Nói đến Hàn Quốc, ngoài những thành tựu vượt bậc về kinh tế, người ta không thể không nhắc đến các trào lưu văn hóa, nhất là âm nhạc và điện ảnh một thời làm say đắm hàng triệu fan trẻ cuồng nhiệt trên khắp thế giới. Mọi chuyện bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi Hàn Quốc đưa hàng loạt sinh viên ưu tú về văn hóa của mình sang học tập ở các cường quốc Âu, Mỹ, và chính họ, sau khi trở về đã làm thay đổi cơ bản xu hướng phát triển của nền văn hóa giải trí. Các sinh viên, khi du học đã được tiếp cận với những thành tựu mới nhất về các lĩnh vực sáng tác, biên kịch, đạo diễn, biểu diễn, hòa âm phối khí, vũ điệu, âm thanh, ánh sáng, kể cả công tác tổ chức, điều hành, nói chung là từ A đến Z… Và chính các chàng trai, cô gái tài năng ấy, với niềm đam mê và sự sáng tạo, với lòng tự tôn dân tộc đã không cóp nhặt một cách thụ động, máy móc các trào lưu văn hóa thế giới mà đã phối hợp một cách nhuần nhuyễn, đầy sáng tạo các di sản văn hóa dân tộc Hàn với những thành tựu văn hóa thế giới, thổi bùng lên một làn gió mới lạ trong âm nhạc và điện ảnh, tạo nên một dòng nhạc Pop của Hàn Quốc (K-Pop, viết tắt của Korean Pop), không giống với bất cứ một dòng nhạc nào, khiến giới trẻ các nước, kể cả Âu, Á, Mỹ phải thán phục và bị cuốn theo không cưỡng lại được.
Còn trên màn ảnh, bộ phim bom tấn “Shiri” vào năm 1999 đã kéo hơn 2 triệu khán giả ở Seoul đến rạp, làm cho các phim bom tấn nước ngoài khác như “Titanic”, “Chiến tranh giữa các vì sao”… phải “đắp chiếu” và rút khỏi Hàn Quốc. Bắt đầu từ đó, hàng loạt phim nhựa và phim truyền hình khác liên tiếp ra đời, đánh bạt phim Âu, Mỹ ra khỏi rạp, chẳng những thế còn cạnh tranh cả giải thưởng tại các liên hoan phim thế giới danh giá nữa. Khán giả Việt Nam, suốt một thời gian dài cũng bị “cuốn theo chiều gió” với các bộ phim truyền hình Hàn Quốc nhiều tập như “Mối tình đầu”, “Trái tim mùa thu”, “Bản tình ca mùa đông”, “Giày thủy tinh”, “Nàng Dae Jang Geum”, “Truyền thuyết Jumong” hay “Thần y Huh-Joon”… Và người Hàn, thông qua các tác phẩm âm nhạc và điện ảnh đó đã rất khôn khéo giới thiệu về bản sắc văn hóa của đất nước mình, làm cho giới trẻ trên khắp thế giới phải nhắc đến son môi, kiểu tóc, trang phục, trang sức, ẩm thực, kiến trúc… Hàn Quốc. Người viết bài này, vào thời trai trẻ cũng là một fan cuồng nhiệt của văn hóa Hàn.
Đảo Nami là một trong những địa điểm quan trọng, được quảng bá khá nhiều trong các tour du lịch xứ Hàn. Thực ra, nếu gọi theo cách của người Việt, thì Nami chỉ là cù lao vì nó nằm trên sông Cheongpyung, được hình thành vào năm 1944 trong quá trình xây dựng con đập. Công bằng mà nói, cảnh quan trên đảo chẳng có gì đặc biệt, địa điểm hấp dẫn du khách nhất chỉ là những hàng cây đều tăm tắp, cùng chủng loại được trồng dọc theo các con đường và mỗi con đường được trồng một loại cây khác nhau.
Tùy vào từng mùa mà những tán lá trên cành như được khoác những bộ trang phục khác nhau: mùa xuân là màu xanh nõn nà e thẹn, mùa hè là vẻ từng trải của xanh lục, sang thu là màu vàng rực rỡ quý phái, còn vào mùa đông thì như được khoác một lớp áo choàng trắng tinh khiết. Vẻ đẹp lộng lẫy suốt bốn mùa của những hàng cây đã làm mê đắm bao cặp tình nhân lãng mạn, và không phải ngẫu nhiên mà chúng được chọn làm bối cảnh cho những bộ phim truyền hình nổi tiếng nhất của Hàn Quốc, trong đó có “Bản tình ca mùa đông” từng chiếu trên màn ảnh Việt. Và thế là bây giờ, khi giới thiệu về những hàng cây này, người ta lại có cơ hội để giới thiệu về nền điện ảnh Hàn Quốc.
Khi chúng tôi đặt chân lên đảo thì thời tiết mới chớm thu. Những hàng cây dường như vẫn còn quyến luyến với màu xanh cố hữu, nhưng đây đó đã bắt đầu xuất hiện những đám lá ngả sang màu vàng chanh, đôi chỗ ửng đỏ như màu má của thiếu nữ dậy thì. Với tôi như thế là đủ để gợi nhớ đến nao lòng “Mùa thu vàng” của nước Nga. Người có công gây dựng nên những hàng cây này là ông Min Byungdo. Năm 1965, ông đã mua lại hòn đảo và bắt đầu cho trồng cây, hơn nửa thế kỷ đủ để những hàng cây đó trở thành báu vật của hòn đảo. Còn tên của hòn đảo được đặt theo tên của vị tướng Nami, người đã có công dẹp loạn vào thế kỷ XIII nhưng đã phải chết một cách oan ức vào năm 28 tuổi do bị vu khống tội mưu phản vị vua thứ bảy của Triều Tiên là Sejo. Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm ra mộ của ông mà chỉ thấy một đống đá được cho là nơi ông đã được mai táng. Trải qua hàng trăm năm, đống đá vẫn còn cho đến nay vì theo truyền thuyết, nếu ai lấy dẫu chỉ một viên đá ra khỏi đó mang về nhà thì coi như đã mang theo mọi tai họa về cho gia đình. Hiện nay, đống đá được tôn tạo, đắp đất, phủ cỏ xanh, cạnh đó dựng một bia đá ghi tạc công danh của vị anh hùng. Thế mới biết, ở đâu cũng có người tài bị kẻ bất tài hãm hại, nhưng thời gian luôn là vị quan tòa công minh nhất để “không có ai bị lãng quên và không có điều gì bị quên lãng”.
Trên đảo Jeju cũng có gành Đá Đĩa. Đúng là đi nửa vòng trái đất để gặp người quen. Thực ra đó là cách cô hướng dẫn viên gọi bãi cột đá Jussangjolli bên bờ biển vì cô đã từng đến Phú Yên tham quan gành Đá Đĩa ở Tuy An. Nếu so sánh về sự độc đáo thì gành Đá Đĩa Jeju thua xa, các cột đá lưa thưa, không đồng đều, nhưng về cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch thì ở Jeju hơn hẳn. Người ta xây dựng một hệ thống lan can và bậc thang bằng gỗ cho du khách xuống tận nơi chiêm ngưỡng cảnh quan từ nhiều góc độ khác nhau mà vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối. Ngoài ra còn có bãi đỗ xe, vườn hoa, cây cảnh, khu ăn uống, nghỉ ngơi, bán hàng lưu niệm lúc nào cũng đông nghịt.
Có thể chính vì vậy mà ở gành Đá Đĩa Jeju, người ta hốt bộn tiền của du khách, còn ở Phú Yên thì chẳng được mấy đồng. Những người quan tâm cũng nên đến đây một lần để “mục sở thị”. Nhân đây cũng xin nói thêm là nhiều con đường trên đảo được trải một lớp nhựa màu xanh thẫm rất lạ, hỏi ra mới biết lớp nhựa đường đó được làm từ bột xay lốp ô tô phế thải trộn với các chất phụ gia, đi vừa êm, vừa không trơn trượt, lại xử lý được hàng núi lốp xe cũ không biết vứt đi đâu.
Ngôi làng cổ Seongup trên đảo Jeju là một điểm tham quan không thể bỏ qua, nhưng so với làng cổ Đường Lâm ở Hà Nội hay làng cổ Phước Tích ở Huế mà tôi đã đến thì thua xa về mặt kiến trúc, quy hoạch và cảnh quan. Tuy nhiên, đến đây, du khách lại được chiêm ngưỡng các bộ trang phục cổ của người Hàn Quốc, nghe giới thiệu về cách nấu cao ngựa, trồng nấm linh chi, rồi làm kim chi truyền thống cùng đủ thứ đặc sản khác, và dĩ nhiên là bán các mặt hàng đặc sản đó… Tôi để ý thấy trong đoàn chỉ có một số người mua, nhưng người bán hàng không chút bối rối, nói ngay: “Chúng tôi kết hợp du lịch với quảng bá sản phẩm. Có thể hôm nay các anh chị không mua, nhưng tiếng lành đồn xa, nhất là các loại thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, sản vật địa phương. Khi cần người ta sẽ tự tìm đến, nhiều người đi du lịch chủ yếu là để mua hàng”. Nghe xong, tôi không còn biết bình luận gì thêm nữa.
Tuy nhiên, điều bất ngờ vẫn còn chưa hết khi hướng dẫn viên của làng cho biết, ngôi làng này cũng từng được chọn làm bối cảnh quay cho một bộ phim truyền hình nổi tiếng khác là “Nàng Dae Jang Geum”. Thế đấy! Văn hóa Hàn Quốc cứ âm thầm đồng hành cùng các tác phẩm điện ảnh và âm nhạc, len lỏi vào tận ngóc ngách đời sống của các nước khác trên thế giới.
Ngọn núi lửa Seongsan Sunrise Peak trên đảo, đọc theo âm Hán - Việt là Nhật xuất hành sơn, cao 181m so với mặt nước biển, được công nhận là một trong bảy Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới vào năm 2012 cùng với vịnh Hạ Long của Việt Nam. Nghe nói, sau khi được công nhận, Hạ Long tăng vé gấp đôi cho tương xứng với danh hiệu, còn núi lửa Seongsan thì miễn vé một tháng cùng với nhiều chế độ ưu đãi khác. Có thể vì thế mà Seongsan được xếp thứ tư trong số 7 Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới về lượng khách tới tham quan chăng?
Con đường huyền bí (tên chính thức bằng tiếng Anh là Mysterious Road) chỉ là một đoạn dốc trên đảo Jeju. Nhưng khi xe chạy đến chân dốc, lái xe liền thông báo cho du khách biết, ông đã tắt máy xe, cài số không, thế mà chiếc xe vẫn cứ tự chạy lên dốc. Nhìn bằng mắt thường, con dốc chỉ dài khoảng năm trăm mét, độ dốc khoảng 15-20°, hai bên đường cỏ cây vẫn mọc bình thường theo hướng thẳng đứng, trâu bò vẫn ung dung gặm cỏ. Nhưng ngay cả trên đường bằng nếu chiếc xe tự chạy được cũng là điều huyền bí, huống hồ lại lên dốc. Đến lưng dốc, bác tài dừng xe lại để hành khách xuống kiểm tra. Người ta mang nước ra đổ lên mặt đường, nước cũng chảy lên dốc, đặt những quả bóng nhựa hay chai rỗng xuống đường, bóng và chai cũng lăn lên dốc. Cô hướng dẫn viên bảo, điều huyền bí này do chính các lái xe phát hiện ra khoảng mười năm trước, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một lời giải thỏa đáng.
Tuy nhiên, sự phát hiện tình cờ này đã biến nơi đây thành một điểm tham quan hấp dẫn du khách trên đảo Jeju. Theo thói quen nghề nghiệp địa chất, tôi đoán, có thể tại khu vực này có loại quặng gì đó bị nhiễm từ mạnh, làm biến đổi từ trường và làm xê lệch trọng lực của trái đất nên mới xảy ra hiện tượng đó. Rất có thể, người Hàn Quốc đã tìm ra nguyên nhân từ lâu, nhưng nếu công bố ra thì điểm tham quan này đâu còn hấp dẫn du khách nữa! Thế nên, du khách vẫn cứ nườm nượp đến đây để đoán ngược đoán xuôi.
Điểm tham quan làm tôi bất ngờ nhất là Công viên tình yêu (Loveland). Trong công viên trưng bày khoảng 140 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc theo chủ đề văn hóa phồn thực và tình ái do một giáo sư - nhà điêu khắc và 5 sinh viên tài năng nhất của Đại học Mỹ thuật Hongik ở thủ đô Seoul thực hiện trong gần 2 năm và chính thức mở cửa đón du khách vào năm 2004. Cùng với những bức tượng khỏa thân có giá trị nghệ thuật cao, ở đây còn có các bức tượng mô tả cảnh ân ái trong phòng the khiến nhiều cô gái trẻ phải che mặt cười tủm tỉm. Chủ trương của những người sáng lập công viên là nhằm giáo dục giới tính, tôn vinh vẻ đẹp của con người và chỉ dành cho người lớn. Nếu du khách nào mang theo con nhỏ, đã có sẵn một khu vui chơi cho trẻ em ngay bên cạnh, có người trông nom chu đáo. Cũng như mọi nơi trưng bày tác phẩm nghệ thuật khác, giá vé vào cổng không hề rẻ: khoảng 200.000 đồng.
Sau mấy “ngày đàng” tận mắt nhìn thấy và nghe kể về những gì người dân trên xứ sở Kim Chi đã và đang làm, tôi thầm nhủ, như thế mà không giàu mới là lạ!
Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP