Thứ Bảy, 19/10/2024 02:35 SA
Lễ hội tháng Mười ở Munich
Thứ Bảy, 24/10/2015 15:39 CH

Đôi khi nhắm mắt lại, tôi vẫn thấy cuộc đời trôi ngang như một giấc mơ.

 

Chuyến tàu từ Venice đưa tôi đi dọc dòng sông xanh, qua những cánh đồng biên giới rẽ hướng về tiểu bang Bavaria ở miền Nam nước Đức. Mệt nhoài sau những chuyến lang thang không nghỉ, tôi để mặc hồn trôi tự do qua cửa sổ mà mơ những giấc mơ cổ tích hiền hòa.

 

Tác giả (bìa phải) hòa mình cùng Lễ hội Bia - Ảnh: B.SƠN

 

Mùa thu làm vàng những cánh đồng hoa cải dầu mượt mà lượn quanh thung lũng, làm xanh những dãy núi Alps ẩn khuất đằng xa. Tôi chợt nhớ lại câu hát trong điệu Viennese Waltz dập dìu Le Beau Danube Bleu của Johann Strauss mà cố nhạc sĩ Phạm Duy đã đặt lời Việt rất thành công:

 

Sông về sông dào dạt ý

Hát tang bồng theo tàu mà đi

Ai giang hồ sau ngàn hải lý

Lỡ tình duyên nơi đâu đó ghé qua kinh kỳ

 

Để lại sau lưng những kỷ niệm nơi đô thành nổi, Bavaria là một thế giới phồn thực hơn rất nhiều, với không khí tưng bừng say nồng men bia của Lễ hội tháng Mười danh tiếng. Nơi đó, tôi thả mình vào không gian ngày hội, tạm thời bỏ mặc những chuyến đi phiêu bạt dài ngày tưởng chừng như không hồi kết. Những người bạn mới, những ly bia khổng lồ, xúc xích Bavaria thơm lừng, âm nhạc rộn vang làm xua tan cơn mỏi mệt sau những cung đường thiên lý.

 

Hàng năm, hơn 6 triệu người không phân biệt sắc tộc, màu da từ khắp nơi trên thế giới hội tụ về cánh đồng Therese để cùng đắm chìm trong không gian của lễ hội. Gần 200 năm với biết bao nhiêu biến động lịch sử làm ngăn trở, kể từ cuộc chinh chiến của Napoleon đầu thế kỷ XIX, nạn dịch tả gieo rắc nỗi kinh hoàng ở châu Âu vào trung thế kỷ, các cuộc chiến tranh giữa Áo, Pháp với nước Phổ cuối thế kỷ XIX hay thời gian diễn ra Đệ Nhất và Đệ Nhị thế chiến khốc liệt của thế kỷ XX, Lễ hội tháng Mười vẫn mang trong mình chuỗi ký ức nồng nhiệt và khổ đau của những hình dung và tinh thần văn hóa xứ Bavaria phủ sóng ra thế giới.

 

Những cô gái Đức với trang phục truyền thống trong ngày lễ hội - Ảnh: N.SƠN

 

Trước hết là âm nhạc và điệu vũ, chưa kể không gian âm nhạc riêng biệt phát ra bên trong mỗi lều bia, dưới chân ngọn đồi - nơi bức tượng nữ thần Bavaria được dựng lên kiêu hãnh - luôn có các vũ công hay nhạc sĩ đường phố cùng nhau hội tụ. Khán giả của họ đa phần là các ma men đã say bia nằm, ngồi la liệt trên bãi cỏ ở chân đồi. Vào ngày chủ nhật thứ hai của lễ hội, buổi hòa nhạc ngoài trời dành cho nhạc cụ thổi lớn nhất thế giới diễn ra tại đây, kéo theo một lượng khán giả khổng lồ vây kín. Lần lượt từng tác phẩm của những nhà soạn nhạc lừng danh nước Đức được tấu lên một cách tài tình, từ Bach và Handel thời kỳ Baroque, Beethoven thời kỳ Cổ điển cho đến Schumann, Mendelson, Brahms, Wagner thời kỳ Lãng mạn và kết thúc bằng Strauss của thời kỳ Hậu lãng mạn, có cả bản Le Beau Danube Bleu làm tôi cứ thẫn thờ mấp môi theo lời nhạc Dòng sông xanh. Trước hàng chục ngàn con người, lịch sử nước Đức tang thương và kiêu hãnh được vẽ ra vẹn nguyên bằng âm nhạc, như muốn thì thầm kể cho nhân loại nghe câu chuyện của chiến tranh và hòa bình. Là chiến tranh của âm nhạc Wagner vốn được trùm Phát xít Hitler cho phép chơi ở những trại tập trung Đức quốc xã, là hòa bình của Le Beau Danube Bleu, nơi chiến tranh khép lại và điệu vũ được thay thế để hoan ca cuộc đời. Từ đây, không gian âm nhạc trở nên thiêng liêng và thấm đượm tinh thần nhân bản. Trong giây phút đó, ít ai còn nhớ được nhà bác học vĩ đại của nước Đức và của toàn nhân loại thế kỷ XX Albert Einstein từng kể lại rằng, ông đã từng ngẩn ngơ như vậy khi còn là cậu bé giúp việc cho một lều bia của Lễ hội tháng Mười, cũng từng bị thứ âm nhạc của những huyền thoại quê hương làm mê mẩn để rồi sau này sang Mỹ, ông hay giải trí sau những giờ làm việc bằng một cây vĩ cầm.

 

Thứ nữa là trang phục truyền thống. Dù cho có ở Bavaria muôn đời, tôi cũng không thể nào thực hiện được một mong ước nhỏ nhoi là ghi lại hình ảnh tất cả các bộ trang phục truyền thống của nước Đức được người dân khoác lên người trong dịp Lễ hội tháng Mười. Với đàn ông thường đơn giản là kiểu Lederhosen: quần short màu da bò hoặc đà nâu, áo trắng hoặc caro xanh, hồng, chân mang tất dài và dày hoặc tất vòng như nhiều vị hoàng tử nước Phổ ngày xưa. Đôi khi các bé trai còn cài thêm lông ngỗng lên trên chiếc mũ điệu đà để ra oai cùng công chúa. Công chúa ở đây là các bé gái má phúng phính, xinh xắn mặc bộ váy gọn như búp bê, có em còn mang vương miện trên đầu, tưởng tượng mình là nàng công chúa kiêu kỳ, đỏm dáng sẵn sàng bĩu môi chê bai hoàng tử miệng còn hôi sữa khi chàng ngỏ lời cầu hôn mà đâu biết rằng bản thân công chúa cũng đang xơi kẹo mút. Đặc biệt phải kể đến trang phục phụ nữ, nhất là những cô gái má hồng. Mỗi bộ mang nhiều màu sắc, nhiều họa tiết khác nhau. Người ta không thể thống kê được toàn lễ hội có bao nhiêu bộ váy dạ hội truyền thống khoe mình trên cánh đồng Therese, cũng như không thể đếm được có bao nhiêu cụm hoa cải dầu trên những cánh đồng ngoại ô Bavaria, chỉ biết rằng mỗi người đàn bà, mỗi cô gái mang trong mình dòng máu Đức đa chủng tộc có thể kể cho thế giới nghe về một tinh hoa dân tộc với tất cả niềm tự hào.

 

Cuối cùng phải là bia, linh hồn của lễ hội. Lễ hội tháng Mười chỉ là tên gọi chính thức, còn tên lóng vẫn hay được gọi là Lễ hội Bia. Những giọt bia đầu tiên được mở khi thị trưởng đương nhiệm của Bavaria đóng nhát búa mở vòi. Kể từ đó, dòng sông đại mạch chuyên chở nền văn hóa Bavaria nói riêng và cả nước Đức nói chung tràn dâng khắp những ngày diễn ra lễ hội. Người Đức uống bia như những chiến binh thực thụ. Họ cụng những ly bia khối tích lớn (thường là 1 lít) ồn ào như khi đấm tay ra trận và nốc vào bụng hết ly này sang ly khác như những cỗ xe tăng.

 

Hồi còn bé, tôi từng được nghe kể người đàn ông Đức mạnh mẽ nhất khi họ đang uống bia và người phụ nữ nước này gợi cảm nhất khi mặc chiếc váy truyền thống, vừa nhấp xong ngụm bia và nở nụ cười, trên khóe môi vẫn còn vương lại dòng bọt bia khêu gợi. Khi hiện diện ở không gian này, những điều tôi được nghe thuở bé về dân tộc Đức hiện lên vẹn nguyên như một bức tranh đẹp, trong không gian của âm nhạc, điệu vũ và những câu chuyện tâm tình.

 

Đêm ngồi trên thảm cỏ dưới chân tượng nữ thần Bavaria, tôi đưa tầm mắt ra không gian sáng bừng trải dài trước mặt và ngoảnh đầu nhìn cô em “tóc vàng sợi nhỏ” buông từng lời tâm sự của kẻ tha phương. Bất chợt âm nhạc của Johann Strauss lại nổi lên dập dìu, và tôi đã thì thầm cho cô nghe đôi câu chuyện nhỏ, bằng thứ tiếng quê hương của kẻ xa nhà:

 

Sông về sông dào dạt ý

Hát tang bồng theo tàu mà đi

Ai giang hồ sau ngàn hải lý

Lỡ tình duyên nơi đâu đó ghé qua kinh kỳ

Ôi, mắt em hoe như mây chiều rơi, rơi vàng lòng đời

Ôi, mắt em xanh như đêm dài, để người quên kiếp mai…

 

Và tôi nhìn cô nhắm mắt lại, để thấy cuộc đời trôi ngang như một giấc mơ.

 

Kiến trúc sư NGUYỄN NGỌC SƠN

(Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chợ gùi ở Sa Pa
Thứ Ba, 13/10/2015 13:00 CH
Kỹ sư trẻ làm trưởng thôn
Thứ Bảy, 10/10/2015 09:28 SA
Vẻ đẹp Long Thủy
Thứ Bảy, 19/09/2015 13:00 CH
Huỳnh Đức Thế và những giọt máu ân tình
Thứ Bảy, 12/09/2015 14:00 CH
Nhớ bà mẹ Hòa Quang
Thứ Bảy, 05/09/2015 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek