Lặn lội vào rừng sâu, đi hết ngọn núi này đến ngọn núi khác, có khi mất hai, ba ngày mới tìm được một tổ ong thế lơ lửng trên cây cao. Lấy được mật mà không bị bầy ong dữ tấn công là một “kỹ năng” mà những người “săn” mật đã thuần thục…
Thu hoạch sau một chuyến đi rừng - Ảnh: T.TRỰC |
LUỒN RỪNG TÌM MẬT
Xã vùng sâu Sông Hinh (huyện Sông Hinh), nơi giáp ranh huyện M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk), có khá nhiều người “săn” mật ong rừng lúc nông nhàn; ông K’So Y Nhét (SN 1960, ở thôn 2A) là một trong số đó. Người đàn ông Ba Na này cho biết: “Mình phải vô tít trong rừng sâu, qua hết ngọn núi này tới ngọn núi khác, có khi mất ba, bốn ngày…”.
Vất vả như vậy là bởi vùng này chỉ có mật ong thế - loài ong thường làm tổ trên cây cao, trong rừng sâu. Ong thế không chỉ “đô con” hơn ong ruồi mà còn nổi tiếng là hung dữ. Vì vậy, những người luồn rừng tìm mật ong thế không chỉ “đổ mồ hôi” mà nhiều khi còn “sôi nước mắt” khi bị bầy ong giận dữ tấn công. Nhưng K’so Y Nhét thì ngán gì ong thế! Ông đã có 39 năm luồn rừng tìm mật. “Tụi tui thường đi thành nhóm, mỗi nhóm có ba, bốn người. Nhóm nào cũng phải đem theo rựa, câu liêm để cắt dây quấn lại làm đuốc, xông khói đuổi ong, đem màn để trùm kín đầu và mặt khi lấy mật, đề phòng ong chích và đem bao nilon to để đựng mật” - Y Nhét mở đầu câu chuyện “săn” mật của dân địa phương. Vì phải ngủ lại trong rừng nên hành trang của dân “săn” mật có gạo, mắm muối để nấu cơm ăn, có cái võng tối tối mắc trên chạc cây mà ngủ, có cả tấm bạt để che khi mưa giông ập tới.
Nhóm người “săn” mật đi hết cánh rừng này tới cánh rừng khác, hết núi thấp tới núi cao, đến những nơi có khe, có suối. Theo kinh nghiệm của dân chuyên lấy mật, ong thế thường làm tổ ở đầu suối, đầu khe; chúng không “đóng” ở nơi bằng phẳng, trống trải vì gió sẽ làm hư tổ. Ngày ngày, bầy ong bay xuống suối, khe hút nước rồi bay về tổ. Những người “săn” mật lần theo hướng bay của ong mà tìm ra tổ.
Y Lời nói về cách thức trèo lên cây cao lấy mật - Ảnh: N.LAN |
NGỌT MẬT, MẶN MỒ HÔI
Theo lời ông K’so Y Nhét, khi tìm được tổ ong thế trên cây, người dân tộc thiểu số bèn chặt mây, tre rừng bó vào gốc cây, bó từ thấp đến cao rồi theo đó mà leo lên chứ không đóng móc rồi mang đai mà trèo như người dưới xuôi. Gặp cây cao bốn, năm chục mét, người ta cũng bó và leo lên bằng cách đó. Bởi vậy, có khi mất đến hai ngày mới lấy được một tổ ong thế. Và đó cũng là lý do những người “săn” mật ong thế hay đi thành nhóm, phân công mỗi người mỗi việc chứ hiếm khi đi hai người.
Chưa có “thâm niên” như Y Nhét song Y Lời (56 tuổi, ở thôn 2B, xã Sông Hinh) cũng đã tích lũy khá nhiều kinh nghiệm khi lấy mật. Người đàn ông Bana này đi “săn” mật cùng hai con rể. Ông kể: “Mấy cha con lấy cây lá trong rừng làm trái khói, đốt đuổi ong bay đi chớ không đốt chết ong, để mùa sau còn có mật mà lấy. Có khi mình chỉ cắt lấy bánh mật thôi, không làm hư hết tổ ong”.
Ông K’so Y Nhét khẳng định, đồng bào Ba Na, Ê Đê ở Sông Hinh lấy mật ong rừng vẫn theo cách này. Để bảo vệ đầu và mặt, họ lấy màn quấn kín. Khi đưa đuốc lên cao, cũng phải nương theo chiều gió, tránh để lửa táp vào mặt. Và chờ cho bầy ong táo tác bay đi, người ta mới yên tâm động đến tổ của chúng.
Theo lời dân “săn” mật, mùa mật bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 8 âm lịch. Ngon nhất là mật được lấy trong tháng 5, tháng 6; thời điểm đó mật “chín”, keo và sánh đỏ. Lấy lúc đầu mùa thì mật còn non.
“Rừng ở Sông Hinh chỉ có ong thế; bên Sơn Hòa, Tuy An… mới có ong ruồi. Tổ ong ruồi nhỏ, nhiều lắm cũng chỉ lấy được một lít mật, còn không thì vài xị. Nhưng mật ong ruồi rất có giá, hơn triệu đồng một lít” - ông K’so Y Nhét cho biết.
Tổ ong thế rất to, và mật ong thế tuy không ngọt đậm đà như mật ong ruồi nhưng được cái rất nhiều. Năm ngoái, nhóm của ông K’so Y Nhét tìm thấy một tổ ong thế to trên cây đa, lấy được hơn 10 lít mật. Cũng trong năm ngoái, ba cha con Y Lời gặp một tổ ong bự, lấy được 15 lít mật. Con số này dễ khiến những người “ghiền” mật ở dưới xuôi nghe mà… ngây ngất. Tuy nhiên, nếu đem so sánh thì nó vẫn chưa… nhằm nhò gì so với cái tổ “khủng” trên cây trâm đỏ trong khu rừng ở Lạc Đạo (xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa) mà nhóm của Y Nhét đã tìm thấy cách đây khá lâu. “Bốn người tụi tui luồn rừng ngót 3 ngày thì gặp tổ ong thế to thiệt to trên cây trâm đỏ ở bên suối Hàn. Tụi tui lấy được 22 lít mật”.
Tất nhiên, năm thì mười họa dân “săn” mật mới gặp được một tổ ong “khủng”. Thường thì họ tìm thấy những tổ ong có từ 5 đến 7 lít mật.
“Năm nay ít mật hơn năm trước. Năm ngoái ươi ra hoa nhiều nên mật ong cũng nhiều. Rồi người ta hái ươi; người thì chặt cả cây, người thì mé nhánh, bởi vậy năm nay ươi ít hoa, thành ra cũng ít mật. Cha con tui vừa đi rừng về, kiếm được 5 lít mật ở trảng sim” - Y Lời cho hay.
“Săn” mật ong thế, Y Lời từng bị loài ong hung dữ này tấn công. Ông kể: “Đau lắm, chỗ bị ong chích sưng lên. Tui lấy mật ong xức vô. Mình lấy mật của nó để “trị” nó. Hai ba ngày sau thì hết sưng”. Có lẽ từ kinh nghiệm dân gian mà Y Lời “xoa dịu” vết ong đốt bằng cách này.
“Khi con ong thế đã đốt một người thì lập tức cả bầy ong sẽ bu lại, tấn công người đó. Mình phải nhanh tay bẻ một nhánh cây bỏ lại chỗ đó rồi chạy đi nấp ở chỗ khác, nếu ở gần suối thì nhảy xuống suối” - Y Nhét chia sẻ.
Một tổ ong thế vắt vẻo trên cây - Ảnh: T.TRỰC |
ĐÂU LÀ MẬT THẬT?
Theo lời ông K’so Y Nhét, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đuổi ong để lấy mật theo cách “truyền thống”: xông khói. Trong khi đó, một số người ở dưới xuôi lên thì dùng… bình xịt côn trùng xịt vào tổ ong để đuổi ong! “Người ta mua mật thiệt để cho người sinh đẻ uống, để làm thuốc, nếu mua trúng mật có thuốc xịt muỗi thì ảnh hưởng tới sức khỏe” - Y Nhét bất bình.
Vấn đề là, người mua mật luôn băn khoăn với chuyện mật thật, mật pha nước đường mà không hề biết rằng có những chai mật, tuy thật 100% nhưng lại được lấy với sự “hỗ trợ” của thuốc xịt côn trùng. Và chẳng ai có thể phân biệt được loại mật nói trên, kể cả các “chuyên gia” “săn” mật.
Một lít mật ong thế lấy từ rừng về được những người buôn mật ở địa phương mua với giá từ 200.000 đến 300.000 đồng, và họ bán lại với giá gần gấp đôi. Một số người “săn” mật có “mối” quen, hễ kiếm được mật là bán trực tiếp cho người có nhu cầu, không qua trung gian. “Vừa rồi tôi lấy được 3 lít, bán cho những người quen đã đặt hàng, kiếm 1,2 triệu đồng” - Y Nhét cho hay.
Chị Phan Thị Cúc ở Sông Hinh chuyên mua gom mật ong rừng và có kha khá kinh nghiệm trong việc phân biệt mật thật, mật pha nước đường. Chị cho hay: “Mật thật để trong chai, lắc một chút thì sẽ có gas. Đặt vào ngăn đá tủ lạnh, sau một đêm, mật thật vẫn keo, còn mật có pha nước đường thì đông lại. Mật giả để lâu sẽ ngả sang màu đen, còn mật thật để lâu sẽ chuyển từ màu vàng sang đỏ”. Còn “chuyên gia” “săn” mật ong rừng K’so Y Nhét khẳng định: “Đồng bào ở đây rất thật thà, nên không có chuyện pha nước đường vào mật ong”.
NGỌC LAN