Thứ Bảy, 19/10/2024 03:31 SA
Chợ gùi ở Sa Pa
Thứ Ba, 13/10/2015 13:00 CH

Mới đây, đoàn văn nghệ sĩ, báo chí Phú Yên đã đi thực tế sáng tác tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong suốt chiều dài chuyến đi, đoàn dành nhiều thời gian ghé chợ Sa Pa (tỉnh Lào Cai) tìm hiểu bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc người Dao, Mông.

 

Chợ Sa Pa - Ảnh: M.H.NAM

 

NÉT LẠ SA PA

 

Chợ Sa Pa hôm ấy bày bán nhiều nhất là các loại chè, mật ong, rượu, áo váy thổ cẩm, đồ trang sức bạc, hoa phong lan. Nhiều người đến chợ dắt theo ngựa, bò, ẵm nách con gà hay khệ nệ vác những bao bắp, khoai. Chợ cũng không thiếu những hàng hóa ngoại nhập như dầu gội Dove, xà phòng Lux… Nét lạ ở đây là người dân đi chợ bán hoặc mua sắm thứ gì đều đựng trong chiếc gùi.

 

Thị trấn Sa Pa là một trong những nơi có tuyết rơi ở Việt Nam, tuy nhiên hôm ấy khi đoàn đến chợ, Sa Pa đang nắng vàng rực rỡ. Trưa, tôi nhìn qua chỗ sân đất trống, không gian ngoài trời kề bên gian chợ chính là “gian hàng gùi” bày bán cơm lam trong ống nứa, cạnh bên là đọt măng rừng trắng nõn đựng trong những chiếc gùi.

 

Chủ nhân của các “gian hàng gùi” cầm những chiếc dù đủ sắc màu chụm lại che nắng trưa. Thấy khách lạ lại gần, những phụ nữ người Mông mặc trang phục thổ cẩm ngỏ lời mời nhỏ nhẹ. Tôi hỏi thăm cảnh chợ trưa, cụ Lò Thị Khin (70 tuổi), nhìn gùi măng của mình rồi trả lời: “Chợ ở đây có phiên gặp may bán đắt, có phiên ngồi đến trưa lắm mới về. Mấy người bán măng ở đây đến từ các xã lân cận như Tả Phìn, Trung Chải, San Sả Hồ, Lao Chải…”.

 

Chếch qua bên kia lều chợ chính, một cô gái tầm 20 tuổi ngồi bán gùi chè. Chè thập cẩm nấu từ bắp, khoai… cho vào túi nylon đặt gọn lỏn trong chiếc gùi. Cô gái ngước nhìn dòng người qua lại bằng ánh mắt mời mọc nhưng không ai ghé mắt vào gùi chè. Nhìn hồi lâu, anh Nguyễn Siêu Tiến, hội viên Chi hội Nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, đi cùng tôi mủi lòng lại gần hỏi mua. Em bảo chè giá 20.000 đồng một túi, anh Siêu Tiến đưa tiền và nói nhỏ: “Gửi em, nhưng anh không lấy chè vì đường về quê còn xa quá…!”.

 

Chúng tôi hỏi thăm, em tên Lục Thị Huệ, dân tộc Mông. Cô gái bán chè cho hay: Chè em nấu từ nhà lúc mờ sáng rồi gùi đến chợ mở miệng túi nylon ra bày bán. Đến chợ, em mong bán sớm hết hàng để về với con, nhưng ngồi từ sáng đến trưa không ai hỏi mua tiếng nào, may mà có các anh! Con em còn nhỏ, mới 7 tháng tuổi, gửi ở nhà với bà ngoại.

 

Cơm lam bày bán trên gùi ở chợ Sa Pa - Ảnh: M.H.NAM

 

NHỮNG CHIẾC GÙI NHẤP NHÔ

 

Trong lều chợ chính, chị Vương Thị Mai, một phụ nữ người Dao, đang lựa mua chiếc áo cho đứa con gái chừng mười tuổi. Qua mấy chiếc áo ướm thử, đứa con gái lắc đầu, cuối cùng em cũng đồng ý chiếc áo màu vàng nhạt. Sau một hồi làm quen, chị Mai kể con bé đòi mua áo tuần trước nhưng bận vào mùa đổ nước (mưa rào nước tràn qua các ruộng bậc thang thì người dân phải lo be bờ giữ nước), nên chưa rảnh đi mua áo. Phiên chợ này, gà gáy lần hai, chị lui cui nấu cơm lam đem bán, sợ không đủ tiền nên “đùm túm” thêm ít măng rừng bỏ trong chiếc gùi mang đến chợ. Gặp hên, chị bán cơm lam, măng rừng hết sớm lấy tiền mua áo cho con.

 

Trước sảnh chợ, một người phụ nữ đèo sau chiếc gùi một cái nồi to, còn khom lưng lựa mua thêm cái xoong trung. Tôi xởi lởi làm quen, chị cho biết: “Tôi ở xã Lao Chải, nhà cách chợ 7 cây số. Cái nồi nấu măng rừng lâu ngày bị sứt quai nên đem đến chợ cho thợ hàn gò lại, còn lựa mua thêm xoong trung về nấu chè bán, kiếm thêm tiền lo cho gia đình”. Mua xong, chị xỏ sợi dây buộc cái xoong trung vào cái nồi to sau chiếc gùi, bên trong chiếc gùi trống không, ra về.

 

Một thiếu nữ đi xe gắn máy phía sau lưng mang chiếc gùi đến chợ. Đưa xe vào chỗ giữ xe, trên đường vào chợ tay cô vuốt iPhone, chiếc gùi vẫn mang “chắc nụi” sau lưng. Các lối qua lại trong lều chợ chính, nhiều phụ nữ mang gùi đi mua sắm. Có người vào quán ăn, tay cầm thực đơn chọn lựa món nhưng lưng vẫn không rời gùi…

 

Rảo quanh chợ, nhiều người trong đoàn văn nghệ sĩ, báo chí Phú Yên trầm trồ: Chợ Sa Pa đúng là một “thương hiệu” nổi tiếng. Chợ ở đây không chỉ đơn thuần là nơi mua bán trao đổi hàng hóa mà còn thể hiện rõ nét văn hóa đặc sắc của người đồng bào, từ những sản vật ẩm thực độc đáo, món ăn, trang phục, tục lệ đến việc giao lưu văn hóa...

 

Xế, đoàn rời chợ Sa Pa. Vừa qua khỏi chợ, xe dừng nghỉ bên sườn núi, cạnh đó có mấy người bán trái đào. Tôi mua cân đào, rồi ngồi cạnh mạn phép hỏi nhỏ về cái duyên của người phụ nữ vùng cao “hợp gu” với chiếc gùi, chị bán đào tên Lý A Thi, người Dao cười, nụ cười thân thiện, nói: “Quen rồi, mình thấy chiếc gùi dù gùi nặng mấy cũng êm lưng, không có chiếc gùi áp lưng như có cái lạnh chạy dọc sống lưng”. Ngồi ăn đào, chị Thi nói chiếc gùi nhỏ nhưng chứa đựng được nhiều. Hồi nhỏ chị học một buổi, còn một buổi phụ giúp bố mẹ gùi nông sản cho gia đình. Khi lấy chồng, chị gùi nông sản nhà chồng, rồi ra riêng lại gùi lúa khoai cho mình và còn gùi vần công nông sản qua lại với bà con bản xóm. Cứ như thế, chiếc gùi đã “gùi” qua bao đời!

 

Từ chỗ ngồi ăn đào nhìn xuống thung sâu xa lắc dưới kia, những người đàn ông đang cần mẫn cày ruộng bằng trâu, còn phụ nữ thì khom lưng be bờ ruộng giữ nước, rồi lui cui quơ cỏ dại bỏ trong chiếc gùi. Chiếc gùi “đồng hành” cùng với người nông dân vùng cao Tây Bắc ra đồng, chiếc gùi cũng “dãi nắng dầm mưa”, góp phần làm nên mùa màng bội thu cho người dân nơi đây.

 

Trên đoạn đường xuôi qua Sa Pa quanh co, từng tốp người Mông, Dao đi chợ về, sau lưng đung đưa chiếc gùi. Ngồi trên ô tô, chúng tôi ai cũng trầm trồ khi nhìn chiếc gùi đặc trưng của Sa Pa đang “chảy dài” xuống đường đèo theo bước chân người không dứt…

 

Nằm ở vùng Tây Bắc của Việt Nam, thị trấn Sa Pa ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, cách TP Lào Cai 38km và 376km tính từ thủ đô Hà Nội. Ngoài con đường chính từ TP Lào Cai, để tới Sa Pa còn một tuyến giao thông khác. Đó là quốc lộ 4D nối từ xã Bình Lư (tỉnh Lai Châu) qua. Mới đây, trang The Richest (một website nước ngoài chuyên tổng hợp những nội dung độc đáo, kỳ lạ trên thế giới) đã xếp Lào Cai của Việt Nam là một trong mười điểm đến đẹp nhất thế giới. Trong phần giới thiệu về Lào Cai, The Richest thông tin: "Lào Cai thuộc miền núi phía Bắc Việt Nam, là nơi có những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Do địa hình không phù hợp để trồng lúa nước, người dân nơi đây đã sáng tạo ra ruộng bậc thang để trồng lúa trên sườn đồi, núi. Ruộng bậc thang không chỉ tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp mà còn cung cấp lương thực cho người dân".

 

Ghi chép MẠNH HOÀI NAM 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỹ sư trẻ làm trưởng thôn
Thứ Bảy, 10/10/2015 09:28 SA
Vẻ đẹp Long Thủy
Thứ Bảy, 19/09/2015 13:00 CH
Huỳnh Đức Thế và những giọt máu ân tình
Thứ Bảy, 12/09/2015 14:00 CH
Nhớ bà mẹ Hòa Quang
Thứ Bảy, 05/09/2015 14:00 CH
Sức sống mới trên chiến khu xưa
Thứ Sáu, 04/09/2015 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek