Thứ Sáu, 10/01/2025 23:03 CH
Home-Stay trong nhà đồng bào Dao Hà Giang
Thứ Sáu, 20/02/2015 10:35 SA

Từ TP Hà Giang chúng tôi thuê xe máy lên huyện Đồng Văn, điểm cực Bắc của Tổ quốc. Trong 5 ngày trên cao nguyên đá này chúng tôi lang thang trên những vùng đất được giới phượt bầu chọn là cung đường hạnh phúc. Không khí dìu dịu mát pha chút se lạnh tạo cảm giác tuyệt vời. Vừa ra khỏi thành phố là bắt đầu leo dốc. Những khúc cua ngoặt cánh chỏ cứ đi lên mãi. Có những đoạn con đường chạy chênh vênh bên triền núi, một bên là núi đá chót vót, bên dưới là dòng sông Nho Quế lấp lánh trong nắng sớm.    

 

Tôi cùng vào bếp với Hàn

   

Qua khỏi cổng trời Quản Bạ, đi thêm một khúc cua nữa là lên tới đỉnh núi. Trước mắt chúng tôi là Thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ. Dù đã trưa nhưng khắp nơi vẫn còn bảng lảng một màn sương mỏng. Đứng trên cao nhìn xuống, cánh đồng lúa vừa gặt xong, rơm rạ vẫn còn vương vãi. Nổi bật trên cánh đồng là hai hòn núi tròn như cái vung úp ngược, tên gọi là Núi Đôi. Hình ảnh hai hòn núi rất ấn tượng này được coi như biểu tượng của thị trấn. Ở TP Hà Giang, chúng tôi đã được giới thiệu khá “đậm nét” về Núi Đôi và được xem khá nhiều hình ảnh về hai hòn núi này được chụp ở nhiều góc độ để  quảng bá cho du lịch Hà Giang. Chúng tôi dừng lại ăn cơm trưa ở Tam Sơn và quyết định đi vòng quanh hai hòn núi để chụp ảnh.           

 

Trong quán cơm chúng tôi bắt chuyện với hai bạn trẻ là hướng dẫn viên của một công ty du lịch lữ hành tại Hà Nội. Họ đang đưa một nhóm du khách nước ngoài tham quan cao nguyên đá. Họ đã ở thị trấn này mấy hôm trước, sau đó đưa khách đi một vòng cao nguyên Đồng Văn, sau đó quay lại đây để về Hà Nội. Câu chuyện rôm rả giúp chúng tôi hiểu thêm nhiều điều về công việc của những người làm nghề hướng dẫn viên du lịch. Thích lắm, nhưng cũng vất vả lắm- đó là nhận xét của Hải, một trong hai bạn mà chúng tôi vừa quen. Hải bảo, làm nghề này được đi nhiều, khám phá nhiều, ăn, nghỉ sung sướng, sang trọng nhưng đi với khách Tây không phải dễ vì họ rất khó tính. Nói chuyện về hoa tam giác mạch, đặc sản của vùng Đông Bắc, Hải reo lên: “Ối giời, để em giới thiệu với anh chị vào làng này tha hồ mà chụp ảnh hoa, lại được ở cùng nhà với đồng bào Dao nữa”. Nói rồi Hải bấm điện thoại: “Anh Đạt hả, nhà anh còn chỗ không? Có khách ở miền Nam ra đấy. Đón tiếp vui vẻ nhá”. 

 

Các món ăn địa phương

 

ẤN TƯỢNG VỀ SỰ SẠCH SẼ VÀ ĐẸP ĐẼ 

 

Lý Đạt Nguyên là tên của người chủ nhà lưu trú- một loại hình du lịch đang phát triển ở Hà Giang thường gọi là du lich cộng đồng, hoặc (home-stay) chạy xe máy ra tận đầu bản để đón chúng tôi. Nậm Đăm là bản văn hóa của đồng bào Dao nằm ngay sau lưng hai hòn núi Đôi mà chúng tôi có ý định sẽ tham quan. Con đường vào làng được tráng bê tông xi măng sạch sẽ, thẳng tắp và êm ái, đi qua những rặng cây, những chiếc cầu và hồ nước trong xanh. Đầu làng là những đám ruộng bậc thang đang vào cuối vụ, hoa tam giác mạch nở trắng điểm hồng phơn phớt sáng cả một khoảng trời. Trên đồng, nhiều bạn trẻ đang lăng xăng chụp ảnh. Chúng tôi vội vào nhà cất đồ đạc rồi ra chụp ảnh vì đã tự nhủ: chưa có ảnh hoa tam giác mạch trong album, coi như chưa đi Hà Giang!.

 

Nhà sàn của anh em Đạt ở liền kề, chỉ phân biệt nhau cái hàng rào đan bằng tre và cái cổng mái lợp ngói, bên trên gắn cái bảng ghi nắn nót hàng chữ: nhà lưu trú-home-stay và tên chủ nhà, số điện thoại. Vài năm trước ngành du lịch địa phương đặt vấn đề hỗ trợ để họ làm du lịch cộng đồng. Đạt ngại lắm nhưng khi nhân viên ngành du lịch đến tận nhà hướng dẫn cách sắp xếp mọi thứ cho ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ, thuận tiện và chỉ vẽ từng li từng tí cách đón tiếp khách tây, khách ta thì gia đình cùng bắt tay vào làm du lịch. Đến bây giờ mọi thứ đã “đâu vào đấy” như cách nói của Đạt thì đúng là bình thường thật. Du lịch cộng đồng là kiểu du lịch mà khách và chủ cùng ở chung nhà, khách được cùng tham gia các sinh hoạt, cùng tập làm những công việc thường ngày và cùng ăn những món ăn do chủ nhà thiết kế để hiểu về văn hóa ẩm thực địa phương. Do vậy khi chúng tôi dắt xe vào cổng thì mẹ và con gái của Đạt bước ra chào hỏi thân mật như người quen đi xa mới về. Đạt bảo hôm nay chúng tôi đến đột xuất nên nhà anh đã kín chỗ, họ sắp xếp để chúng tôi sang nhà em trai Đạt là Lý Tà Hàn cũng ở bên cạnh. Cả hai nhà đều sạch sẽ, ngăn nắp. Sàn gỗ sạch bong. Giày dép đi ở ngoài đường được để lại dưới chân cầu thang, lên trên đã có dép đi trong nhà. Trên gác, ngay chính giữa là chỗ đặt bếp lửa. Hàn bảo, mùa rét, du khách ngồi quây quần bên bếp lửa này sưởi ấm và trò chuyện. Xung quanh là các phòng ngủ ngăn cách nhau bằng ván gỗ. Trước cửa phòng ngủ treo một quyển sổ ghi ý kiến của khách. Dưới sàn đặt các tấm nệm trải ra trắng với  gối, mền xếp thẳng tắp. Chúng tôi sẽ ở riêng một phòng với hai tấm nệm như vậy. 

 

Buổi tối đầm ấm bên bếp lửa

 

THÂN THIỆN VÀ NHIỆT TÌNH 

 

Vợ tôi có ý muốn chụp ảnh hoa tam giác mạch trong trang phục đồng bào Dao để làm kỷ niệm. Có ngay. Mẹ của Đạt vào tủ lấy một bộ áo váy thổ cẩm, lại thêm cái khăn đội đầu và mấy chiếc vòng đeo cổ. Vừa đeo giúp các thứ trên cổ vợ tôi, mẹ Đạt vừa giải thích từng món một theo những câu chuyện cổ của đồng bào Dao. Cuối cùng, vợ tôi hóa thân thành một phụ nữ Dao và đẹp một cách bất ngờ trên cánh đồng hoa tam giác mach. Cô nàng thích lắm. 

 

Đi chụp ảnh về đã xâm xẩm tối nhưng không thấy Hàn đâu, tìm xuống bếp, tôi thấy anh ta loay hoay cuốn bánh để làm món chả cuốn- mà Hàn gọi là món nem rán. Tôi cùng vào làm với Hàn để ngồi bên bếp lửa cho ấm. Hàn bảo, ở nhà bên anh Đạt cũng đang làm bếp đấy. Tôi ngạc nhiên: các chị đi đâu hết rồi mà không nấu cơm? Họ ra rẫy chưa về- Hàn thủng thỉnh bảo, mình nấu cơm thôi, để họ đi làm. À ra vây, hèn chi lúc nãy trên đường về tôi chỉ gặp toàn các chị dắt ngựa trên rẫy về, trên lưng ngựa lủ khủ những bao cỏ xanh. Ở đây vợ đi làm, chồng ở nhà. Họ bình đẳng lắm, vợ đi làm thì chồng ở nhà nấu cơm chứ không như đàn ông ở ta, cái gì cũng để dành cho vợ. 

 

Chủ nhà hướng dẫn các địa điểm tham quan cho khách

 

Vợ Hàn về, chúng tôi ngồi quây quần bên bàn ăn. Hôm nay Hàn mời chúng tôi món đậu hủ kho, lợn bản nướng lụi, món chả ram- mà Hàn gọi là nem rán, và món canh rau rừng. Cơm trắng lúa rẫy xới lên thơm nức nở. Lạ miệng chúng tôi ăn thật ngon và nhâm nhi một vài ly rượu ngô. Vừa ăn vợ chồng Hàn kể cho chúng tôi nghe về đời sống đồng bào trong bản, về những câu chuyện cổ tích và cách làm du lịch của đồng bào ở đây khiến du khách thích thú như thế nào …Buổi tối có một người hàng xóm đến thăm vợ chồng Hàn, cùng ngồi trò chuyện với chúng tôi như người nhà bên bếp lửa. Qua câu chuyện, chúng tôi thấy họ thật hiền lành, dễ mến. 

 

Sáng hôm sau, chúng tôi lên đường lúc gần 8 giờ sáng. Ở nhà bên, các vị khách châu Âu ở nhà anh Đạt cũng đã thức dậy. Họ ngồi uống trà cùng với Đạt và các hướng dẫn viên du lịch. Một không khí đầm ấm, thân tình lan tỏa giữa mọi người khi chúng tôi đến chào gia đình để lên đường. Các vị khách châu Âu không lạnh lùng, xa cách như thường thấy mà rất cởi mở bắt chuyện với chúng tôi như người quen vì họ cũng đã trải qua một đêm trong một không gian gần gũi, ấm áp và thân tình ở đây.

 

Mẹ Đạt chon mượn trang phục truyền thống để chụp ảnh

 

DƯƠNG THANH XUÂN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bánh Bèo Quơ - hương vị quê nơi đất khách
Chủ Nhật, 15/02/2015 08:00 SA
Xứ sở hoa tulip và hệ thống chắn đê
Thứ Hai, 09/02/2015 14:00 CH
Sắm tết ở chợ “3 xã”
Thứ Bảy, 07/02/2015 15:00 CH
Xuân sớm trên quần đảo Trường Sa
Thứ Bảy, 07/02/2015 08:00 SA
“Dấu xưa” nhà vách đất
Thứ Bảy, 24/01/2015 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek