Đến TP Phan Thiết, một trong những địa chỉ mà ai cũng muốn tìm tới là lầu Ông Hoàng - nơi gắn liền với những giai thoại về thi nhân Hàn Mặc Tử và cũng là nơi ghi dấu ấn lịch sử một trận đánh Pháp độc đáo dưới sự chỉ huy của Nguyễn Minh Châu, người về sau trở thành thượng tướng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tháp canh loang lổ vết đạn bom mà nhiều người lầm tưởng là lầu Ông Hoàng - Ảnh: P. HOÀNG |
“LẦU ÔNG HOÀNG, NGƯỜI THIÊN HẠ ĐỒN VANG!”
Khi tôi chuẩn bị đưa một đoàn nhà văn TP Hồ Chí Minh đi thực tế sáng tác ở tỉnh Bình Thuận cuối tháng 8/2015, nhiều thành viên đã hỏi: “Có đến lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết không?”. Đủ biết địa chỉ văn hóa, lịch sử này có sức hút dường nào, và dù chỉ cách TP Hồ Chí Minh gần 200 cây số nhưng không phải ai cũng có cơ hội đến đây.
Lầu Ông Hoàng nằm trên một trong năm ngọn đồi đẹp của khu Bài Nài, hiện nay thuộc phường Phú Hài, TP Phan Thiết. Từ năm 1911, hoàng tử Ferdinand d’Orléans - Công tước De Montpensier, cháu nội vua Louis Philippe I của Pháp, sang Việt Nam du lịch và thấy nơi này phong cảnh hữu tình nên đã mua đất xây biệt thự đặt tên Nid d’Aigle (Tổ chim ưng), mà dân địa phương quen gọi là lầu Ông Hoàng. Khi hoàng tử trở về sống bên Pháp đã tặng biệt thự lại cho cô vợ người Việt để làm khách sạn, về sau chuyển nhượng cho chính quyền làm nơi nghỉ mát cho công chức Pháp, rồi tặng cho vua Bảo Đại…
Thời tiêu thổ kháng chiến chín năm chống Pháp tái xâm lược, lầu Ông Hoàng đã bị lực lượng vũ trang địa phương phá bỏ, vì đây là vị trí chiến lược quân sự quan trọng mà đối phương có thể quan sát và khống chế cả một vùng rộng lớn.
Bây giờ từ trung tâm TP Phan Thiết nhìn về hướng đông bắc khoảng 7 cây số, chúng ta sẽ thấy một tòa nhà nhô cao trên đỉnh đồi Bài Nài. Nhiều người lầm tưởng đó là lầu Ông Hoàng. Thực ra nó chỉ là một cái tháp canh trong hệ thống đồn bốt quân sự kiên cố do chế độ cũ để lại. Lầu Ông Hoàng hầu như chẳng còn mấy dấu vết. Sự lầm tưởng đó cũng dễ hiểu, một phần vì ngành văn hóa địa phương không để bảng hướng dẫn cụ thể cho du khách, một phần vì sự yêu mến Hàn Mặc Tử tài hoa bạc mệnh mà hình ảnh lầu Ông Hoàng gắn với thơ và giai thoại về một mối tình đẹp của thi nhân đã từ lâu đi vào lòng người:
“Ta là trai khí huyết ước ao mơ
Người thục nữ sanh giữa thời vô thượng
Rồi ngây dại nhờ thất tinh chỉ hướng
Ta lang thang tìm tới chốn lầu trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết…”
(Phan Thiết! Phan Thiết! - Hàn Mặc Tử)
Các nhà văn TP Hồ Chí Minh trước tượng đài chiến công trận đánh đồn Phú Hài năm 1947 - Ảnh: P. HOÀNG |
Thục nữ trong thơ ấy chính là Mộng Cầm, một người đẹp nổi tiếng của Phan Thiết nhờ nhan sắc, biết làm thơ và là người tình của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Hiện nay, ngôi nhà của Mộng Cầm trên đường Trần Hưng Đạo ở TP Phan Thiết trở thành một quán chè nổi tiếng mang tên bà, cũng là một địa chỉ văn hóa thu hút giới trẻ và nhiều du khách.
Hình ảnh lầu Ông Hoàng với mối tình Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm còn neo lại bền lâu lòng người qua tình khúc Hàn Mặc Tử quen thuộc của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, cũng một người quê Phan Thiết, trong ấy có đoạn: “Đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa/ Lầu Ông Hoàng đó, thuở nao chân Hàn Mặc Tử đã qua/ Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng/ Tiếng chim kêu đau thương, như nức nở dưới trời sương…”.
Tôi có người cô ruột lấy chồng về sống ở vùng Phú Hài phía dưới khu đồi Bài Nài, nên từ lâu lầu Ông Hoàng không còn xa lạ. Thế nhưng mỗi lần đến Phan Thiết, biết rằng ở đây vẫn không có gì mới, tôi vẫn leo dốc lên đứng ngắm cảnh cũ để nhớ người xưa...
DẤU ẤN TÀI NĂNG CỦA MỘT DANH TƯỚNG
Không chỉ với thi hào Hàn Mặc Tử mà lầu Ông Hoàng còn ghi dấu ấn tài năng của danh tướng Nguyễn Minh Châu, bí danh Năm Ngà, từng là Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam, Tư lệnh Quân khu 6 và Quân khu 7, Phó tổng thanh tra Quân đội nhân dân Việt Nam, hàm thượng tướng.
Quê ở Tây Ninh, khởi đầu binh nghiệp ở Sài Gòn khi quân Pháp tái xâm lược Nam Bộ, Nguyễn Minh Châu chuyển quân ra cực Nam Trung Bộ, trở thành Đại đội trưởng Đại đội 2 - Hoàng Hoa Thám làm chủ một vùng Bình Thuận. Trước sự lấn chiếm mạnh của đối phương, do bộ đội buổi đầu kháng chiến tri thức quân sự còn yếu nên bị bế tắc chiến thuật. Chính lúc ấy, tài năng Nguyễn Minh Châu được bộc lộ. Sinh thời, ông cho chúng tôi biết: “Tôi nghĩ đến cách đánh lấy đồn mà ít tiêu hao về lực lượng và vật chất kỹ thuật nhất. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, tôi cho đánh đồn Phú Hài trên lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết. Đây là trận đánh rất có ý nghĩa về mặt chiến thuật, làm thay đổi cả tình hình quân sự trong tỉnh lúc ấy. Đồn Phú Hài là đồn bị quân ta lấy đầu tiên trong chống Pháp ở Bình Thuận. Sau này các nhà nghiên cứu khoa học quân sự gọi cách đánh đó là chiến thuật kỳ tập”.
Nằm trên khu đồi lầu Ông Hoàng, đồn Phú Hài là một tiền đồn án ngữ hướng đông bắc Phan Thiết, do một trung đội lính bản xứ của Pháp đóng giữ. Vào đêm 16/4/1947, tên sếp đồn Pierre bày mưu nổ súng rồi tung tin bộ đội của Nguyễn Minh Châu đã chiếm đồn, kêu gọi đồng bào lên thu dọn chiến lợi phẩm. Tưởng thật, một số thanh niên đã chạy lên đồn thì bị chúng phục kích dọc đường, bắn chết 6 người và làm bị thương 9 người. Trước trò lừa dối dã man, bẩn thỉu của quân Pháp, đồng bào ta uất ức yêu cầu bộ đội của Nguyễn Minh Châu tìm cách trả thù cho những người dân chết oan.
Đồn Phú Hài đặt dưới sự chỉ huy của đồn Nhà thờ Kim Ngọc, cách đó khoảng 5 cây số. Cứ mờ sáng mỗi ngày, chỉ huy đồn Kim Ngọc cho một tiểu đội đi tuần tra theo ngã chợ Dinh lên lầu Ông Hoàng. Nắm được quy luật ấy cũng như sơ hở của địch, Ban Chỉ huy Trung đoàn 82 giao nhiệm vụ cho Đại đội Hoàng Hoa Thám do Đại đội trưởng Nguyễn Minh Châu và Chính trị viên Nguyễn Minh Dương chỉ huy, lên phương án tập kích đồn lầu Ông Hoàng. Sau khi bàn bạc thống nhất và hạ quyết tâm trong toàn đại đội, Nguyễn Minh Châu đã ra lệnh hành quân tập kết.
Vào lúc 5 giờ sáng 14/6/1947, bộ phận xung kích đại đội gồm 10 chiến sĩ cải trang làm lính Pháp lên đường, trong số đó có 4 hàng binh người châu Âu có tên Việt là Phan, Thiết (Tây Ban Nha), Lâm (Ý), Bua (Đức) mang “lon” từ quan Ba đến quan Một. Bộ phận này do ông Ngọc Móm phụ trách và ông Trương Ngọc Ánh làm thông dịch viên, từ chỗ giấu quân cách đồn 500m nương theo đường mòn lên cổng phía tây đồn lầu Ông Hoàng.
Đoàn quân cải trang đến cổng đồn, tên lính gác bồng súng chào theo quân lệnh. “Quan Ba” của ta phất tay rồi đi thẳng lên đồn, ra lệnh cho lính vào báo với đồn trưởng. Nghe báo có quan Ba đến thị sát, sếp đồn đang ngủ liền bật dậy, không kịp mang giày, vội vã chạy ra chào cấp trên. “Quan Ba” ra lệnh cho đồn trưởng tập hợp lính để kiểm tra quân số. Giữa lúc đám lính Pháp đang lăng xăng nhốn nháo thì các chiến sĩ xung kích của ta đã lặng lẽ tỏa ra chiếm giữ các công sự hiểm yếu. “Quan Ba” đĩnh đạc tiến tới đưa lá thư cho đồn trưởng. Đứng nghiêm mở thư ra đọc, mặt sếp đồn bỗng biến sắc, định phản ứng thì liền bị “quan Một” cải trang của ta bắn một loạt tiểu liên ngã gục tại chỗ. Bọn lính hoảng hốt tháo chạy tán loạn, đa số giơ tay đầu hàng…
Tháp Po Sah Inư - Ảnh: P. HOÀNG |
Từ gần chân đồi, nghe tiếng súng trên đồn nổ, Đại đội trưởng Nguyễn Minh Châu ra lệnh cho Đại đội phó Tiến Thành và Trung đội trưởng Bùi Văn Mỳ dẫn quân lên tiếp chiến, phối hợp với lực lượng xung kích truy quét tàn quân địch ngoan cố chống trả. Chỉ sau hơn 15 phút chiến đấu, Đại đội Hoàng Hoa Thám đã hoàn toàn làm chủ trận địa lầu Ông Hoàng, diệt 20 tên và bắt sống 3 tên địch, số còn lại phá rào chạy xuống núi về đồn Kim Ngọc. Quân ta không có chiến sĩ nào bị thương vong, thu được một đại liên Vicker, 3 trung liên, 5 tiểu liên, 13 súng trường và rất nhiều quân trang, quân dụng của quân Pháp…
Để ghi nhớ chiến công trận đánh đồn Phú Hài lịch sử dưới sự chỉ huy của thượng tướng Nguyễn Minh Châu, ngày nay trên khu đồi Bài Nài trước khi lên tháp canh, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã xây dựng một tượng đài kỷ niệm.
MỘT KHÔNG GIAN VĂN HÓA LIÊN HOÀN ĐẶC SẮC TƯƠNG LAI
Ở khu đồi Bài Nài thơ mộng, ngoài lầu Ông Hoàng còn có quần thể tháp Po Sah Inư cách đó 100m. Cùng với nhóm tháp Mỹ Khánh ở Thừa Thiên - Huế, Po Sah Inư là nhóm tháp Chăm thuộc loại cổ nhất, được xây dựng từ cuối thế kỷ VIII, chỉ sau thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam. Po Sah Inư hiện có hai ngọn tháp còn tương đối nguyên vẹn, với vẻ uy nghiêm huyền bí. Ngọn tháp lớn thờ thần Shiva của Ấn Độ giáo. Còn ngọn tháp nhỏ thờ công chúa Po Sah Inư, con vua Para Chanh. Sinh thời công chúa là người tài đức, thương yêu dân chúng nên được người Chăm tôn quý và sau khi mất đã được xây đền thờ trong quần thể tháp này vào thế kỷ XV.
Từ năm 1991, quần thể tháp này được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và tiến hành trùng tu, khai quật. Các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều nền móng, hiện vật của những ngôi đền bị sụp đổ, vùi lấp hàng trăm năm nay, có niên đại chủ yếu từ thế kỷ XV - thời điểm nơi đây xây thêm đền thờ công chúa Po Sah Inư. Cũng từ đó, ngoài cái tên dân dã tháp Chăm Phố Hài thì quần thể tháp này có tên gọi chính thức là Po Sah Inư. Hàng năm, vào tháng Giêng, tại tháp cổ diễn ra các lễ hội rất sinh động, thu hút đông đảo người Chăm trong tỉnh Bình Thuận và du khách bốn phương về tham dự.
Từ chân khu đồi Bài Nài, du khách phải mua vé, leo dốc thăm trước tháp Po Sah Inư trong tiếng nhạc Chăm âm vọng bên đường, rồi mới đi tiếp lên viếng tượng đài chiến công đồn Phú Hài cách đó 40m, sau cùng là leo cái dốc cao hơn lên lầu Ông Hoàng ở tận đỉnh đồi. Tuy nhiên, trong khi tháp Po Sah Inư đã được đầu tư, chăm sóc từ con đường đến di tích, thì khu tượng đài chiến công lại có vẻ lạnh vắng um tùm cỏ dại xung quanh, còn lầu Ông Hoàng mất dấu càng hoang hóa lau sậy mọc kín con dốc sỏi đá khó đi với cái tháp canh cao to loang lổ vết bom đạn. Tấm bia đứng ven dốc có nói tới vài nét về Hàn Mặc Tử và Nguyễn Minh Châu cùng đồng đội lập chiến công lịch sử, nhưng chữ trong bia mờ nhạt giữa nắng mưa cây cỏ, trông càng ngậm ngùi cho người cũ dấu xưa!
Hiếm nơi đâu có được một địa thế thuận lợi như khu đồi Bài Nài, với một phong cảnh thơ mộng và một không gian văn hóa - lịch sử liên hoàn đặc sắc mà “người thiên hạ đồn vang”. Ở đây mang vẻ đẹp tổng hòa từ thiên nhiên đến nghệ thuật kiến trúc, thi ca, âm nhạc và cả nghệ thuật quân sự độc đáo. Nếu có một quy hoạch tổng thể và đầu tư thích hợp thì khu đồi Bài Nài nhất định sẽ trở thành địa chỉ văn hóa vô cùng quyến rũ đối với du khách trong lẫn ngoài nước. Và trong không gian văn hóa ấy, tôi lại nghĩ đến những bức tượng điêu khắc nghệ thuật thể hiện được tài hoa của thi nhân Hàn Mặc Tử và tài năng của danh tướng Nguyễn Minh Châu cùng đồng đội ông, chứ không chỉ một tượng đài cô đơn lẻ bóng. Đó cũng là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và tôn vinh tinh hoa Việt.
PHAN HOÀNG