Thứ Bảy, 19/10/2024 05:26 SA
Sức sống mới trên chiến khu xưa
Thứ Sáu, 04/09/2015 13:00 CH

Tuyến đường từ ngã ba Trà Kê đi Khẩu Kà Boong thi công xong nền đường - Ảnh: L.TRÂM

Vùng đất Phước Tân (huyện Sơn Hòa) là nơi giáp ranh hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai. Đây là căn cứ cách mạng của tỉnh trong những năm tháng chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, vốn đường sá đi lại cách trở. Giờ thì, nói như trải lòng của ông Ma Trạch, một cựu chiến binh ở thôn Tân Hải (xã Phước Tân), đất nước mình đâu đâu cũng phát triển, ngay cả xã vùng cao Phước Tân này đường sá mở rộng, hàng hóa giao thương buôn bán đủ loại, làm nông nghiệp thì máy tuốt lúa về tận buôn…

 

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở GT-VT Phú Yên, cho biết: Tuyến từ ngã ba Trà Kê, xã Sơn Hội đi buôn Gia Trụ, xã Phước Tân (hiện thi công đến cầu Khẩu Kà Boong, trung tâm xã Phước Tân) dài 14km, giá trị trúng thầu 308 tỉ đồng. Đây là tuyến đường thi công giai đoạn 2 thuộc dự án đường Xuân Phước - Phú Hải dài hơn 63,6km, đi qua 5 xã miền núi thuộc 2 huyện Đồng Xuân và Sơn Hòa. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 794,8 tỉ đồng; trong đó, vốn ODA của Ả rập - Xê út tài trợ 314,8 tỉ đồng, còn lại là vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương và địa phương.

“KÉO” PHƯỚC TÂN VỀ GẦN “PHỐ NÚI” CỦNG SƠN

 

Con đường từ ngã ba Trà Kê, xã Sơn Hội, lên cầu Khẩu Kà Boong, xã vùng cao Phước Tân, dài gần 12 cây số, rộng 7,5m được khởi công xây dựng từ vốn ODA của Ả rập - Xê út tài trợ, đến nay đã hoàn thành nền đường. Việc thi công tuyến đường này góp phần “kéo” Phước Tân về gần với thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa).

 

Từ ngã ba Trà Kê lên đến suối Trà Pó dài gần 10 cây số, đây là đoạn đường xuyên qua rừng núi không có dân cư. Suối Trà Pó thuộc thôn Tân Hải, thôn đầu tiên của xã Phước Tân, vì vậy suối Trà Pó là cửa ngõ của xã vùng cao này. Trước đây vào mùa mưa, suối Trà Pó nước lớn nhanh bất ngờ chảy xiết, người qua lại hay bị kẹt đường, mưa ít thì khiêng xe. Nay thi công tuyến đường này, dòng suối bị ngăn lại, chảy âm dưới cống tràn thoát nước. Ông Ma Thinh, ở thôn Tân Hải, nói: “Ở đây chưa có chợ. Trước đây mùa mưa, người dân muốn đi chợ Trà Kê hoặc chợ thị trấn Củng Sơn thì phải ra thăm chừng nước suối Trà Pó. Suối này khi trời mưa, nước từ các cánh rừng đổ dồn xuống nên nước rất “hỗn” (nước lớn nhanh). Còn nay, chúng tôi muốn đi lúc nào thì đi”.

 

Từ đây tiếp tục đi về trung tâm xã là gặp suối Ché. Vào tháng 9, tháng 10, gặp những cơn mưa rừng, nước suối Ché chảy lênh láng, người dân quanh vùng gọi là “nước khách”, nghĩa là khi mưa nước lớn nhanh, tạnh mưa thì rút mau nên rất nguy hiểm. Kinh nghiệm của người dân ở xã vùng cao Phước Tân, khi đứng bên bờ nhìn dòng nước nghĩ là ngang đầu gối nhưng khi ra giữa suối, nước bất ngờ dâng cao ngập đến thắt lưng, mà nước suối vùng cao chảy xiết chỉ cần ngang thắt lưng đã cuốn trôi người, không tài ngược nổi.

 

Đi lên thôn Ma Y (trung tâm xã Phước Tân) là gặp cầu Khẩu Kà Boong, bắc qua suối Khẩu Kà Boong, suối này chảy ra sông Cà Lúi rồi tiếp tục đổ nhập vào sông Ba, vì vậy suối Khẩu Kà Boong gọi là suối đầu nguồn của hai con sông. Mùa mưa, những thác nước chảy ầm ào đổ xuống những tảng đá to bằng mái nhà, dứt mưa 3 ngày thì người dân quanh vùng mới qua lại được. Tuy nhiên, nếu muốn qua lại, người dân phải bước qua cầu đá, đó là những tảng đá to bằng cái nong, cái sàng nhô lên khỏi mặt nước, giống như cây cầu gãy từng đoạn nối đôi bờ suối. Nay, những ngày mưa nguồn trút xuống ầm ào, người dân quanh vùng thong dong đi lại trên cầu.

 

Toàn bộ tuyến đường từ ngã ba Trà Kê lên cầu Khẩu Kà Boong, trước đây đường nhỏ hẹp, luồn qua tán rừng nên mùa mưa mới 4 giờ chiều, đường tối, ít người qua lại. Nay đường thênh thang phẳng phiu, thoáng đãng, đi về xã Phước Tân rất thuận lợi bất kể ngày mưa to hay nửa đêm gà gáy. Bà La Thị Mai Hoan, Bí thư Đảng ủy xã Phước Tân, cho biết: Từ nhiều năm qua, khó khăn nhất ở đây là việc đi lại. Bây giờ đường mở rộng, người dân trong vùng đi lại thuận lợi, con em đi học các trường ở xa không sợ nguy hiểm vì lội suối vào mùa mưa.

 

Trường mẫu giáo xã Phước Tân vừa được xây dựng khang trang - Ảnh: M.DUYÊN

 

ĐỔI THAY VÙNG ĐẤT PHƯỚC TÂN

 

Vùng đất Phước Tân là nơi giáp ranh hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, toàn xã có trên 2.300 người, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số Chăm H’roi, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông tập trung ở các thôn Ma Y, Đá Bàn, Gia Trụ, Tân Hải, Ma Giai. Đây là căn cứ cách mạng của tỉnh Phú Yên trong những năm tháng chiến đấu chống Mỹ, cứu nước. Dưới chân hòn Lở ngày nay vẫn còn vết tích một trận càn của sư đoàn Mãnh Hổ (Đại Hàn). Ngày ấy để đánh phá vùng đất này, địch tập trung rất nhiều vũ khí tối tân cùng lực lượng tinh nhuệ gây ra bao cảnh tang thương, chết chóc cho người dân. Tuy vũ khí thiếu thốn đủ bề, nhưng với niềm tin tuyệt đối vào Đảng, Bác Hồ, lòng căm thù địch tột đỉnh, đồng bào Chăm H’Roi đã chiến đấu và giành được những chiến thắng, từng bước làm giảm nhuệ khí kẻ thù. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho xã Phước Tân.

 

Trong dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2/9, ông So Ỏi, một cựu chiến binh ở thôn Đá Bàn, vừa có chuyến đi Bắc viếng Lăng Bác về. Ngồi bên bếp lửa hồng trong ngôi nhà sàn, ông nói: Gần một năm qua, tôi chưa bước chân ra khỏi xã. Gần đây, tôi mới có dịp ra Bắc viếng Lăng Bác, trên đường đi xuống thị trấn Củng Sơn, tôi bất ngờ và cũng hết sức ngạc nhiên vì đường mở rộng, cầu cống được xây kiên cố. Hồi trước giải phóng, từ đây xuống thị trấn Củng Sơn gùi muối gạo phải trèo đèo, lội suối…

 

Còn ông Ma Trạch, một cựu chiến binh ở thôn Tân Hải, cũng vừa ra viếng Lăng Bác về, đang ngồi gò lại cái nồi nhôm trên nhà sàn, trải lòng: Đất nước mình đâu đâu cũng phát triển, ngay cả xã vùng cao Phước Tân này đường sá mở rộng, hàng hóa giao thương buôn bán đủ loại, làm nông nghiệp thì máy tuốt lúa về tận buôn. Hồi trước đến mùa thu hoạch, cắt lúa về đạp bằng chân, một người đạp không xuể phải vần công đạp lúa, nay làm việc gì cũng “sướng” hết vì có máy móc. Sóng điện thoại phủ lên tận chòi rẫy, có hôm trưa nắng tôi ngồi trên rẫy a lô cho con dỡ cơm lên.

 

Trời quá xế, ông Ma Đệm ở thôn Ma Y, ngồi trước hiên nhà nhâm nhi ly rượu, nhìn ra cánh đồng Khẩu Kà Boong xanh ngát màu lúa non rất đỗi thân quen với người dân tộc thiểu số Chăm H’Roi ở đây. Cánh đồng Khẩu Kà Boong là cánh đồng làm lúa nước đầu tiên của xã Phước Tân rộng 10ha. Nhắc lại thời còn làm lúa rẫy, ông Ma Đệm cười nói: “Trước đây làm lúa rẫy khó khăn lắm, có năm trỉa xong không gặp cơn mưa lấp lỗ, chim chuột ăn mất giống. Cũng có năm lúa đang trổ đòng gặp nắng hạn mất trắng, sang năm bỏ khu rừng đó phát rẫy nơi khác. Nay có đập làm lúa nước, cánh đồng Khẩu Kà Boong một năm sạ hai vụ lúa đổ bồ ăn chắc”. Từ mô hình cây lúa nước đầu tiên ở Khẩu Kà Boong mang lại hiệu quả kinh tế, huyện Sơn Hòa đầu tư kinh phí xây dựng hai đập dâng Gia Trụ và Đá Bàn, mở rộng diện tích trồng lúa nước toàn xã Phước Tân lên đến 90ha.

 

Chiều muộn, chúng tôi thong dong đi về qua cánh đồng Khẩu Kà Boong. Nhìn hai bên đường, không gian thật êm đềm, trước quán tạp hóa, quán cà phê tại trung tâm xã, thanh niên vừa ngồi uống cà phê, vừa “vuốt” điện thoại cảm ứng, lướt máy tính bảng... Chúng tôi thầm nghĩ, vùng đất này đang thay da đổi thịt, sức sống mới đang về trên chiến khu xưa.

 

MẠNH HOÀI NAM - MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Săn” mật ong thế
Thứ Bảy, 29/08/2015 13:00 CH
Người thầy “nặng lòng” với giáo dục
Thứ Bảy, 15/08/2015 13:00 CH
Mặn chát đồng muối Sông Cầu
Thứ Bảy, 01/08/2015 13:00 CH
Rau muống Hòa Đa
Chủ Nhật, 26/07/2015 08:00 SA
Mẹ khuyết tật nuôi con khuyết tật
Thứ Bảy, 25/07/2015 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek