Thứ Sáu, 10/01/2025 18:40 CH
Chuyện ở làng bích họa Tam Thanh
Thứ Bảy, 12/11/2016 10:19 SA

Các bạn trẻ chụp ảnh lưu niệm bên một bức bích họa - Ảnh: PHẠM HẢI DƯƠNG

Từng bình lặng, yên ả như bao làng chài ven biển miền Trung khác, Tam Thanh (xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) bỗng trở mình, bước vào một cuộc sống mới, rực rỡ và sôi động hơn. Kết quả này bắt nguồn từ “mối lương duyên” của UBND TP Tam Kỳ với Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foun­dation)…

 

Làng “trong sông, ngoài biển”

 

Tôi rời TP Đà Nẵng lúc công việc đang bận bịu vì không đủ sức kháng cự những lời quyến dụ của bạn bè trở về sau chuyến thăm làng bích họa Tam Thanh. Xe đò về đến TP Tam Kỳ, nhận chìa khóa và nghe anh bạn chỉ đường, tôi thôi thúc mình phải tìm đường về làng. Nhớ lời dặn của “thổ địa”, tôi cứ tuyến đường nội thành Phan Bội Châu - Phan Châu Trinh mà chạy. Đến cuối đường, tôi rẽ trái, men theo đường Thanh Hóa, bắt gặp khu chợ nhỏ ven biển Hạ Thanh và cuối cùng đến được nơi mình cần tìm: thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh - nơi có ngôi làng đậm màu cổ tích.

 

Đến được Tam Thanh thì ngày đã trôi về đầu giờ chiều. Nắng đổ sầm sập xuống đường nhựa, hắt lên bỏng rát. Chưa vội vào làng, tôi gửi xe ở căn nhà đầu thôn. Chủ nhà, bà Võ Thị Tài (64 tuổi) nhấc chiếc ghế nhựa mời khách, chỉ tay vào hàng ba: “Con đội cái ni chứ trời nắng như ri, đi răng được”. Tôi bước theo hướng tay bà chỉ, cầm chiếc nón nằm trên cùng. Mặt nón in dòng chữ “Làng bích họa Tam Thanh” cùng họa tiết hoa lá, vẽ bằng màu nước thô mộc.

 

Tôi ngồi lâu với bà Tài, vì nắng hãy còn đậm. Bà cho biết, trước khi Tam Thanh được cả nước biết đến là làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam, đây chỉ là một làng chài nghèo với hơn 200 hộ dân. Người dân ở đây sống bám vào sông và biển. Thôn Trung Thanh kẹp giữa dòng Trường Giang lặng lờ và biển Hạ Thanh thẫm xanh, yên gió. “Chỗ ni được gọi là làng trong sông, ngoài biển. Trước, vợ chồng tôi đan lưới, đem ra chợ bán. Rẻ rề. Ngày được năm chục bạc. Nhưng giờ như ri, vui hơn rồi”.

 

Thay da đổi thịt nhờ bích họa

 

Niềm vui mà bà Tài nói đến ở đây chính là nguồn thu nhập từ khi làng bích họa hình thành. Khởi động vào ngày 7/6/2016, hàng chục sinh viên mỹ thuật đến từ Hàn Quốc cùng tình nguyện viên Hàn - Việt đã tân trang những bức tường gạch nhem nhuốc màu thời gian trong làng thành những bức tranh chân thật, sống động. Sau 22 ngày, dự án hoàn tất, lượng người biết đến Tam Thanh và đổ về đây tham quan ngày một đông. Nhiều dịch vụ theo đó ra đời: giữ xe, cho thuê nón lá, thuê dù, bán nước giải khát. Người dân có cơ hội chào mời và bán hải sản, nước mắm, rong biển Tam Thanh với giá cả không có chút mùi… du lịch. Cụ thể, tôi chỉ phải tốn 12.000 đồng để tham quan làng bích họa, bao gồm trả tiền gửi xe 3.000 đồng/xe máy, mua 2.500 đồng/nón lá và 6.000 đồng/chè đậu xanh. Thật hiếm có địa phương nào làm du lịch… hiền và rẻ như Tam Thanh!

 

Tôi bước chầm chậm trên con đường vừa được UBND xã Tam Thanh nâng cấp, mở rộng từ ngày bản đồ du lịch Việt Nam có thêm địa chỉ mới. Hai bên đường, những bức tường, bờ rào được tô vẽ bằng các chi tiết đơn giản như hoa lá, cá tôm… đến các bức họa phức tạp, ghi lại đời sống và chân dung chính con người nơi đây.

 

Những con đường ra biển lấp lánh nhờ bức tranh hoàng hôn xuống biển, những đứa trẻ vô tư đá bóng, thả diều, phiên chợ quê. Những ô cửa sổ sặc sỡ. Một mảng tường lớn hút mắt người xem bằng bức chân dung cô bé thướt tha trong tà áo dài. Đôi mắt người đàn ông làng chài trũng sâu nhưng nụ cười rạng rỡ. Tiệm cắt tóc cũ kỹ hay căn nhà cô lẻ của một cụ bà nay trở nên tươi sáng, rộn rịp bởi tiếng bước chân lạo xạo, tiếng người cười nói lao xao bên hông nhà. Dừng chân ở đây, tôi và ắt hẳn nhiều người khác, nghe lòng khoan bớt những lo âu, tị hiềm, hằn học khi hòa mình với không gian hội họa thơ trẻ, chất phác được tắm ngập trong gió biển ngọt lành.

 

Tôi dừng lại trước một bức tường lớn vẽ bốn nhân vật. Chị chủ nhà đon đả: “Nghỉ chân uống nước nghe em”. Qua tìm hiểu, tôi biết chị tên Lương Thị Tường Vy (SN 1985). Người đàn ông cởi trần, đạp máy may trong bức ảnh là chồng chị, anh Võ Đức (SN 1969). Chuyện tình của anh chị thật đẹp. Hai người gặp nhau vào năm 2007, trong lúc cả hai đang chữa bệnh ở Tam Kỳ. Ít lâu sau, anh Đức đón chị Vy về Trung Thanh và gầy dựng gia đình. Đến nay, vợ chồng chị đã có hai mặt con. Dù bị chứng thương hàn làm mất thị lực, anh Đức vẫn may vá, sửa đồ, thu nhập vừa đủ lo cho gia đình nhỏ.

 

Chị Vy cho hay tháng 6/2016, một nhóm người Hàn Quốc đi ngang qua nhà chị. Thấy chồng chị may vá như mọi ngày, vợ bồng con gái út, họ xin phép được vẽ lại hình ảnh gia đình lên bức tường nhà bên. Hơn một tuần miệt mài với cọ vẽ, người họa sĩ 70 tuổi xứ kim chi đã hoàn thành bức tranh sinh hoạt của gia đình anh Đức. Chị Vy miết đôi tay run lập cập - di chứng tổn thương não vào bức họa và cho biết, các họa sĩ đã phủ keo bóng sau khi vẽ xong nên bức tranh sẽ khó phai màu. Nhờ lượng khách đổ về đây, nhất là dịp lễ, cuối tuần, việc buôn bán của chị khá hơn trước nhiều. Áp lực chăm lo gia đình không còn đè nặng lên vai anh Đức.

 

Từ đầu làng về cuối làng chừng 200m nhưng tôi đã đi mất hai giờ. Càng bước sâu vào làng, tôi càng ngạc nhiên bởi các bức vẽ dần dần lộ ra khiến bản thân, nếu bất cẩn có thể lạc lối. Lạc trong câu chuyện cổ tích, lạc trong đời sống hồn hậu, thuần phác của Tam Thanh, tất cả ngõ ngách của làng như được thắp lên ánh sáng khác, tươi mới và rạng rỡ.

 

Tôi được dịp bắt chuyện với ông Phan Văn Thanh, chủ một căn nhà đã xây dựng hơn 20 năm. Tường nhà ông vừa được làm mới bằng bức tranh ba chú bé vô tư nô đùa. Ông thổ lộ niềm vui: “Tui nhìn con cháu, khách xa thích bức tranh ba đứa nhỏ trên tường nhà, tui cũng vui lây”.

 

 

Một nhà người dân làng Tam Thanh có tranh bích họa - Ảnh: PHẠM HẢI DƯƠNG

 

 

Mối tình mang tên “Mỹ thuật cộng đồng Hàn - Việt”

 

Tìm hiểu thêm, tôi được biết, làng bích họa Tam Thanh lấy hình mẫu từ những làng bích họa phổ biến ở xứ sở kim chi. Dự án có tên chính thức “Mỹ thuật cộng đồng Hàn - Việt” do UBND TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) phối hợp với Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation), Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc (UN Habitat) thực hiện.

 

Mục tiêu dự án hướng đến là đưa nghệ thuật ứng dụng vào cuộc sống. Với thông điệp “Art for a better community - Nghệ thuật vì một cộng đồng tốt đẹp hơn”, thành quả lao động của các nghệ sĩ Hàn Quốc đã tạo nên không gian sống mới mẻ, giúp làng chài Tam Thanh thay chiếc áo cũ và thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.

 

Đầu tháng 4/2016, nhóm thiết kế dự án đã đến thôn Trung Thanh để khảo sát. Thôn này được chọn làm làng bích họa bởi mật độ dân cư tập trung cao. Những ngôi nhà liền nhau rất dễ tạo ấn tượng và thể hiện các bức tranh sống động. Tất cả ý tưởng bích họa đều lấy từ con người, nhịp sống sinh hoạt và văn hóa địa phương. Trong thời gian dự án triển khai, một số giáo viên từ Câu lạc bộ Giáo viên mỹ thuật TP Tam Kỳ đã cùng góp những nét cọ làm nên đặc sản “Làng bích họa Tam Thanh”.

 

Ông Võ Tấn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Tam Thanh, cho hay người dân thôn Trung Thanh từ lâu bám biển, làm ăn lúc được lúc không. “Từ ngày hình thành làng bích họa, thôn đón rất nhiều khách. Nhờ vậy, bà con có thêm thu nhập từ những dịch vụ kèm theo. Chúng tôi đã đề nghị bà con thống nhất giá bán hoặc cho thuê các mặt hàng, đảm bảo hợp lý để du khách còn quay lại nữa”, ông Dũng cho biết thêm.

 

Ngày đổ nhanh về phía chiều tà. Tôi vẫn còn muốn ở lại lâu hơn, nhưng chuyến xe cuối về Đà Nẵng sẽ không vì một người lưu luyến Tam Thanh mà không xuất bến. Lúc tôi sắp chia tay Tam Thanh thì nắng đã dịu, du khách bắt đầu túa ra đường. Một đôi bạn trẻ phong cách bụi bặm nhờ tôi chụp hộ tấm ảnh. Chàng trai tên Trần Phan Anh Ngọc (SN 1993, quê TP Hải Phòng) hào hứng nói: “Chúng tớ đi xuyên Việt, biết đến làng bích họa Tam Thanh, tới tận nơi không ngờ lại đẹp và thú vị như thế này”. Đến chỗ giữ xe, trong lúc kiểm tra tư trang, tôi nghe một nhóm khách băn khoăn chỗ ăn uống và nghỉ lại Tam Thanh đêm nay. Người giữ xe tốt bụng của tôi là bà Tài mở lời ngay: “Đoàn mình cứ ở nhà đây, chuyện ăn uống có vợ chồng tui lo rồi”. Đoàn người nhìn nhau cười nhẹ nhõm…

 

PHẠM HẢI DƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Xóm thúng nhựa trên vịnh Xuân Đài
Thứ Bảy, 22/10/2016 07:56 SA
Cơm 2.000 đồng/đĩa, kính mời!
Thứ Bảy, 15/10/2016 10:00 SA
Đằng sau những mùa mật ngọt
Thứ Bảy, 08/10/2016 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek