Thứ Bảy, 19/10/2024 06:31 SA
Mẹ khuyết tật nuôi con khuyết tật
Thứ Bảy, 25/07/2015 14:00 CH

Câm điếc và… mù chữ, bản thân chị hàng tháng phải nhận tiền trợ cấp xã hội. Nhưng người đàn bà ấy không trông chờ vào lòng trắc ẩn của bất cứ ai mà quần quật làm thuê, làm mướn để kiếm tiền nuôi thân, nuôi cả đứa con gái vừa câm vừa có dấu hiệu thiểu năng trí tuệ. Chị là Nguyễn Thị Xuân Phương, sống ở thôn Vĩnh Lương, xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh.

 

Giây phút hạnh phúc của mẹ con chị Phương bên căn nhà nhỏ của mình - Ảnh: V.NGUYỄN

 

CẢNH ĐỜI BẤT HẠNH

 

Đã từ lâu, người dân xã kinh tế mới Sơn Giang không còn lạ lẫm với hình ảnh một người đàn bà nhỏ nhắn dắt theo bên cạnh một cô bé gầy gò, tuổi trạc 12-13 với khuôn mặt hơi “khờ” nhưng khá hiền lành, đi làm thuê. Sáng tinh mơ ra đi, chiều nhọ mặt mới quay về nhà. Ấy là mẹ con chị Nguyễn Thị Xuân Phương. Im lặng, lầm lũi mà đi, không ai nói với ai lời nào bởi hai mẹ con họ đều bị… câm. Chị Phương câm điếc bẩm sinh, còn cô con gái Nguyễn Thị Bé thì câm không điếc nhưng bị hội chứng thiểu năng trí tuệ, lớn tồng ngồng mà không thể tự chăm sóc bản thân, cơm vẫn phải chờ mẹ đút…

 

Ngày ngày lên rẫy, chị Phương lo cuốc cỏ, chặt mía, nhổ sắn thuê, còn con gái chị tìm chỗ có bóng mát nằm ngủ, đợi chiều mẹ dẫn về. Hôm nào đi làm trong núi xa, chị phải để con ở nhà. Bé suốt ngày ngồi trên chiếc võng mắc trước nhà, có khi thì đi lẩn thẩn trên đường, dòm đông dòm tây rồi lại về… nằm võng chờ mẹ. Chị Phương quần quật cả ngày làm thuê, tối về còn phải lo cơm nước, tắm rửa, chăm sóc cho đứa con khuyết tật. Con đã vậy, bản thân chị Phương bị câm điếc và còn mù chữ (chỉ viết nguệch ngoạc duy nhất được một chữ “Phương” để ký vào những giấy tờ, chứng từ trong các thủ tục nhận trợ cấp xã hội). Không tính toán được nhiều, chị cứ đi làm thuê theo yêu cầu của chủ. Xong việc, chủ trả bao nhiêu nhận bấy nhiêu, chưa bao giờ biết so đo, cân nhắc xem liệu chủ trả mình có xứng công hay không. Cứ vậy lầm lũi mà làm, cam khổ qua ngày…

 

So với cái tuổi 43 trên giấy tờ tùy thân, chị Phương trông già hơn đến gần… 10 tuổi. Quê gốc ở Nha Trang (Khánh Hòa), chị theo cha mẹ đến định cư tại vùng kinh tế mới Sơn Giang cách đây hơn 20 năm. Nghèo khó và mang tật câm điếc bẩm sinh, chị Phương đã có một tuổi thơ đầy bất hạnh khi phải cùng cha mẹ lao động quần quật kiếm sống mà không được đến trường. Khuyết tật, mù chữ, nhưng bất hạnh vẫn chưa buông tha chị khi đến một ngày có gã đàn ông vô lương tâm đã lợi dụng sự cả tin, khuyết tật của chị để làm chị mang bầu và sau đó… biến mất! Nghe kể, chị Phương căm thù gã đàn ông ấy lắm. Bằng thứ ngôn ngữ hạn chế của một người câm điếc, chị ra hiệu sẽ “đập chết” tên đàn ông kia nếu bắt gặp! Thêm nỗi bất hạnh khi chị sinh ra đứa con gái lại khuyết tật. Người lành lặn cưu mang người khuyết tật đã vất vả, đằng này một người khuyết tật (đáng ra bản thân chị cần người khác cưu mang) lại phải cưu mang thêm một đứa con khuyết tật thì hẳn nhiên sự vất vả càng thêm gấp bội!

 

Mẹ con chị Phương trên đường đi làm thuê - Ảnh: V.NGUYỄN

 

NGHỊ LỰC

 

Với người khác, chừng ấy khó khăn, bất hạnh rất có thể khiến người ta ngã lòng, buông xuôi. Nhưng chị Phương lại là một tấm gương sáng về nghị lực, về nhân cách sống khiến cộng đồng phải nể phục. Theo thông tin từ cô Cao Thị Ngọc Bích, cán bộ LĐ-TB-XH xã Sơn Giang, trợ cấp khuyết tật hàng tháng của hai mẹ con chị Phương tổng cộng hơn 600.000 đồng (mẹ hơn 260.000 đồng, con 370.000 đồng); số tiền ấy chắc chắn không đủ cho mức sống tối thiểu của hai mẹ con. Vậy nên chị Phương phải lăn lộn làm thuê quanh năm, ngày nắng cũng như ngày mưa, trên những rẫy sắn, mía để kiếm thêm cái ăn, cái mặc. Dù gia cảnh thuộc hàng nghèo nhất, khó khăn nhất xã, nhưng chưa bao giờ chị Phương ngửa tay xin xỏ bất cứ ai cái gì, cũng như không hề ỷ lại, trông chờ vào các khoản trợ cấp xã hội, mà luôn miệt mài lao động để mưu sinh, chữa bệnh cho con. Tinh thần, nghị lực của chị rất đáng khâm phục.

 

Nói đến chị Phương, anh Võ Quốc Hưng, Bí thư Xã đoàn Sơn Giang, nhận định: Chị Phương là người rất chịu thương chịu khó. Một người câm điếc thì khả năng giao tiếp đã hạn chế, lại thêm gầy gò ốm yếu. Vậy nhưng hàng ngày, chị vẫn đi làm chứ không ngồi đợi những khoản trợ cấp hoặc sự ban ơn của bất cứ ai…. Còn cô Nguyễn Thị Bích Nhàn, giáo viên Trường THCS-THPT Võ Văn Kiệt, xã Sơn Giang, thì cho biết: Trong những bài giáo dục đạo đức ở trường, tôi luôn lấy hình ảnh chị Phương với nghị lực sống, nhân cách sống đáng nể để kể cho các em học sinh làm gương…

 

NỖI THIỆT THÒI CỦA ĐỨA CON

 

Nhìn thấy cảnh chị chăm chút, đút cho con từng thìa cơm, thìa bún..., mới biết chị yêu quý đứa con khuyết tật của mình đến nhường nào… 13 tuổi, gương mặt hơi “khờ” nhưng trông em Nguyễn Thị Bé vẫn... khá xinh. Mặt em luôn tươi tắn, vui vẻ, hầu như lúc nào cũng cười. Theo lời chị Nguyễn Thị Soạn, em ruột chị Phương ở nhà kế bên, thì Bé bị thiểu năng trí tuệ. Chị Soạn cho biết: Bé nghe được nhưng không nói được. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có mẹ trợ giúp chứ Bé không thể tự lo. Hôm chúng tôi đến nhà chị Phương, nhìn cô bé dễ thương biết vòng tay cúi đầu chào khách (dù không nói được), nhìn khuôn mặt xinh tươi, không méo mó dị dạng hoặc ngây ngô vô cảm như những người bị bệnh down, tôi thật sự bất ngờ, khó tin rằng những thông tin chị Soạn cung cấp về Bé là thực! Khoa học đã xác định những người câm không điếc phần lớn là “câm giả”; tức do không có điều kiện (tốt) để học nói nên mới bị câm. Sống với một người mẹ câm điếc bẩm sinh chắc chắn là điều kiện vô cùng bất lợi cho Bé học nói. Và khi đã bị câm, điều kiện giao tiếp với cộng đồng càng hạn chế. Từ nhỏ đến lớn chỉ quẩn quanh trong thế giới (im lặng) của hai mẹ con - thì con người không “khờ” đi, không chậm chạp, khó khăn hơn trong việc tiếp thu các kỹ năng sống mới là chuyện lạ! Tôi tự hỏi: Có khi nào Bé cũng rơi vào trường hợp này?

 

Trước mắt tôi, Nguyễn Thị Bé chịu thiệt thòi rất lớn khi em không được đến trường. 13 tuổi, đáng ra một đứa trẻ bình thường đã học lớp 7, nhưng Bé thì chưa mảy may biết một ngày đến lớp. Dù có bị câm, bị thiểu năng trí tuệ, Bé cần được đưa đến các trung tâm giáo dục dành riêng cho người khuyết tật để học chữ, học các kỹ năng sống tối thiểu để giúp em tồn tại trong tương lai. Nguy cơ từ cái vòng lẩn quẩn: “khuyết tật + mù chữ = bất hạnh” mà chị Phương phải chịu đựng lâu nay, một lần nữa sẽ lặp lại với cuộc đời của Bé!

 

Trò chuyện với chị Cao Thị Ngọc Bích, cán bộ LĐ-TB-XH xã Sơn Giang, về vấn đề này, chúng tôi được chị cho biết thêm: Chính quyền, UBND các cấp cũng đã tạo điều kiện hết sức để giúp đỡ cho mẹ con chị Phương. Tuy nhiên, địa phương cũng chỉ quan tâm, hỗ trợ được chuyện ở, ăn, còn việc lo học hành cho em Bé thì chúng tôi thật sự… “lực bất tòng tâm”. Em Bé đang phải trông chờ vào lòng nhân ái, giúp đỡ của các nhà hảo tâm…

 

Chia tay gia đình chị Phương, lòng tôi mong mỏi sẽ có phép màu nhiệm, em Nguyễn Thị Bé sẽ được cộng đồng xã hội giúp đỡ để em có cơ hội đến trường!

 

VĂN NGUYỄN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đi chợ Phú Yên ở Hải Dương
Thứ Bảy, 04/07/2015 07:57 SA
Có một người lính trở về từ Gạc Ma
Thứ Hai, 04/05/2015 10:08 SA
Người giữ hồn cho sách
Thứ Bảy, 18/04/2015 13:00 CH
Vươn lên từ quá khứ lầm lỗi
Thứ Bảy, 11/04/2015 13:00 CH
Người giữ hồn cồng chiêng
Thứ Bảy, 04/04/2015 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek