Thứ Sáu, 18/10/2024 15:44 CH
Chuyện bên sông Hàn:
BÀI 1: Điều kỳ diệu trên sông Hàn và những hệ lụy
Thứ Ba, 25/10/2016 08:03 SA

Trước khi đặt chân lên xứ sở Kim Chi, tôi đã tự nhủ phải cố tìm hiểu xem, vì sao bán đảo vốn có nhiều nét tương đồng với nước ta, thậm chí ngày xưa còn nghèo nàn và lạc hậu hơn, mà bây giờ, các cô gái miền Tây cứ rủ nhau sang đó làm dâu xứ người.

 

Tác giả bên Nhà Xanh, Dinh Tổng thống Hàn Quốc - Ảnh: LÊ DIỆP

Sau vài ngày “phi ngựa xem hoa”, cố gắng lắm tôi cũng chỉ nhặt nhạnh được đôi điều tản mạn như kiểu “thầy bói xem voi”, nhưng để tránh mọi sự ngộ nhận, nhất là với các cô gái, tôi cần phải nói ngay là dân Hàn Quốc không thừa nam thiếu nữ như nhiều người vẫn nghĩ. Tỉ lệ nam - nữ ở xứ sở Kim Chi cũng bình thường như các nước khác. Chẳng qua là ở vùng nông thôn hẻo lánh, các cô gái cũng có xu hướng đổ xô ra thành phố để học hành, tìm kiếm việc làm, và dĩ nhiên là lấy chồng thành phố. Thế nên, đàn ông nông thôn rất khó kiếm vợ, từ đó mới sinh ra dịch vụ môi giới lấy chồng Hàn. Nhưng tôi xin nhắc lại, sang đó cũng chỉ lấy chồng nhà quê thôi. Hơn nữa, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay ở Hàn Quốc đã có khoảng 60.000 cô dâu Việt rồi. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là ở nông thôn chỗ nào cũng thừa nam - thiếu nữ, vì có một nơi ngoại lệ, đó là đảo Jeju.

 

Khi giới thiệu về đảo Jeju, cô hướng dẫn viên người Hàn gốc Việt đã sống ở Seoul gần hai mươi năm, bắt đầu như thế này: “Đảo Jeju có ba đặc sản không nơi nào sánh được, đó là gió, đá và “cái đó” - mọi người ồ lên vặn vẹo, cô thản nhiên tiếp: - Có gió vì đảo nằm giữa đại dương mênh mông, gió bão quanh năm. Có đá vì Jeju vốn là miệng núi lửa, từng phun trào tới bốn lần, toàn đá granit và đá bazan. Còn có “cái đó” là có nhiều phụ nữ, nhất là bà góa, do đàn ông bị chết nhiều trong chiến tranh và ngoài biển khơi”. Những tiếng cười ồ bật lên rồi lặng đi ngay nhường chỗ cho một nỗi cảm thông vì hầu hết du khách trên xe đều là dân biển miền Trung. Thấy không khí có vẻ trầm lắng, cô hướng dẫn viên liền đổi giọng vui vẻ: “Nhưng trên đảo Jeju lại có “ba không” mà chỉ ở đây mới có. Đó là không đói nghèo, không trộm cắp và không có cổng - rồi cô giải thích: - Không đói nghèo vì từ năm 1970, khi Jeju chuyển sang làm du lịch thì nền kinh tế của đảo phát triển vượt bậc, từ đó không còn hộ nào đói nghèo nữa. Không trộm cắp vì đảo Jeju được công nhận là Di sản thế giới, là Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới và là Công viên địa chất toàn cầu, nên nửa triệu người dân trên đảo đều có ý thức bảo vệ uy tín và danh dự của mình. Còn không có cổng là vì không có nhu cầu, thay vì xây cổng, người ta chỉ chôn hai trụ đá cao khoảng nửa mét, mỗi trụ khoét ba lỗ rồi xỏ mấy thanh gỗ vào. Nếu xỏ 3 thanh tức là chủ nhà đi xa vài ngày, 2 thanh là về trong ngày, 1 thanh là sẽ về ngay, còn không có thanh nào là chủ nhà đang có nhà, mời vào. Tuy nhiên, nếu thấy nhà nào gác 4 thanh thì đó là nhà bà góa; đàn ông vào phải để lại một vật gì đó của mình lên trụ đá như mũ, khăn tay, thậm chí cả thắt lưng, cà vạt… nhằm thông báo cho mọi người biết trong nhà đang có khách. Nói đến đây, cô hướng dẫn viên tinh nghịch bảo: - Nếu trong đoàn mình, chú nào muốn vào thì cứ để lại cái mũ của hãng du lịch, không ai biết ai đâu”. Cả xe cười vang.

 

Đi trên đảo Jeju, du khách thường bắt gặp những bức tượng đá hình người ở trước nhà hay trước cơ quan, công sở. Đó là ông thần đảo Harubang. Có hai ông thần là thần võ và thần văn, trang phục giống nhau, chỉ khác ở vị trí đôi tay, nếu tay phải để cao hơn thì đó là thần võ, còn tay trái cao hơn là thần văn. Thần đảo là thần hộ mệnh, mang lại mọi điều may mắn cho dân làng nên được coi là biểu tượng của đảo Jeju và là món quà lưu niệm phổ biến nhất của đảo. Tuy nhiên, đảo Jeju còn một biểu tượng khác, gần gũi với đời hơn, đó là người phụ nữ làm nghề lặn biển gọi là Haenyeo, phiên âm theo Hán Việt là hải nữ. Với vóc dáng thấp đậm và chắc nịch trong bộ quần áo lặn bằng cao su, cái giỏ lưới trên vai, chiếc kính lặn trên trán mà không cần bình oxy, nhiều người là lao động chính trong gia đình và nghề chính là lặn biển vì họ có khả năng nín thở lâu hơn, lặn sâu hơn đàn ông. Các bức tượng đá người phụ nữ lặn biển dựng trên đường phố và trong vườn hoa đủ để khẳng định vai trò của người phụ nữ trên hòn đảo xinh đẹp này.

 

Theo lời cô hướng dẫn viên thì thanh niên Hàn Quốc rất có tinh thần tự lập. Trên đường phố, trong giờ làm việc, hầu như không có thanh niên la cà hàng quán nhậu nhẹt, cà phê cà pháo. Các bậc cha mẹ sẵn sàng đầu tư cho con cái học hành đến nơi đến chốn để có nghề nghiệp ổn định. Nhà nghèo thì vừa học vừa làm, hay cố học cho giỏi để kiếm học bổng, nếu được du học phải tuyên thệ trở về phục vụ đất nước. Kể đến đây, cô hướng dẫn viên hỏi: “Cô chú có biết, ở Hàn Quốc, khi con cái học hành xong, cha mẹ còn phải lo gì nữa?”. Người thì đáp, chạy xin việc, cưới vợ gả chồng, người lại bảo mua nhà, mua xe, sắm sửa đồ đạc… Chờ cho mọi người liệt kê ra cả một danh mục dài, cô lắc đầu mỉm cười bảo: “Sai hết! Cha mẹ chẳng giúp gì nữa! Bắt đầu từ đây con cái phải tự mình làm tất cả những việc mà cô chú vừa kể. Chỉ có một ngoại lệ, nếu con cái chưa xin được việc làm vì ngoại hình xấu xí thì cha mẹ sẽ đầu tư thêm để sửa sang sắc đẹp, thế là xong”. Ngừng một lát cho mọi người thấm, cô kể tiếp: “Xét về cường độ làm việc thì người Hàn làm gấp 3 lần người Nhật và gấp 5 lần người Mỹ, còn số ngày nghỉ trong năm lại ít nhất so với các nước phát triển. Trên đường, hầu như không thấy bóng dáng một chiếc ô tô ngoại nhập, trong siêu thị, từ hàng điện tử, điện máy, cho đến may mặc, gia dụng, hàng ngoại lại càng ít”.

 

Thần đảo Harubang, biểu tượng của đảo Jeju - Ảnh: ĐÀO MINH HIỆP

 

Khi nói đến ý thức tự lập, tự cường của người Hàn Quốc, người ta hay nhắc đến cố Tổng thống Park Chung Hee (1917-1979) với những quan điểm trái chiều vẫn còn gây tranh cãi đến tận bây giờ. Ngay sau khi đảo chính lên nắm quyền vào tháng 7/1961, ông Park Chung Hee đã tuyên bố trước 20.000 sinh viên Đại học Seoul rằng, toàn dân Hàn Quốc sẽ phải thắt lưng buộc bụng trong vòng 5 năm, để sau đó 10 năm sẽ đứng đầu Đông Á về kinh tế và sau 20 năm sẽ trở thành cường quốc kinh tế thế giới. Ông còn khẳng định, sẽ xử bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng. Với bàn tay sắt điều hành đất nước, Tổng thống Park Chung Hee bị nhiều người cho là độc tài và là tội phạm chiến tranh vì đã đưa quân sang Việt Nam đánh thuê cho Mỹ để lấy tiền xây dựng đất nước, nhưng ông đã thổi bùng lên lòng nhiệt huyết và tinh thần tự cường của mọi công dân, làm cho Hàn Quốc phát triển thần tốc về mọi mặt, nhất là về kinh tế, tạo nên “Điều kỳ diệu trên sông Hàn” như người ta vẫn nói, biến một quốc gia với 80% diện tích là núi đá hoa cương, vào những năm 60 vốn chỉ đứng ngang hàng với các nước nghèo ở châu Á, châu Phi, nhanh chóng trở thành một trong những con hổ về kinh tế của thế giới, đứng đầu trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Để rồi, vào ngày 26/10/1979, ông lại bị chính người thân tín của mình là Giám đốc cơ quan Tình báo Hàn Quốc Kim Jae Kyu bắn chết.

 

Hiện nay, ở nước ta có khoảng 90.000 người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc, chủ yếu là làm ông chủ, cán bộ kỹ thuật, quản lý điều hành trong các ngành điện tử, may mặc, nhà hàng… Còn ở Hàn Quốc có khoảng 130.000 lao động Việt Nam, chủ yếu làm công nhân trong các ngành xây dựng, cơ khí, may mặc, nông nghiệp, còn phụ nữ thì làm ở các shop và nhà hàng chuyên phục vụ du khách Việt. Trong mối quan hệ giữa ông chủ và nhân viên ở Hàn Quốc, chữ “tình” rất được coi trọng: nhân viên coi doanh nghiệp như gia đình mình, còn ông chủ coi nhân viên như người nhà, nên tất cả mọi người đều có ý thức chung tay góp sức xây dựng doanh nghiệp phát triển hùng mạnh, có nghĩa là đất nước hùng mạnh. Con của chủ, dẫu học hành bằng cấp đến đâu, nhưng khi vào làm trong doanh nghiệp của cha mẹ đều phải khởi nghiệp từ chức vụ thấp nhất rồi thăng tiến dần lên. Cha mẹ bắt phải như vậy để con cái hiểu biết tường tận mọi hoạt động của doanh nghiệp, sau này sẽ lãnh đạo tốt hơn. Tuy nhiên, với sức ép tâm lý nặng nề trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa con người với nhau, Hàn Quốc cũng là nước có số vụ tự sát nhiều nhất trong các nước phát triển, chủ yếu là trong giới sinh viên, văn nghệ sĩ, trí thức và quan chức. Theo lời cô hướng dẫn viên, tỉ lệ tự sát của nhóm người cao tuổi nhiều gấp đôi so với mức trung bình vì cứ 4 người cao tuổi thì có 1 người mắc chứng trầm cảm. Để hạn chế người tự tử ở nơi công cộng, người ta phải lắp thêm hàng rào ở nhà ga tàu điện ngầm, lắp camera ở các cây cầu để phát hiện và ngăn chặn người có ý định tự sát.

 

BÀI CUỐI: Những con sóng từ sông Hàn

 

Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Xóm thúng nhựa trên vịnh Xuân Đài
Thứ Bảy, 22/10/2016 07:56 SA
Cơm 2.000 đồng/đĩa, kính mời!
Thứ Bảy, 15/10/2016 10:00 SA
Đằng sau những mùa mật ngọt
Thứ Bảy, 08/10/2016 14:00 CH
Miền cát đỏ
Thứ Bảy, 01/10/2016 13:00 CH
Tươi mát Kỳ Châu
Thứ Bảy, 17/09/2016 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek