bệnh nhân AIDS nhận thuốc điều trị ARV từ nhân viên y tế - Ảnh: NGỌC VIỆT

 

Nguồn viện trợ dần bị cắt giảm

 

Theo chủ trương của Chính phủ, ngành Y tế mở rộng phạm vi điều trị bằng ARV cho bệnh nhân AIDS, tăng tỉ lệ người được điều trị ARV, đồng thời phấn đấu đến năm 2020, 90% số người nhiễm HIV được phát hiện. Có như vậy mới mong khống chế được dịch và hướng tới chấm dứt dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hoàng Long, để thực hiện được điều này đòi hỏi kinh phí rất lớn. Với số lượng 100.000 bệnh nhân hiện nay, trong 1 năm, cả nước cần khoảng 420 tỉ đồng cho thuốc ARV. Trong nhiều năm qua, nguồn thuốc cho điều trị AIDS được tài trợ tới 95% từ các tổ chức quốc tế như Quỹ Toàn cầu, Quỹ Clinton, Chương trình khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR)… Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam cũng dành một khoản tiền đáng kể cho công tác chăm sóc và điều trị. Nhờ những hỗ trợ đó, người nhiễm HIV/AIDS được sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh miễn phí. Chính vì vậy, không ít người trong số họ đã “quên” rằng phải mua BHYT cho mình.

 

Điều đáng nói là nguồn viện trợ này đang dần bị cắt giảm, sau năm 2017 thì cắt hoàn toàn. Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong “cuộc chiến” với HIV/ AIDS, tuy nhiên khó khăn trước mắt rất nhiều, đặc biệt trong 5 năm tới, nhu cầu đáp ứng ARV là hết sức thiết yếu. Nếu không đáp ứng được thì sẽ tăng số bệnh nhân tử vong. Bệnh nhân không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Khả năng dịch quay trở lại cao nếu không được điều trị.

 

Theo các chuyên gia về HIV/ AIDS, việc duy trì điều trị bằng ARV là rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống còn của người bệnh. Bởi nếu người nhiễm HIV đang dùng phác đồ bậc 1 mà không tuân thủ điều trị thì sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc đang sử dụng và buộc phải chuyển sang phác đồ bậc 2. Khi đó, người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tác dụng phụ của thuốc và áp lực về tài chính lớn hơn. Để giải bài toán trên, BHYT là giải pháp căn cơ và lâu dài, có tính bền vững cao nhất. Người nhiễm HIV phải ý thức được rằng điều trị HIV phải điều trị suốt đời. Như vậy, nếu không mua BHYT thì việc điều trị sẽ trở thành gánh nặng kinh tế cho gia đình họ. Mua BHYT để được khám, chữa các bệnh khác, không riêng gì HIV/ AIDS. Đối với bệnh nhân AIDS, họ sẽ được thanh toán tiền thuốc kháng vi rút cũng như thuốc điều trị những bệnh cơ hội khác.

 

Tại Phú Yên, trong hơn 100 người nhiễm HIV/AIDS ở cộng đồng đang được điều trị bằng ARV có 7 trẻ em. Theo bác sĩNguyễn Thị Xuân Thanh, Trưởng Khoa Tư vấn - Chăm sóc - Điều trị (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Phú Yên), cũng như ở hầu hết bệnh nhân đã trưởng thành, việc điều trị cho các em đã mang lại chuyển biến tốt, sức khỏe ổn định.

 

Tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên), sức khỏe của 2 bệnh nhân AIDS đã được cải thiện. Lúc mới vào trung tâm, họ bị suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, lao phổi…; số lượng tế bào bạch cầu CD4 rất thấp, chỉ từ 51-150. Sau một thời gian được điều trị bằng ARV, hai bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, tinh thần; thể trạng được cải thiện rõrệt. Ông VõTất Đạt, Trưởng Phòng Y tế thuộc trung tâm này, cho biết: “Bệnh nhân tăng cân; số lượng tế bào bạch cầu CD4 của một trong hai người tăng hơn 400”. Cán bộ y tế ở trung tâm đã điều trị kịp thời các nhiễm trùng cơ hội thường gặp ở bệnh nhân AIDS như các loại nấm, nhiễm trùng phổi… theo đúng phác đồ, bằng những loại kháng sinh thế hệ mới”.

--------------------- 

Bài 2: Cánh cửa đã mở

 

YÊN LAN - NGỌC VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chuyện ở làng bích họa Tam Thanh
Thứ Bảy, 12/11/2016 10:19 SA
Gặt mùa vàng từ giấc mơ trồng rừng
Thứ Bảy, 29/10/2016 13:00 CH
Xóm thúng nhựa trên vịnh Xuân Đài
Thứ Bảy, 22/10/2016 07:56 SA
Cơm 2.000 đồng/đĩa, kính mời!
Thứ Bảy, 15/10/2016 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek