Trong cuộc trường chinh đầy gian lao và anh dũng của dân tộc, là một người lính trong lực lượng vũ trang cách mạng, tôi đã đi qua nhiều thôn, xóm. Từng sống, chiến đấu và công tác với nhiều địa phương, tôi đã gặp rất nhiều bà mẹ. Nhưng thời khắc và con người ghi dấu ấn sâu sắc nhất trong tôi là bà mẹ ở Hòa Quang (nay thuộc huyện Phú Hòa) kiên trung bất khuất trong cuộc chiến đấu 300 ngày sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 ở Phú Yên - chuyện rằng:
Tháng 10 năm ấy, tôi được lãnh đạo Ty CA Phú Yên (hoạt động bí mật) phân công vào Hòa Quang nối lại tuyến liên lạc trinh sát bị đứt. Mặc dù tôi vừa trải qua một trận sốt rét rừng, sức khỏe chưa hồi phục. Do tính chất của chuyến đi và địch tình ở CK2 (Tuy Hòa 2) lúc bấy giờ - Lãnh đạo ty chỉ đạo chuẩn bị kỹ hai vấn đề là: cải trang thật chu đáo để tránh sự nghi ngờ của địch và chuẩn bị đối phó nếu bị địch bắt.
Một sáng tháng 10 từ AX tôi lên đường vào Hòa Quang. Mặc dù trời mưa tầm tã, chuyến đi vẫn thực hiện đúng kế hoạch. Dịp ấy gối đầu vụ mưa 23/10 âm lịch. Mưa dầm suốt ngày không ngớt hạt, bầu trời đen đặc xám xịt màu tro. Các đoạn đường thấp như dốc Lỗ Chài đều biến thành con suối, nước chảy ầm ầm như thác. Trên đường đi không gặp một bóng người, chỉ có hạt mưa quật tới tấp sầm sập và tiếng gió rít nghe lạnh lùng khiến lòng thêm cô quạnh. Càng đi sâu vào Hòa Quang trời càng tạnh dần. Trên cánh đồng CK2 mặt trời hiện ra yếu ớt vàng nhạt. Chỉ một đoạn đi bộ nữa là đến cây Dúi Thẻ. Bất một không khí khủng bố bao trùm lên thôn xóm. Một thoáng hoang mang nhưng rồi trấn tĩnh được. Tôi đi nhanh vào điểm hẹn liên lạc. Nhưng ôi thôi! Tất cả đều cửa đóng then gài, vắng lặng không một bóng người. Đây đó bọn lính áo đen từng tốp 3-4 tên, súng đạn đầy người cùng với mùi xà phòng “Cô Ba” thoang thoảng. Bọn chúng đi đứng ngông nghênh, vẻ mặt thằng nào cũng ngạo mạn. Chúng bủa vây kín các đường chính ra vào làng. Tiếng loa sắt vang inh tai nhức óc. “A lô! A lô! Đồng bào chú ý nghe đây. Từ giờ phút này nếu nhà nào còn chứa chấp - che giấu Việt Minh - Cộng sản nằm vùng sẽ bị trừng trị thích đáng theo quân pháp”. Tiếng loa cứ vang lên chát chúa lạnh lùng, như lưỡi gươm thần chết treo lơ lửng trên đầu dân làng. Tôi bước chân trên nẻo đường quen thuộc ngày nào mà ngỡ như đang đi vào địa ngục.
Trong lúc nguy khốn không hiểu sao tôi sực nhớ lời anh Ba V, trưởng ty: “Muốn khỏi bị hổ vồ, phải tìm cách leo lên lưng hổ”. Suýt nữa thì tôi reo to lên: - Cứu cánh đây rồi! Nhưng kịp kìm lại, tôi liền bước nhanh hòa mình vào đám đông dân làng đang nhốn nháo trên đường. Tôi nhằm vào các bà, các chị: - Xin cho hỏi có ai biết nhà ông Hội đồng xã gần đây nhờ chỉ giúp. Liền có một bác nông dân tỏ vẻ dò xét, không tách khỏi đám đông mà chỉ tay cho tôi thấy mấy nóc nhà ở phía tây làng ngoài cánh đồng. Cùng lúc đó một bà khác vẻ sắc sảo, chu đáo hơn dẫn tôi vào một ngôi nhà có chiếc đài bán dẫn đặt trước hiên. Thấy tôi gánh hàng lỉnh kỉnh, mồ hôi vã ướt đầm cả hai vai áo. Một bà mẹ trạc ngoài 50 tuổi chạy ra sân đón tôi, mắt nhìn chằm chằm từ đầu đến chân, rồi thoáng vẻ lo lắng điều gì. Bà hỏi: - Cháu tìm nhà ai? Tôi bình thản nói: Đây có phải là nhà ông Hội đồng, cháu muốn xin ngủ nhờ qua đêm. Cháu từ Đồng Xuân vào bán thuốc lá, mua bò cái đẻ. Nhưng đến đây gặp nhiều rắc rối nên chưa có thể vào ngay trong làng… Bà liền nói: - Hiệu buôn ở đây không có, còn nhà này đúng là nhà ủy viên hội đồng xã. Nó là con tôi, nhưng chỉ làm thông tin, ở đây không tiện. Tôi đưa anh sang nhà bà… bên cạnh trọ qua đêm. Theo tay chỉ, tôi đi thêm vài đám ruộng về phía tây thì đến nơi. Ngôi nhà rộng nhưng thấp, vách cài cây rượng (loại cây cứng thân nhỏ) chứ không trát đất, ngăn nắp sạch sẽ, bao trùm một không khí ấm áp. Chủ nhà là một bà mẹ đã đứng tuổi. Dáng nhỏ nhắn, cương nghị, có cái nhìn dễ mến. Bà chủ động nói: - Tôi biết rồi, bà mẹ ông Hội đồng vừa bảo tôi… Thôi anh đi rửa chân tay, rồi đưa gánh hàng vào nhà.
Nhân dân Phú Yên tham gia dân công tiếp vận trong kháng chiến chống Pháp - Ảnh: T.L |
Tôi chưa kịp rửa chân đã thấy ớn lạnh sau sống lưng. Đầu nặng trĩu, người uể oải, hai bàn chân như đứng trong tuyết. Biết chắc là mình sắp lên cơn sốt. Tôi thầm nghĩ: Cơn sốt ập đến lúc này có khi còn tốt hơn bội phần. Biết đâu đó là cứu cánh thoát khỏi con mắt cú vọ của bọn lính áo đen đang truy xét khắp làng. Bà chủ nhà như nhận ra tôi không được khỏe, bà nói: - Cháu đi mưa cả ngày nên bị cảm sốt đó thôi. Tôi tiếp lời bà: Dạ! hình như vậy.
Nói rồi tôi chưa kịp vào giường, thì người con gái của bà chủ đi làm đồng về bất chợt sững sờ đứng khựng lại. Cô liền hỏi khẽ bà mẹ: - Người này là ai hở mẹ! Sao lại… Bà mẹ hiểu ý liền cắt ngang lời cô con gái. - À! Chú ấy đi bán thuốc lá, mua bò cái đẻ. Bà mẹ ông Hội đồng gửi sang nhà mình. Mẹ ạ! Nhưng con thấy nghi nghi thế nào… con lo lắm. Ngoài đường bọn lính áo đen của quận, tỉnh đang sục sạo lùng bắt Việt Minh - Cộng sản nằm vùng, mẹ không thấy sao, mà còn… Bà mẹ trừng mắt với cái nguýt cảm thông. Bà Nói: - Qua 9 năm kháng chiến, Việt Minh cả làng cần gì phải tìm. Một thằng thư sinh, đi bán thuốc lá dạo - Việt Minh cái giống gì mà lo. Thôi con vào hỏi anh ấy ăn được gì để nấu… Đừng lo “bò trắng răng” ranh con à! Nghe đến đây thì cơn sốt cũng đã ập đến thật sự quật tôi đo ván không thể nào gượng dậy. Nằm thiếp đi hồi lâu, chợt nghe như có tiếng gọi văng vẳng: “Cháu này - cháu thấy có đỡ sốt chưa? Cố dậy ăn lưng bát cháo hành là hết sốt thôi”. Hình như tôi vẫn nằm im lìm, bà mẹ phải lay gọi nhiều lần, nhưng rồi tôi cũng tỉnh.
Lúc này người nặng như đeo đá không thể nào gượng dậy. Toàn thân nóng hầm hập như hòn than nung vừa ra khỏi lò. Rồi chợt có tiếng ồn ào xa xa, tiếng chân người rầm rập từ đầu ngõ bỗng ập đến hiên nhà. Tiếng ồn vỡ to náo động tràn vào như muốn bật tung tất cả. Tiếng người nói đủ giọng, đủ miền, xen lẫn tiếng đế giày lính nện xuống nền đất nghe inh tai nhức óc. Thêm vào đó là ánh đèn pin đủ loại xoi mói khắp ngõ ngách của ngôi nhà bé này. Tôi vẫn không cất mình lên được nhưng đã thấy và nghe mường tượng. Một tên lính đen to, thấp đậm, giọng đằng đằng sát khí. Đứng giữa nhà, nó quát to: - Bà già đâu? Nhà bà mấy người? Nghe bà mẹ trả lời rành rọt đâu 4-5 người gì đó. Tên lính áo đen xô đến chỉ tay vào tôi: - Thằng này là thằng nào lại nằm đây? Tôi để ý quan sát: Bà mẹ nhẹ nhàng và pha chút tâng bốc tên lính áo đen. Bà nói: - Dạ! thưa thầy đội, cái chú đây là người bán rong thuốc lá, mua bò giống. Xin trọ nhà bà mẹ ông Hội đồng xã, nhưng nhà bên ấy chật chội nên gửi sang bên tôi. Thật tội nghiệp, chú ấy sốt mê man chẳng biết trời đất gì. Thật là tội nợ cho chúng tôi quá. Mong thầy đội thông cảm.
Tên lính áo đen (hình như là thằng chỉ huy) tiến lại chỗ tôi nằm, nó sờ đầu thấy vẫn còn nóng ran. Tôi cố ý thở mạnh phả hơi nóng vào mặt nó làm nó khó chịu nên lùi lại kéo quãng cách xa hơn. May sao lúc đó tôi đã chuyển tư thế nằm nghiêng quay mặt vào vách. Tên lính không rọi đèn, chỉ nhìn bà mẹ nói lẩm bẩm: Thằng này nó sốt thật đó. Nhưng để xem đã… và hắn hất hàm vẻ trịch thượng: - Hàng hóa nó mang theo để đâu? Bà mẹ liền chỉ tay sang gánh thuốc lá tôi xếp ở góc nhà từ chiều. Tên lính áo đen rọi pin sờ nắn mấy ghim thuốc lá như để kiểm tra. Bất chợt nó vặn hỏi: - Ở đây không có thuốc lá sao lại mua thứ này? Bà mẹ khéo léo đáp lời: Loại thuốc lá miệt núi cao tàn trắng, thơm không khét nên nhiều người ưa dùng. Lẽ đương nhiên họ phải bán cái họ có để mua bò… Tên lính gật gù, nhưng vẻ ngạo mạn: - Bà nói có lý lắm. Rồi nó hấp háy đôi mắt ti hí, gian xảo sang bà mẹ với giọng cà khịa - khiêu khích ngỡ như pha trò nhưng cay độc. Nó tằng hắng và nói: - Mà bà này, tôi nghe trong giọng bà như đã từng là cán bộ Việt Minh trong thời 9 năm phải không ha…ha…ha…
Nói đến đó nó như đứng tròng đôi mắt ti hí lại; miệng nó chụm nhỏ, hàm răng cắn chặt như đang muốn cắn đứt một vật gì quá cứng. Nó phẩy mạnh tay, quay ngoắt người hướng ra sân và nói: - Thôi được, sáng mai bà đưa thằng này lên đội hành chánh lưu động khai báo… Bà nhớ đó, đừng để tôi phải… Bỗng nó nhìn bao quát và ra lệnh cho bọn lính áo đen dưới quyền: Đi thôi bọn bay, rút!
Cơn sốt trong tôi đã lùi dần, mồ hôi vã ra như tắm. Cơn lạnh ập đến như chôn vùi người tôi trong băng giá. Toàn thân rã rời, miệng đắng như ngậm bồ hòn. Đầu nặng trình trịch như đeo đá, không cách nào gượng dậy được. Trên mép giường, tô cháo bốc hơi nghi ngút nghe thơm mùi hành. Nhưng liền đó một cảm giác ơn ớn từ cái miệng đắng ngắt phát ra làm cho tôi thêm mỏi mệt. Cô con gái chủ nhà nhỏ nhẹ an ủi: Anh cố ăn hết lưng tô cháo hành để mai còn có sức mà đi đường. Rồi cô gái cười mỉm như trêu chọc: - Anh không cố ăn mà bệnh nằm đây, bọn lính áo đen nó bắt bỏ bao cho biết mặt! Cố ăn nghe anh…!
Tôi nhìn cô em gái suýt bật cười, mà lòng thầm cảm ơn… Nhưng trong đầu lại đang tìm cách vượt qua cuộc vây ráp này. Bỗng bà mẹ tiến lại ngồi cạnh giường, bà nói: - Ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn cả. “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Bác và các anh đã bàn đến đầu canh ba, ở đây có tốp thợ rừng đi Sơn Long. Cháu sẽ cải trang cùng thằng Ba nhà này nhập bọn; cách đó sẽ trót lọt an toàn. Bà nói tiếp: Bác không rõ cháu là ai, nhưng bác tin chắc cháu là số người mà bọn lính áo đen đang truy lùng. Trong lúc này cháu phải tính bước lùi để còn… Tôi đỡ lời bà mẹ: Thưa! Mẹ nói vậy con cũng xin nói thật. Con chẳng là gì đâu mẹ ạ! Chỉ là dân đi làm ăn. Nói vậy nhưng giờ phút này tôi đang nhen nhóm trong đầu ý tưởng một đường dây liên lạc mới - mà bà mẹ và ngôi nhà này là một điểm tựa. Tôi nói với bà mẹ: - Con nhờ mẹ bán giúp mấy ghim thuốc, mẹ tính giúp con ở đây có dễ tiêu thụ loại thuốc lá này không? Nếu được con mang thêm, chậm lắm tháng sau con lại vào.
Không hiểu sao lúc này tôi không hề nghĩ đây lại là lần cuối cùng tôi từ biệt bà mẹ Hòa Quang. Nói rồi tôi lại thiếp đi vì người còn mệt, thỉnh thoảng lại trăn trở kéo chiếu đắp chân thì hở đầu và cảm thấy lành lạnh trước những cơn gió tháng 10 lùa qua khe vách. Đang chập chờn trong giấc ngủ thì bà mẹ chủ nhà lay khẽ gọi dậy. Loáng thoáng nhà bên có tiếng gà gáy lúc thưa lúc nhặt. Bà mẹ vội nói: Gà gáy sang canh ba rồi đó cháu. Tôi miễn cưỡng vặn mình vươn vai vùng dậy, chẳng kịp rửa mặt súc miệng. Bà mẹ đã khoác lên mình tôi chiếc áo bà ba khen khét nắng dày cộm vì những mảnh vá chằng chịt. Áo có chiếc dây gai cột thắt lưng: với chiếc nón cời đội lên đầu, tay cầm chiếc đòn xóc. Trong ánh đèn lờ mờ tự ngắm bóng mình trên vách tôi thấy dáng dấp giống hệt một gã tiều phu. Tôi thầm nhủ: Bà mẹ chu đáo thật. Đúng là chiến tranh nhân dân. Trong cuộc chiến này thằng địch còn được nếm nhiều đòn bất ngờ.
Tôi còn đang suy nghĩ miên man chưa kịp nói lời từ biệt thì bà mẹ đã kéo tay đẩy tôi ra sân, bà nói: Cháu mau lên kẻo thằng Ba nó chờ. Có tiếng chó nhà ông Hội đồng xã sủa ăng ẳng inh tai. Rồi ánh đèn pin bọn lính áo đen ngủ trước hiên nhà ông Hội đồng lia nhanh vu vơ… Tự dưng trong lòng niềm xúc động trào dâng, tôi vội nói: Chào mẹ con đi, con chẳng có gì tạ ơn mẹ và cả nhà. Bà mẹ vờ như không nghe gì, bà nói: - Đi đường đã có thằng Ba lo liệu, còn việc ngày mai bác đã có cách đối phó với bọn lính áo đen. Thôi cháu đi mạnh giỏi. Tôi cảm giác như mình vừa từ biệt người mẹ thân yêu ở quê nhà mà trong quãng cách thật không xa nơi tôi đang đứng. Lòng chợt thấy ấm áp mặc dù khoảnh khắc này ngọn gió từ dốc Lỗ Chài vẫn thổi nghe vi vút qua những ngọn cây hơi se lạnh.
Đi khoảng tàn điếu thuốc thì tôi cũng đến điểm phải chia tay với anh Ba và tốp thợ rừng tại một ngã ba. Thật bất ngờ, cô em gái cùng anh đưa tiễn tôi một đoạn đường dài. Hình như cô gái không muốn lộ diện nên cứ nép sau lưng người anh. Lúc này miệng tôi vẫn còn đắng ngắt, nhưng sao trong lòng thấy trào dâng một cảm giác ngọt ngào khó tả. Tôi thầm nghĩ: Tạm biệt bà mẹ Hòa Quang thân thương và gan góc, không biết rồi tôi còn có ngày trở lại mảnh đất này nữa không? Tôi thầm nghĩ và lặng lẽ chào từ biệt hai anh em… rồi bước nhanh lên phía bắc…
Bút ký của XUÂN SINH