Thứ Sáu, 18/10/2024 15:48 CH
Gặt mùa vàng từ giấc mơ trồng rừng
Thứ Bảy, 29/10/2016 13:00 CH

Cách đây 17 năm, anh Trần Văn Điện ở thôn Quảng Mỹ (xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa) mang hoài bão phủ xanh núi Mật Lật. Gắn bó với nghiệp trồng rừng, anh đã bắt đất núi làm giàu cho mình. Nay ở tuổi 34, anh đã đạt được ước mơ trở thành tỉ phú rừng.

 

17 năm gầy dựng, anh Trần Văn Điện đã sở hữu gần như toàn bộ núi Mật Lật như mong muốn - Ảnh: MINH DUYÊN

 

Tiếp nối giấc mơ của cha

 

Ban đầu tôi không chọn đất để gieo ước mơ của mình. Chỉ là hoàn cảnh gian khó đẩy tôi dựa vào đất để sống và vươn lên. Nào ngờ, đất hợp người, không phụ lòng người nên tôi mới có được như ngày hôm nay. (Nông dân Trần Văn Điện)

Đi hết Phú Thứ, qua các xã Hòa Đồng, Hòa Mỹ Đông tới xã Hòa Mỹ Tây, hỏi nhà anh Trần Văn Điện, mọi người đều chỉ về cuối thôn Quảng Mỹ, nơi có những mái nhà nằm giữa xứ đồng Gò Hươu nép mình dưới núi Mật Lật. Ai cũng bảo rằng muốn gặp được anh Điện phải đi sâu vào núi vì anh dành phần lớn thời gian cho trang trại trên đó.

 

Tôi men theo con đường bê tông dài hơn 1km lên núi, giữa bạt ngàn keo rừng chỉ có trang trại của anh Điện. Trong những người thợ đang làm kèo dựng lán trại, có một thanh niên dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, miệng nói tay làm. Không được giới thiệu chắc tôi không nghĩ đó là ông chủ trang trại này. Chỉ về các hướng, anh nói: “Chỗ kia là ao cá, chỗ này chuồng bò, rồi heo, chó, gà… Khu trang trại rộng 14ha này còn bừa bộn lắm, tôi vẫn đang quy hoạch lại”.

 

Tôi tự nhủ không biết mình có nhầm người không, vì theo sự giới thiệu của HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây thì nhân vật định viết là một tỉ phú rừng. Anh nói tiếp: “Phần lớn núi Mật Lật này là rừng của tôi, trang trại chỉ là một phần rất nhỏ trong đó thôi. Thu nhập cũng từ rừng là chính”.

 

Bao la quá, tôi nhìn xung quanh không thể thấy hết được ranh giới của cánh rừng anh đang sở hữu. Chỉ biết diện tích trên lâm bạ mang tên anh là 135ha, nhưng thực tế trồng tới hơn 200ha, số diện tích ngoài là thuê lại của các hộ khác.

 

Dừng tay, lấy khăn lau tấm bằng khen của cha cho thêm sáng, anh khoe: Đây là tài sản của ba tôi để lại. Nỗ lực của ông đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh bằng tấm bằng công nhận nông dân sản xuất giỏi vào năm 1995. Ba tôi là một trong những người đi đầu trong huyện về trồng rừng kinh tế. Ông có ý tưởng phủ xanh núi Mật Lật khi thấy nơi đây toàn cây bụi mọc um tùm không có giá trị kinh tế. 5ha là diện tích ông thực hiện được, đến năm 1997 thì ông mất, lúc đó tôi mới 15 tuổi.

 

Với anh Điện, con đường đi tới ước mơ của người cha cũng không ít gian truân. Anh kể: “Từ khi còn là cậu nhóc 10-12 tuổi, tôi đã có giấc mơ làm giàu nhưng không phải từ sản xuất nông lâm nghiệp như bây giờ vì lúc ấy thấy ba mẹ vất vả quá. Tôi thích trở thành kỹ sư điện, ưa mày mò lắp bóng điện, kéo dây, sửa thiết bị… Thích vậy nhưng do ham chơi, ham kiếm tiền nên tôi bỏ đi làm thuê kiếm sống ngay từ lúc đó. Tôi nhớ năm 14 tuổi đã để dành được 6 chỉ vàng nhờ làm thuê. Sau khi ba mất, kinh tế gia đình khó khăn hơn, tôi nghỉ học hẳn và theo các anh, các chú trong làng đi buôn gỗ tận Quy Nhơn (Bình Định). Được gần một năm thì tôi bị gạt ra, cũng không biết tại sao. Để không bị thất nghiệp, tôi bàn với mẹ vay vốn ngân hàng, một mình đi buôn gỗ. Không lỗ nhưng cơ cực, hơn hết chính từ những chuyến đi này tôi ngộ ra rằng kỳ vọng của ba là thực tế, muốn làm giàu phải bắt đầu từ những gì mình có. Thế là tôi dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm được mua thêm đất trồng rừng. Năm 17 tuổi, tôi chính thức gửi ước mơ vào đất để thực hiện ý tưởng sở hữu toàn bộ đất rừng Mật Lật làm giàu giống như ba đã nghĩ lúc sinh thời.

 

Anh Điện cầm bên phải là bằng khen của ba, bên trái là bằng khen của cá nhân. Anh rất tự hào vì đã tiếp bước ba trở thành nông dân sản xuất giỏi - Ảnh: MINH DUYÊN

 

“Bàn tay ta làm nên tất cả”

 

20 năm, với 6 chỉ vàng tiết kiệm ban đầu, từ 5ha rừng của ba mẹ để lại, anh Điện đã gầy dựng được cơ ngơi hiện cho lãi từ 1-1,4 tỉ đồng/năm. Thành quả ấy được kết tinh bằng mồ hôi và cả những giọt nước mắt.

 

5ha, rồi 10ha, đến năm 2007, Trần Văn Điện sở hữu 100ha. Anh quy hoạch trang trại theo mô hình vườn, ao, rừng, chuồng; vừa trồng keo lá tràm, bạch đàn, xà cừ, sắn, lúa, tre lấy măng, mía…; vừa kết hợp chăn nuôi gà, heo đen, bò… Táo bạo hơn, anh xây đập rộng hơn 1 mẫu đất rồi chặn dòng suối tích nước về phục vụ tưới tiêu và nuôi thả cá tăng thu nhập cho trang trại. Đến năm 2009, trang trại bắt đầu có lãi, từ 290 triệu đồng đến 410 triệu đồng (năm 2010) và 610 triệu đồng (năm 2011). Có vốn Điện mua thêm đất đồi để mở rộng diện tích trồng rừng, thực hiện mục tiêu cuối cùng là phủ xanh núi Mật Lật.

 

Thế nhưng, mô hình đa canh anh gầy dựng bắt đầu bị phá vỡ trước sức ép của giá cả thị trường. “Tôi trồng rừng gối vụ, mỗi năm 20ha, diện tích còn lại thì đa canh với mục tiêu lấy mía, bắp, sắn… nuôi rừng, vì rừng phải ít nhất 5 năm mới thu hoạch. Tưởng là lãi, nào đâu hạch toán kinh tế trong 3 năm cũng vừa hòa vốn. Mà hòa vốn có nghĩa sức lao động của mình là không công. Làm phép toán với 20ha sắn, một năm đầu cho lãi 300 triệu đồng, năm sau giá bấp bênh hòa vốn, đến năm thứ 3 giá xuống thấp bị lỗ…, bù đi bù lại, cuối cùng về lâu dài cũng không được bao nhiêu. Nhưng kết quả này giúp tôi định hình rõ hơn đường đi của mình là trồng rừng chuyên nghiệp, vừa tập trung được nhân công vừa không bị lỗ vốn. Giờ thì toàn bộ diện tích của tôi đều là cây rừng”, anh nói.

 

Ông chủ nông dân

 

Hiện trang trại của anh Điện đã có đường bê tông tới tận nhà điều hành. Nhìn bên ngoài đơn sơ với nhà mái tôn, đất đá bề bộn nhưng bên trong toàn bộ trang thiết bị cần thiết cho an ninh, phòng chống cháy rừng như hàng rào, hệ thống điện, camera… được trang bị đầy đủ. Anh Trần Văn Điện hiện là ông chủ của từ 6-50 công nhân chuyên chăm sóc gần 200ha rừng và mỗi năm khai thác trung bình 30.000 tấn gỗ. Những mối quan hệ buôn bán từ thời trẻ trai giờ lại chính là mối làm ăn uy tín, lâu dài, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm gỗ của trang trại anh. Làm ông chủ, nhưng anh Điện vẫn sống đơn giản như một nông dân. Anh em làm công trong trang trại của anh Điện kể: Những năm 2013, 2014 anh còn theo những người lao động trong xóm đi hái cà phê thuê ở Đắk Lắk, đi bốc vác đường ở Nhà máy đường KCP trên Sơn Hòa. Ra hiện trường, anh cũng làm hùng hục như ai và trân trọng những đồng công ít ỏi kiếm được dù trong tay hiện có tiền tỉ.

 

Anh Lương Hữu Nam ở thôn Mỹ Phú (xã Hòa Mỹ Tây), người gắn bó với trang trại rừng của anh Điện hơn 20 năm nay, cho biết: Tôi vừa làm công nhân thời vụ tại Nhà máy đường KCP Sơn Hòa, vừa làm công cho Điện những lúc rảnh rỗi. Điện cũng thỉnh thoảng đi bốc vác cùng tôi ở Nhà máy đường KCP, sống hòa đồng, chân tình với anh em. Ông chủ vậy đấy nhưng hàng ngày vẫn tự tay cho heo, gà ăn, vẫn kéo dây điện, cùng anh em lợp mái tôn và tự mình nằm lại canh rừng mỗi tối.

 

Anh Điện chia sẻ: Tôi đi làm thuê để hiểu đời sống người lao động ở những nhà máy, những trang trại hiện nay như thế nào và học họ cách quản lý. Tôi nhận ra rằng, tốt nhất là hỗ trợ lẫn nhau, không nên có khoảng cách ông chủ và người làm. Tôi cần họ để xây dựng ước mơ của mình, họ cần tôi để lo cho đời sống, vậy thôi.

 

Anh Điện còn có sáng kiến trong trồng rừng, bảo vệ rừng. Anh chia sẻ: “Từ kinh nghiệm bao nhiêu năm lăn lộn, tôi có cách riêng của mình để làm đất trước mỗi vụ trồng rừng, giúp giảm công làm cỏ thực bì. Tôi cũng nghĩ ra cách đốt nguội để bảo đảm chống cháy rừng. Nhờ vậy, giảm chi phí dọn cỏ 2 triệu đồng/lần và đảm bảo an toàn cho cây khi đốt lá rụng”.

 

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, nhận xét: Vượt khó, chí thú làm ăn, nông dân Trần Văn Điện đã tự lực vươn lên làm giàu chính đáng. Là một thanh niên có hoài bão và kiên trì nuôi dưỡng tâm huyết của mình bằng sức lao động, sự chăm chỉ nên anh đã thành công, xứng đáng là nông dân sản xuất giỏi để nhiều người học tập.

 

BẠCH VÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cơm 2.000 đồng/đĩa, kính mời!
Thứ Bảy, 15/10/2016 10:00 SA
Đằng sau những mùa mật ngọt
Thứ Bảy, 08/10/2016 14:00 CH
Miền cát đỏ
Thứ Bảy, 01/10/2016 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek