Thứ Sáu, 18/10/2024 15:54 CH
Cơm 2.000 đồng/đĩa, kính mời!
Thứ Bảy, 15/10/2016 10:00 SA

Những nụ cười bên đĩa cơm 2.000 đồng - Ảnh: HOÀNG CHƯƠNG

Mới hoạt động khoảng 1 tháng nay nhưng Hội quán Nụ Cười do anh Trần Thanh Long và chị Nguyễn Thị Hằng làm chủ đã trở thành điểm đến của người nghèo. Thông qua việc bán cơm từ thiện 2.000 đồng/đĩa, Hội quán Nụ Cười đang giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần ươm mầm sống đẹp cho cộng đồng…

 

8 giờ sáng, chúng tôi đến Hội quán Nụ Cười (67 Nguyễn Du, phường 7, TP Tuy Hòa). Trong căn nhà rộng hơn 50m2 rộn rã tiếng nói cười của 20 tình nguyện viên đang chế biến các món ăn và chuẩn bị mọi việc liên quan để phục vụ người nghèo. Vất vả, mệt nhọc dường như không có trong suy nghĩ của những thanh niên này. Thay vào đó là những trao đổi xung quanh việc nấu món gì, nấu sao cho ngon để những người nghèo đến với hội quán hài lòng trong bữa cơm trưa.

 

Ngôi nhà vui của người nghèo

 

Mọi công đoạn chuẩn bị cho 60 suất ăn dành cho người nghèo hoàn tất lúc 10 giờ. Đó cũng là thời điểm rộn ràng nhất tại Hội quán Nụ Cười. Những người nghèo từ các nơi đang lao động kiếm sống tại TP Tuy Hòa cầm trên tay nơi tấm phiếu cơm 2.000 đồng/đĩa xen lẫn niềm vui và xúc động. Bà Lê Thị Danh (thôn Quy Hậu, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) cho biết: “Tôi đi bán vé số đã gần 10 năm nay. Công việc vất vả, mỗi ngày thu nhập từ 50.000-100.000 đồng. Qua bạn bè giới thiệu, tôi biết Hội quán Nụ Cười và đến đây dùng cơm. Cơm ở đây ngon cũng như ở các quán khác. Điều tôi cảm thấy ấm áp là các cháu tình nguyện viên phục vụ rất vui vẻ, nhiệt tình. Tôi rất tâm đắc khi TP Tuy Hòa mình có quán cơm như thế này”.

 

Còn bà Nguyễn Thị Thuận (khu phố Ninh Tịnh 1, phường 9, TP Tuy Hòa) tâm sự: “Gia đình tôi thuộc diện cận nghèo. Chồng bị bệnh, vì thế tôi là lao động chính trong nhà, bán vé số chỉ thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày. Khi biết hội quán bán cơm từ thiện 2.000 đồng/đĩa là tôi ghé ngay. Gia cảnh khó khăn nên tiết kiệm được khoản nào hay khoản đó”.

 

Không những được ăn cơm từ thiện, những người nghèo đến với Hội quán Nụ Cười còn được mua sắm quần áo, giày dép, vật dụng sinh hoạt với giá thống nhất 2.000 đồng/cái. Đây là quần áo, giày dép cũ mà tình nguyện viên của hội quán vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đóng góp. Sau 1 tháng hoạt động (vào các trưa thứ 7, chủ nhật), Hội quán Nụ Cười đã trở thành ngôi nhà chung của những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

 

Sau bữa cơm giá rẻ nhưng đảm bảo chất lượng, những người nghèo trở lại với cuộc sống mưu sinh. Trên gương mặt của những lao động nghèo nở nụ cười mãn nguyện. Một bữa cơm 2.000 đồng có thể không giải quyết được hết tất cả những lo toan thường nhật nhưng đã nói lên truyền thống tốt đẹp “Lá lành đùm lá rách” của ông cha ta từ bao đời nay.

 

Sống là cho, đâu chỉ biết riêng mình

 

Hội quán Nụ Cười đi vào hoạt động là tâm huyết và nỗ lực không biết mệt mỏi của anh Trần Thanh Long và chị Nguyễn Thị Hằng. Ròng rã hơn 1 năm, cặp vợ chồng trẻ này lên ý tưởng, kế hoạch, tìm nguồn tài trợ và cơ sở vật chất để hình thành hội quán.

 

Khi được hỏi điều gì làm anh băn khoăn nhất trong quá trình chuẩn bị cho hoạt động thiện nguyện rất ý nghĩa này? Anh Long trả lời: Điều bất ngờ là khi tiếp xúc một số người để bàn bạc công việc, họ cho rằng tôi thật rỗi hơi!!! Số khác đáp lại bằng ánh mắt ngờ vực và cho rằng việc làm của tôi là không giống ai! Một số mạnh thường quân đặt vấn đề tài trợ số tiền lớn rồi lấy tên doanh nghiệp đặt tên quán nên tôi không đồng ý. Đây là hoạt động từ thiện và hãy giữ đúng bản chất của nó. Những điều ấy làm tôi thêm quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình. Tôi không tin là trong xã hội này làm điều tốt khó đến vậy.

 

May mắn là anh Long và chị Hằng không đơn độc trong ý tưởng “không giống ai” của mình.

 

Thông qua mạng xã hội Facebook và các phương tiện truyền thông, anh Long đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người có tâm. Hiện tại đã có 7 người tài trợ thường xuyên để hội quán bán cơm từ thiện cho người nghèo vào các trưa thứ 7, chủ nhật hàng tuần. Một trong những nguồn lực hỗ trợ đắc lực cho Hội quán Nụ Cười là đội ngũ tình nguyện viên. Đó là những sinh viên của các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh, tìm đến hội quán với mong muốn góp sức chung tay giúp những người có hoàn cảnh khó khăn. Sinh viên Lê Thị Hồng Mến, lớp C13 (Khoa Giáo dục tiểu học - Mầm non Trường đại học Phú Yên) là một trong những tình nguyện viên tích cực nhất của Hội quán Nụ Cười. “Ngoài lịch học, tôi sắp xếp thời gian đến phụ giúp công việc tại hội quán. Lúc thì phụ nấu cơm, lúc thì phụ bán trà sữa, bánh ngọt để mang nguồn quỹ về phục vụ bữa cơm cho người nghèo. Tôi thấy công việc mình làm rất có ý nghĩa và vui vì đây là một hoạt động hướng về cộng đồng rất bổ ích”, Mến chia sẻ.

 

 

Chuẩn bị phiếu để bán cơm 2.000 đồng/đĩa cho người nghèo - Ảnh: HOÀNG CHƯƠNG

 

 

Mong muốn mở rộng hoạt động

 

Bán cơm 2.000 đồng/đĩa là mô hình không mới tại các thành phố lớn trong nước, nhất là TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cơm 2.000 đồng/đĩa của Hội quán Nụ Cười lần đầu tiên có mặt tại TP Tuy Hòa. Xác định rõ nguồn hỗ trợ sẽ không dồi dào như ở nhiều địa phương khác, trong cái khó, anh Long đã nảy ra ý tưởng mô hình tự nuôi sống hội quán. Theo nhẩm tính của anh, trước mắt, mỗi buổi Hội quán Nụ Cười phải chi gần 700.000 đồng cho 60 suất ăn phục vụ người nghèo. Hiện tại mỗi tuần, hội quán phục vụ người nghèo vào trưa thứ 7 và chủ nhật. Như vậy, mỗi tháng, hội quán phục vụ 8 buổi với tổng chi phí hơn 5 triệu đồng. Ngoài nguồn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, hội quán còn bán trà sữa, bánh ngọt, quần áo cũ vào chiều tối hàng ngày nên mỗi tháng thu về khoảng 1,5 triệu đồng. Cộng với sự trợ giúp của các tình nguyện viên, hiện nay Hội quán có thể đảm bảo được việc bán cơm 2.000 đồng/đĩa theo lịch trên.

 

Đây chỉ là sự khởi đầu. Theo anh Long, thời gian tới, nếu có được sự cộng hưởng cao hơn từ xã hội, hội quán sẽ đưa hoạt động lên 3 ngày và thậm chí là các ngày trong tuần. “Từ hiệu quả ban đầu, tôi tin rằng Hội quán Nụ Cười đang đi đúng hướng. Tôi đang xây dựng “Chương trình ngày của bạn”, tức là một tổ chức, nhà hảo tâm nào đó có thể yêu cầu chúng tôi nấu theo các món mà họ yêu cầu. Một gia đình nào đó có thể cùng chúng tôi hoặc trực tiếp nấu cơm phục vụ cho người nghèo để hiểu được cảm giác giúp đỡ người khác có ý nghĩa thế nào”, anh Long cho biết.

 

Chị Võ Thị Kim Ngân, kinh doanh tại khu phố Phú Hiệp 3 (thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) tâm sự: “Trong suy nghĩ thường nhật, tôi luôn hướng đến người nghèo. Tuy nhiên, tôi không biết cách nào để giúp đỡ bà con và may mắn là Hội quán Nụ Cười đã gợi ý, giúp tôi hoàn thành tâm nguyện của mình. Tôi sẽ hỗ trợ kinh phí lâu dài cho việc bán cơm 2.000 đồng/đĩa của hội quán. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều người cùng chung tay với Hội quán Nụ Cười để nơi đây thực sự là điểm đến của tình yêu thương vì người nghèo”.

 

Nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng của nước Pháp La Fontaine từng nói: “Con người phải giúp nhau; đó là luật của tự nhiên”. Sự tự nhiên ấy cũng là nét đẹp của những người đã chung tay hình thành nên Hội quán Nụ Cười, để những người nghèo, người khó khăn trong xã hội này có thể nở nụ cười xua tan những nỗi mệt nhọc trong cuộc sống…

 

NHẬT HUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đằng sau những mùa mật ngọt
Thứ Bảy, 08/10/2016 14:00 CH
Miền cát đỏ
Thứ Bảy, 01/10/2016 13:00 CH
Tươi mát Kỳ Châu
Thứ Bảy, 17/09/2016 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek