Thứ Bảy, 19/10/2024 09:19 SA
Về thăm mẹ Thứ
Thứ Bảy, 21/03/2015 14:00 CH

Tác giả trước Khu tưởng niệm Mẹ Thứ - Ảnh: C.T.V

Một ngày giữa tháng 3, miền đất “rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say...” còn ảnh hưởng tiết trời sau Tết Nguyên đán Ất Mùi, thoang thoảng dịu nhẹ với những sợi nắng vàng kèm theo chút gió se mát. Sau khi dự hội nghị tổ chức tại thành phố “đáng sống” (Đà Nẵng), trên đường xuôi về đất Phú, tôi cùng anh Huỳnh Như Ngân, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Phú Yên, quyết định dừng chân ở núi Cấm, nơi tượng đài mẹ Thứ - tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng lớn nhất nước - đã và đang hiện hữu, cuốn hút không biết bao du khách đến thưởng lãm, chiêm bái.

 

Núi Cấm cách trung tâm TP Tam Kỳ hơn 5km về phía đông, thuộc thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, bên tuyến đường An Phú chạy ven biển. Con đường vào khu tượng đài mẹ Thứ còn thưa thớt dân cư, tôi nhẩm tính nhanh chừng vài chục ngôi nhà, nhưng khách tham quan ra vào tấp nập. Núi Cấm chỉ là quả đồi đất, nhưng có nhiều truyền thuyết về địa danh này. Trước khi vào khu tượng đài, tôi cùng anh Ngân dừng lại quán nước để “nạp nguyên liệu”, nhân tiện bắt chuyện với vợ chồng chủ quán. Họ vui vẻ cho biết: “Tôi sinh ra, lớn lên ở đây, nhưng chưa nghe nói quả đồi này có lịch sử gì. Hồi xưa, cây cối còn um tùm, người dân không được lên đó nên gọi là núi Cấm!”. Còn anh Ngân hỏi chuyện một cao niên ở đây, thì cụ nói khác: “Nguyên trong bản đồ cũ của Pháp vẽ mà ông từng được thấy, núi có tên là núi Cam, do âm ngữ của người Quảng Nam nên nhiều người nghe và đọc là Cấm”. Cụ ông cho biết thêm: “Gọi là quả đồi thì đúng hơn. Hồi nhỏ, đây là nơi chăn thả trâu bò, nghe đâu có căn cứ của địch rồi sau đó quân ta giải phóng. Núi Cấm có vàng nên từng bị người dân kéo đến đào bới tan nát. Sau này, cũng bị cấm luôn nên thành núi Cấm”. Nhưng cũng có người cho rằng “Núi Cấm có tên là Quảng Phú. Trước đây có bom mìn nên khu vực này bị cấm, không cho dân làng vô nên gọi là núi Cấm”... Có điều đặc biệt khi hỏi về nguồn gốc núi Cấm, người dân không ai nói chính xác, nhưng nhắc đến tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, ai ai cũng nói nhanh: “Tượng mẹ Thứ!”.

 

Mẹ Thứ tên thật là Nguyễn Thị Thứ, SN 1904 (theo giấy căn cước chế độ cũ, mẹ SN 1902). Mẹ sinh tại Xóm Rừng, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ Thứ có chồng cùng 9 người con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại đều là liệt sĩ. Mẹ là người có nhiều con cháu hy sinh nhất qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Mẹ mất lúc 1 giờ 40 ngày 10/12/2010 tại Bệnh viện Đà Nẵng, thượng thọ 104 tuổi.

 

Vừa đặt chân đến khu tưởng niệm mẹ Thứ, anh Huỳnh Như Ngân thốt lên: “Ồ, hoành tráng quá!”. Tôi liền đáp: "Hôm nay, anh em mình được đặt chân đến khu di tích này, thật diễm phúc!”. Và khi chúng tôi trò chuyện với một công nhân với chất giọng Quảng Nam chính hiệu thì được biết: “Công trình tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng đến chừ gần như hoàn thành 99%. Anh em chúng tôi cố gắng hoàn thiện những phần việc cuối cùng để kịp khánh thành vào ngày 24/3, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh”.

 

Công trình này được khởi công từ tháng 7/2007, xây dựng trên diện tích 15ha, thuộc khu vực núi Cấm, xã Tam Phú (Tam Kỳ). Phía trước tượng là Quảng trường Tiền Môn với 30 ngọn đèn đá, tượng trưng cho 30 năm mẹ chờ đợi ngày giải phóng. Vốn dự tính là 55 tỉ đồng, nhưng trước thời điểm khởi công, dự án đã đội giá lên 120 tỉ đồng. Năm 2011, tỉnh Quảng Nam ra quyết định bổ sung 330 tỉ đồng, nâng tổng số tiền đầu tư lên 411 tỉ đồng, gấp nhiều lần số tiền được phê duyệt ban đầu, nhằm xây dựng công trình quy mô tượng đài lớn nhất Đông Nam Á. Khối tượng chính làm từ đá hoa cương có chiều cao 18,5m, hình cánh cung dài 120m, mang hình ảnh người mẹ giang tay đón các con vào lòng. Công trình được xây dựng từ 20.000 tấn đá hoa cương vận chuyển từ Bình Định.

 

Tượng đài lấy nguyên mẫu từ mẹ Nguyễn Thị Thứ. Công trình văn hóa cấp quốc gia này được chọn từ phác thảo của họa sĩ Đinh Gia Thắng và kiến trúc sư Nguyễn Luận. Quần thể kiến trúc tượng đài gồm 8 trụ huyền thoại ngay trước cổng vào, mỗi trụ cao 11,2m; đường kính hơn 1,2m làm từ đá hoa cương. Trên 8 trụ khắc họa hình ảnh bà mẹ Bắc Bộ hiền lành, phúc hậu; mẹ Trung Bộ tảo tần, nắng mưa, can trường; mẹ Tây Nguyên dù cái bụng không no nhưng vẫn dành từng hạt bắp cho bộ đội; mẹ Nam Bộ kiên trung, bất khuất…

 

Hiện công trình đang hoàn thiện, Ban quản lý chưa cho du khách vào bên trong, nhưng qua tìm hiểu, được biết tượng đài được làm rỗng, bên trong khối tượng là Nhà tưởng niệm Mẹ Việt Nam anh hùng có diện tích 400m2. Sau khi khánh thành, dự kiến sẽ có bia ghi danh gần 50.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng khắp cả nước. Sau lưng tượng là “Bảo tàng trong lòng mẹ” diện tích 397m2. Nơi này cùng với phần rỗng bên trong khối tượng dự kiến để trưng bày, bảo quản hiện vật về các mẹ. Khuôn viên tượng đài có 12 phiến đá đại diện cho các địa danh của đất nước, trên đó khắc 10 đoạn thơ, câu hát tỏ lòng biết ơn của người dân cả nước dành cho các mẹ.

 

Ngoài ra, ở phía dưới khu tưởng niệm còn có 12 khu nhà bát giác, thoáng mát, lát đá xanh quý hiếm. Nơi đây là khu nhà chờ để du khách dừng chân vào bên trong tượng mẹ Thứ. Con đường chính dẫn từ quảng trường đến chân tượng khoảng trên trăm bậc lát đá xanh bề thế, càng tôn vinh sự uy nghiêm, thành kính của hậu thế với mẹ Thứ, người mẹ đi vào lịch sử, người mẹ anh hùng đã sản sinh ra lớp lớp con cháu anh hùng. Mẹ là biểu trưng sức mạnh Việt Nam ngàn đời bất diệt. Ngoài các bậc thềm, có tay vịn lan can inox, bên cạnh là đường dành cho xe lăn.

 

Tổ quốc ghi công, cả dân tộc Việt ghi công và hàng vạn người con đất Việt sẽ hành hương về bên tượng mẹ Thứ, để thắp một nén tâm hương với lòng tri ân những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hy sinh cho dân tộc được trường tồn hôm nay. Đứng dưới chân tượng mẹ Thứ, trong tôi nhợt nhớ lại lời bài hát “Đất nước” của Phạm Minh Tuấn phổ từ thơ của Tạ Hữu Yên “...Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ, Các anh không về mình mẹ lặng im…”. Trong làn khói nhè nhẹ từ những nén hương trầm, không những tôi, anh Ngân mà các du khách khác đều ngân ngấn lệ, trào dâng bao cảm xúc về đất nước, dân tộc, về sự hy sinh vô cùng cao cả của những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Chúng tôi lặng đi trước quá khứ hào hùng của cả dân tộc, trong cái vĩ đại lớn lao ấy, có công lao của hàng triệu, hàng vạn bà mẹ Việt Nam anh hùng, mà mẹ Thứ là một điển hình cho sự hy sinh vô bờ bến ấy.

 

Bản thân tôi cũng như phần lớn thế hệ trẻ hôm nay vẫn luôn biết ơn những liệt sĩ, thương binh, những bà mẹ Việt Nam anh hùng trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Bầu trời, mặt nước yên bình, cánh đồng và những con đường mới trải rộng hôm nay có được là nhờ vào sự hy sinh của họ. Chúng tôi không bao giờ quên công ơn đó. Có lẽ cũng như những người dân Quảng Nam, hay tất cả người dân trên mọi miền Tổ quốc chúng ta chọn cho mình cách ghi ơn trong lòng, bằng những nén hương nơi tượng đài và các nghĩa trang liệt sĩ, bằng những quan tâm về mặt tinh thần và vật chất cho các gia đình chính sách… Và hơn hết, tôi nghĩ rằng mỗi người hôm nay nên nhớ ơn họ một cách thiết thực bằng những việc làm hữu ích cho cuộc sống, giúp đất nước ngày càng giàu mạnh hơn, người dân ngày càng được no ấm, hạnh phúc hơn.

 

40 năm, sau hòa bình (1975-2015) chúng ta mới có được một công trình hoành tráng, một khu tưởng niệm đầy ý nghĩa cho những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Về với mẹ Thứ là về với nguồn cội Việt Nam, về với sự bao dung, chở che của người mẹ và tôi lại nhớ tới Bác Hồ khi sinh thời đã tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Chia tay núi Cấm, chia tay Quảng Nam..., chúng tôi tự nhủ mai này lại về thăm mẹ Thứ.

 

HỮU BÌNH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Lạc” vào xóm Gò Ổi
Thứ Bảy, 14/03/2015 13:00 CH
Home-Stay trong nhà đồng bào Dao Hà Giang
Thứ Sáu, 20/02/2015 10:35 SA
Bánh Bèo Quơ - hương vị quê nơi đất khách
Chủ Nhật, 15/02/2015 08:00 SA
Xứ sở hoa tulip và hệ thống chắn đê
Thứ Hai, 09/02/2015 14:00 CH
Sắm tết ở chợ “3 xã”
Thứ Bảy, 07/02/2015 15:00 CH
Xuân sớm trên quần đảo Trường Sa
Thứ Bảy, 07/02/2015 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek