TX Sông Cầu có 3 vùng sản xuất muối là Lệ Uyên, Trung Trinh (xã Xuân Phương) và Tuyết Diêm (xã Xuân Bình). Những người làm nghề muối ở đây quanh năm vất vả để làm ra sản phẩm nhưng mỗi khi muối được mùa thì mất giá nên lợi nhuận thu về chẳng đáng là bao.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có công văn giao Bộ NN-PTNT chỉ đạo Tổng công ty Lương thực Miền Bắc mua tạm trữ muối niên vụ 2015 của diêm dân, ưu tiên mua tạm trữ tại những địa phương có muối tồn đọng lớn. Việc mua tạm trữ muối thực hiện theo cơ chế thị trường và đảm bảo mục tiêu bình ổn giá, giúp người sản xuất tiêu thụ muối với giá có lợi.
Vùng muối của địa phương rộng 180,8ha, mỗi vụ, diêm dân sản xuất 20.140 tấn muối. Hiện nay không chỉ muối sản xuất bằng phương pháp thủ công tồn đọng mà muối sạch cũng rất khó bán. Hai năm nay do giá muối hạ, thương lái lại không mua nên năm ngoái muối tồn đọng 8.200 tấn, còn năm nay hiện còn tồn 4.400 tấn. (Ông Đỗ Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế TX Sông Cầu) |
NẮNG CHÓI CHANG TRÊN ĐỒNG MUỐI
Từ trung tâm TX Sông Cầu đi về hướng bắc qua khỏi cầu Lệ Uyên, nhìn sang phía trái, người ta dễ dàng nhận thấy những căn chòi thấp lè tè, đó là vùng muối Lệ Uyên. Đi thêm ra 3 cây số đến ngã ba đường xuống vũng La, phía bên phải là vùng muối Trung Trinh. Tiếp tục đi 10 cây số nữa là đến vùng muối Tuyết Diêm.
Giữa buổi sáng, ông Lê Văn Hoàng, một diêm dân ở Lệ Uyên, ra thăm ruộng muối trước nhà. Ruộng muối nhà ông vừa sắc nước, muối bắt đầu kết tinh đặc sệt dưới ruộng, ông lại chỗ góc ruộng lấy gàu tát nước ra mương. Ruộng muối ở đây “mười đám như chục”, ruộng nào cũng được diêm dân moi sâu một lỗ chứa nước để khi ruộng sắc nước còn ít dồn về, người dân tát nước cho muối khô nhanh. Gần trưa, nắng chói chang, ông Hoàng vào trong chòi cạnh đó nghỉ, nói: Làm muối ở vùng này nghiệt lắm, gió ràn rạt rát da, còn nắng thì như táp xuống đầu. Trước đây, một số người say nắng chịu không nổi đã ngã lăn ra ruộng. Từ đó, ai cũng ráng dựng chòi để có chỗ chui ra chui vào tránh nắng.
Ông Hoàng lý giải, sở dĩ ở đây gió ràn rạt vì vùng muối Lệ Uyên, Trung Trinh nằm cuối vịnh Xuân Đài, biển ăn sâu vào đất liền nên luồng gió từ vịnh dồn thổi mạnh. Còn nắng táp là vì đồng muối mênh mông không một bóng cây, phía sau là núi đá nên nắng nóng dội thẳng xuống đồng. Nắng ở vùng này là “nắng giữa trời nắng ra”, hừng hực như chảo lửa, nhiệt độ có ngày lên đến gần 400C.
Cùng ra ruộng muối với ông Hoàng, ông Phạm Văn Minh vào chòi tránh nắng chói chang. Ông Minh giới thiệu về “cơ ngơi” của mình: Chòi muối dựng trên mảnh đất “đầu thừa đuôi thẹo”, đào lỗ trồng 4 “nọc ngựa” (cột chôn), xung quanh dừng mấy tấm bao tải, phía trên lợp mấy tàu lá dừa che nắng. Năm nào người làm muối cũng phải dựng lại chòi vì đất nhiễm mặn, “nọc ngựa” chôn xuống giáp năm đều bị mục gãy. Chòi muối thường bị gió xé rách te tua nên người dân quanh vùng có câu “rách như chòi muối”, nhưng coi vậy chứ căn chòi chứa đựng nhiều tình cảm lắm. Hai, ba thế hệ trong gia đình làm ruộng muối liền kề nhau thường xúm lại cất chòi. Nhiều người làm muối gần đó trưa nắng cũng vào tránh nắng.
Ngồi ké một lát trong căn chòi dưới nắng trưa, bà Mai Thị Ái, làm muối ở Trung Trinh, vội ra ruộng muối cào dồn đống. Còn lại ít muối nằm sát mặt ruộng, bà dùng tấm vải có độ nhám chậm lấy những hạt muối còn sót lại dưới ruộng. Bà Ái giãi bày: Tôi quen với cơ cực rồi nên dù phải ngồi dưới cái nắng như đổ lửa cũng phải “mót” từng hạt dưới ruộng bán với giá rẻ như bèo.
Chòi muối tránh nắng của diêm dân Lệ Uyên - Ảnh: L.TRÂM |
MUỐI Ế
Hàng năm, vào vụ muối mới, diêm dân cuốc xới ruộng rồi dùng chồ dồ (một khúc gỗ dẹp tra cán vào) bắt lớp đầm mạnh tay cho dẽ đất. Để đầm bằng mặt ruộng, người làm muối phải nhấc chồ dồ đầm hàng ngàn lần, sau đó cho nước vào kết tinh thành muối.
Vùng muối Lệ Uyên, Trung Trinh lấy nước từ vịnh Xuân Đài, còn khu vực Tuyết Diêm thì lấy nước từ đầm Cù Mông. Hiện nay ở vùng này nhiều người nuôi tôm hùm, ốc hương…, nước sinh hoạt đổ ra vịnh, đầm nên nước bị giảm độ mặn. Ông Trần Văn Tiến, một người chuyên làm muối ở Tuyết Diêm, cho biết: Trước đây, 3 nắng thì khô lứa muối, nay do nước biển lạt (nhạt) nên 5 nắng mới khô. Ngược lại một đám muối (rộng gần 1 sào), trước đây thu hoạch 5 gánh, nay còn lại 3 gánh (tương đương 3 bao muối). Sản lượng muối giảm, thương lái lại còn “trừ ngang cấn dọc”, bao muối cân nặng 55kg họ trừ bì muối ướt còn 52kg, bán giá 20.000 đồng/bao. Nói chuyện cân trừ muối, ông Tiến than vãn: “Một tháng làm được 20 tấn muối, bán xong mình mất gần cả tấn, công sức gánh thiếu điều cong xương sống”.
Trong suốt vụ muối, diêm dân ăn dầm nằm dề ngoài ruộng muối. Làm ra tấn muối “đổ mồ hôi sôi nước mắt”, nhưng hiện nay hàng trăm tấn muối không bán được. Hai năm nay, muối ế chất đống, nối dài đến mức chật ruộng. Xóm nhà ôm ruộng muối, có nhà sáng mở cửa bước qua bên kia đường đụng bờ ruộng, giờ thấy thêm “núi” muối ế. Bà Nguyễn Thị Mai Trinh ở vùng muối Tuyết Diêm, nghẹn ngào: Hai năm liền, diêm dân làm ăn thất bại, ai cũng kêu muối ế, ngày công lao động không quá 40.000 đồng. Rồi bà Trinh tính, trung bình một đám thu 3 gánh muối, ba đám là 9 gánh, tương đương 9 bao (55kg/bao), bán với giá 20.000 đồng/bao, bỏ túi 180.000 đồng, nhưng chia lại cho 5 ngày, mỗi ngày diêm dân được chẵn 36.000 đồng.
Chòi muối chắp vá, che dừng tạm bợ nhưng “núi” muối ế phải tủ kín. “Nhà dột ướt rồi cũng khô, chứ đống muối hàng chục tấn chỉ cần trống một lỗ trên chóp, nước mưa thấm vào là rã ra thành nước, coi như phủi tay về không. Vì vậy để che muối, tấm bạt mới phủ một lớp, bạt cũ phải phủ hai lớp”, bà Trinh nói.
Muối ế lại hạ giá, dọc theo vùng muối Lệ Uyên, Trung Trinh, Tuyết Diêm ai cũng thở dài. “Ăn” được đồng tiền muối chua xót quá, thôi cứ ráng làm rồi chờ thời, biết làm sao bây giờ.
MẠNH HOÀI NAM