Thứ Bảy, 19/10/2024 05:21 SA
Người thầy “nặng lòng” với giáo dục
Thứ Bảy, 15/08/2015 13:00 CH

Hơn 37 năm gắn bó với nghề giáo, trong đó có 33 năm làm công tác quản lý, Nhà giáo ưu tú Trần Trọng Thậm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Vương (TP Tuy Hòa), được nhiều người biết đến và kính trọng bởi lòng say mê, tâm huyết trong sự nghiệp trồng người. Từ những trường khó khăn ở nông thôn đến những trường có chất lượng giáo dục còn thấp ở miền biển, nơi đâu, thầy cũng để lại dấu ấn sâu đậm.

 

Nhà giáo ưu tú Trần Trọng Thậm hướng dẫn học sinh giỏi Trường tiểu học Trưng Vương cách ôn tập môn Tiếng Việt hiệu quả - Ảnh: H.MY

 

BỀ DÀY KINH NGHIỆM QUẢN LÝ

 

Thầy Thậm là một trong những cán bộ quản lý có năng lực và giàu tâm huyết với nghề. Những trường từng được thầy dẫn dắt, chất lượng giáo dục học sinh toàn diện đều được nâng lên đáng kể. Thầy xứng đáng là tấm gương sáng, là một điển hình thi đua yêu nước xuất sắc của ngành Giáo dục Phú Yên.

Nhà giáo ưu tú, TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên

Năm 1978, chàng cử nhân Ngữ văn Trần Trọng Thậm về quê ở xã Hòa Bình (huyện Tây Hòa), đến công tác tại Trường bổ túc Công Nông cấp 2, 3 tỉnh Phú Khánh. Trong ngôi trường với phần đông học sinh là đảng viên, cán bộ từng thoát ly, tham gia cách mạng, nay học bổ túc để nâng cao kiến thức, thầy Thậm vừa dạy nhưng cũng vừa học được nhiều điều. Nhờ vậy, thầy rèn luyện được đức tính kỷ luật, tác phong gương mẫu và trách nhiệm trong công việc. Với năng lực vững vàng, lòng say mê nghề, thầy nhanh chóng khẳng định bản thân khi 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp tỉnh. Chỉ sau 4 năm giảng dạy, thầy được đề bạt làm Phó hiệu trưởng Trường bổ túc Công Nông cấp 2, 3 tỉnh, rồi Trường phổ thông Lao động huyện Tuy Hòa.

 

Năm 1985, thầy chuyển về làm Hiệu trưởng Trường PTCS Hòa Bình 2/3, huyện Tuy Hòa. Mặc dù làm cán bộ quản lý trường mới chỉ trong 3 năm nhưng thầy Thậm có nhiều kỷ niệm khó quên gắn với ngôi trường nằm trên gò dốc cao ấy. Những năm 1986-1987, ngành Giáo dục phát động phong trào giáo viên trồng bông vải để tăng thêm thu nhập. Hàng ngày, thầy và các giáo viên trong trường thay phiên nhau đi gánh nước để tưới bông vải. Cuối vụ, trường thầy đạt năng suất cao nhất huyện. Có lần, nghe tin đài báo bão, không quản khó khăn, nguy hiểm, thầy ở lại trường trực đêm cùng bảo vệ. Nửa đêm, nước lụt dâng ngập các phòng học. Cùng bảo vệ, thầy nhanh chóng đập cửa để “cứu” hồ sơ, tài liệu văn phòng, hàng trăm quyển sách trong thư viện và mấy tấn xi măng dùng để xây 3 phòng học khỏi bị ngập nước.

 

Năm 1989, thầy Thậm được điều động về làm Hiệu trưởng Trường PTCS Phú Lâm 3, huyện Tuy Hòa. Một năm sau, thầy về quản lý Trường tiểu học Lê Văn Tám (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa). Những năm đó, nhiều con em miền biển thất học. Thầy tiên phong cùng nhiều giáo viên đến từng nhà vận động các em ra học lớp phổ cập và bà con học lớp xóa mù chữ đạt kết quả cao. Với lòng quyết tâm, kiên trì và trách nhiệm nghề nghiệp, thầy cùng tập thể sư phạm nhà trường đã dần đưa mặt bằng dân trí của xóm Rớ (Đông Tác)… đi lên. Gần 21 năm gắn bó, thầy đã có nhiều sáng kiến hay trong việc xây dựng Trường tiểu học Lê Văn Tám phát triển toàn diện. Nhờ thầy dẫn dắt, từ một trường ở vùng biển có chất lượng giáo dục thấp nhất huyện, trường đã vươn lên thành một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua cấp huyện, rồi cấp thành phố, được nhận Huân chương Lao động hạng ba, 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 18 bằng khen các cấp (trong đó có 5 bằng khen của Bộ GD-ĐT).

 

 

DẤU ẤN TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC LÊ HỒNG PHONG

 

Trong sự nghiệp giáo dục của mình, thầy Thậm đã được nhiều cấp ngành ghi nhận vì có thành tích xuất sắc trong công tác. Trong đó, tiêu biểu là: 5 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 4 lần nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT (các năm: 1999, 2000, 2001 và 2005); bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2006); Huân chương Lao động hạng ba (năm 2013); danh hiệu Nhà giáo ưu tú (năm 2014).

Hầu hết những ai đi ngang qua Trường tiểu học Lê Hồng Phong trên đường Thăng Long đoạn khu phố 4, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa, đều tấm tắc khen thầy trò của trường đã tạo dựng một khoảng không gian xanh ngát, mát rượi. Đứng trong sân trường được phủ xanh bằng những cây xanh, bồn hoa, thảm cỏ, hồ sen… thật khó ngờ rằng, cách đây 4 năm cũng ở khuôn viên này, trường chỉ có dãy phòng học 12 phòng nằm trơ trọi dưới nắng. Nhớ lại những ngày đầu về trường, thầy Thậm tâm sự: “Cảnh quan của trường lúc đó rất đìu hiu. Sân trường vốn là xưởng nhà máy xay đá nên nền đá cấp phối dày cả mét, cây không sống nổi. Sân chơi, bãi tập nền đất, đá không bằng phẳng, nhiều nơi trũng sâu hơn nửa mét. Mùa nắng thì bụi bẩn, thiếu cây bóng mát, mùa mưa thì ngập úng, học sinh không có chỗ vui chơi. Các phòng học cấp 4 xây dựng lâu năm bị xuống cấp nặng, thiếu trang thiết bị, bài trí đơn điệu… Trước khung cảnh ấy, cái tâm của nhà giáo thúc đẩy tôi phải làm gì đó để thay đổi không gian học tập nơi đây”.

 

Nghĩ là làm, trong vòng hơn hai năm, với bề dày kinh nghiệm quản lý, sự nỗ lực và cái tâm với nghề, thầy đã đưa Trường tiểu học Lê Hồng Phong từ tốp trung bình lên tốp dẫn đầu cấp, đồng thời, cải tạo cảnh quan nhà trường trở nên xanh - sạch - đẹp. Hè năm 2011, thầy hợp đồng người đào hàng trăm hố xuyên thủng lớp đá cấp phối dày cả mét để trồng cây bóng mát trong sân trường, sau đó, thuê người đổ đất để trồng thảm cỏ sân trường và bồn hoa dọc lối đi vào trường. Ngoài ra, thầy còn cho cải tạo hồ non bộ, xây hồ trồng hoa sen, vườn hoa, trồng cây cảnh… và trồng một khoảng cây rừng tự nhiên ở góc phía đông bắc của trường. Trong các lớp học, thầy vận động giáo viên và học sinh trồng các lọ cây trường sanh, phát tài, thủy trúc… treo trên tường, tạo ra màu xanh hài hòa. Đặc biệt, thầy còn cho vẽ sẵn các ô ăn quan, ô nhảy cà chuông, bàn cờ vua, cờ chém, cờ bí… trong sân trường để học sinh vui chơi các trò chơi dân gian, hạn chế trò chơi mạnh nguy hiểm. Thầy phân công khu vực sân trường cho các lớp lao động vệ sinh hàng ngày và chăm sóc cây trồng, thảm cỏ. Từ đó, đã hình thành cho các em thói quen vệ sinh sân trường, lớp học sạch sẽ; có ý thức bảo quản cơ sở vật chất của trường.

 

Chỉ sau hơn hai năm, nhờ vào nguồn kinh phí tự chủ và huy động từ các nguồn lực với gần 2 tỉ đồng, thầy Thậm đã cải tạo Trường tiểu học Lê Hồng Phong trở thành một ngôi trường xanh - sạch - đẹp nhất thành phố. Hai năm liền, trường vươn lên đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, được nhận Cờ thi đua của Chính phủ và bằng khen của UBND tỉnh vào năm học 2012-2013. Nhiều lần, trường vinh dự được đón các đơn vị giáo dục trong và ngoài tỉnh về tham quan, học tập kinh nghiệm. Thầy Thậm bộc bạch: “Mặc dù chỉ gắn bó với Trường tiểu học Lê Hồng Phong trong 3 năm nhưng tôi luôn xem ngôi trường ven biển này như mái nhà thân yêu của mình. Tuy không còn làm cán bộ quản lý, nhưng mỗi lần về thăm trường, đồng nghiệp và học sinh luôn nồng nhiệt tiếp đón, như người thân lâu ngày trở về, làm tôi thấy ấm áp và tự hào hơn vì những gì đã làm được ở nơi đây”.

 

58 TUỔI, VẪN “CHÁY” VỚI NGHỀ

 

Những ai từng tiếp xúc với thầy Thậm đều quý thầy ở đức tính giản dị, khiêm nhường và luôn cháy hết mình với công việc. Thầy không thích nói nhiều về những thành tích đạt được của bản thân mà luôn đề cao sự cố gắng của tập thể. Hơn 37 năm gắn bó với nghề giáo, truyền lửa cho nhiều thế hệ học trò, niềm tự hào của thầy không phải ở những tấm bằng khen, danh hiệu đạt được từ sự ghi nhận của các cấp ngành mà là sự thành đạt của học trò. Hiện nay, dẫu đã ở tuổi 58 nhưng thầy Thậm vẫn khát khao cống hiến cho nghề. Thầy luôn tâm niệm: “Còn sống ngày nào là sẽ còn trăn trở với nghề giáo ngày đó”.

 

Hàng ngày, sau những giờ miệt mài với công việc quản lý ở trường, thầy Thậm lại chạy xe về căn nhà ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), trải lòng cùng các sáng kiến kinh nghiệm. Thầy đã dày công nghiên cứu, viết nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được các cấp ngành đánh giá cao và được các trường áp dụng đạt hiệu quả. Tiêu biểu như đề tài “Phương pháp tổ chức và triển khai giáo dục môi trường” được Bộ GD-ĐT chọn báo cáo tại TP Đà Nẵng vào năm 2006; đề tài “Biện pháp thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở Trường tiểu học Số 3 Phú Lâm” đã thực hiện thành công ở hai trường tiểu học Lê Văn Tám và Lê Hồng Phong (TP Tuy Hòa)… Từng là thầy giáo dạy Ngữ văn, lại là một người tâm huyết với nghề giáo, nên thầy ấp ủ ý định sẽ viết một cuốn sách giới thiệu về các nhà giáo ưu tú của ngành Giáo dục Phú Yên.

 

Là một nhà giáo có thâm niên, từng trải trong nghề nên hơn ai hết, thầy Thậm rất thấu hiểu, đồng cảm với các giáo viên trẻ ở trường. Thầy đã nâng đỡ, tạo điều kiện cho nhiều đồng nghiệp phát huy năng lực. Cô Phạm Thị Thu Băng, giáo viên của Trường tiểu học Trưng Vương (TP Tuy Hòa), chia sẻ: “Không chỉ là một lãnh đạo mẫn cán, thầy còn là người cha, người chú, luôn biết cách lắng nghe, chia sẻ và hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên, học sinh của trường hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ở thầy, tôi học được bài học lớn về sự nỗ lực, cống hiến hết mình cho nghề giáo”.

 

KHÁNH HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Mặn chát đồng muối Sông Cầu
Thứ Bảy, 01/08/2015 13:00 CH
Rau muống Hòa Đa
Chủ Nhật, 26/07/2015 08:00 SA
Mẹ khuyết tật nuôi con khuyết tật
Thứ Bảy, 25/07/2015 14:00 CH
Đi chợ Phú Yên ở Hải Dương
Thứ Bảy, 04/07/2015 07:57 SA
Có một người lính trở về từ Gạc Ma
Thứ Hai, 04/05/2015 10:08 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek