Thứ Bảy, 19/10/2024 09:25 SA
“Lạc” vào xóm Gò Ổi
Thứ Bảy, 14/03/2015 13:00 CH

Người dân Gò Ổi chăm sóc ruộng lúa nước - Ảnh: M.H.NAM

Muốn đến xóm Gò Ổi, thôn Phú Sơn, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) phải vượt qua sông Cái (sông Kỳ Lộ) nhưng bến sông lại không có đò ngang. Vì vậy, chúng tôi chọn đi đường vòng lên xã Xuân Quang 3, rẽ qua đường Truông Sỏi mới đến xóm Gò Ổi.

 

U70 HỌC LÀM LÚA NƯỚC

 

Chiều, ông Nguyễn Năm (thường gọi là Năm Bầu, 64 tuổi) ra trước nhà thăm ruộng lúa. Ông ngồi bứt cọng cỏ chỉ từ bờ bò vào ruộng rồi mân mê nắm lá lúa trong lòng bàn tay, cười sảng khoái. Ông Bầu cho hay, trước đó ông ra thăm ruộng, nhìn đám lúa cứ thắc mắc không biết lúa bệnh gì mà sạ cách nay gần một tháng, lá lúa không xanh mượt mà đầu lá túm lại hiện ra màu đỏ? Điện thoại hỏi người này người nọ đoán không ra bệnh, ông nhổ bụi lúa chạy thẳng qua chỗ đại lý bán phân thuốc trừ sâu. “Tôi thấy lá lúa “buồn buồn” không bung ra mà cuốn lại rồi khô tím đầu lá, hỏi thì đại lý nói bị bọ trĩ nên mua thuốc về phun, sau 2 ngày lá lúa đã trải màu xanh non”, ông Bầu nói.

 

Cách đó một đám ruộng, ông Nguyễn Tiệm (62 tuổi) đang phun thuốc trên ruộng. Ông Tiệm cho biết: “Lúa sạ gần giáp tháng rồi mà bón phân không xanh, tôi hỏi thăm ông Năm Bầu triệu chứng bệnh của lúa rồi mua đúng thuốc như ông bày về phun”.

 

Xóm Gò Ổi có hơn 30 ngôi nhà nằm dựa vào lưng chừng vách núi U Hòn Quạ, trước mặt là cánh đồng Soi Chùa. Cánh đồng này, từ bao đời nay, người dân trồng mía trên ruộng cạn, có năm nắng hạn khô khốc. Đợt lũ lịch sử cuối năm 2009 san bằng cánh đồng bằng một lớp cát dày hơn nửa mét, người dân đành bỏ hoang. Sau đó, UBND huyện Đồng Xuân san ủi cải tạo để nhân dân trồng hoa màu, thế nhưng vùng này mùa hè nắng gắt nên cây trồng cạn thường xuyên bị “luộc”.

 

Mới đây, UBND huyện Đồng Xuân đầu tư trạm bơm điện đưa nước về tưới cho cánh đồng Soi Chùa, người dân chuyển đất trồng mía sang trồng lúa nước. Và đây là năm đầu tiên trước xóm nhà “xuất hiện” màu xanh của lúa nước, nhiều người thấy mà trầm trồ. Bà Thân Thị Thọ, người dân ở đây cho biết, mấy năm trước, trong xóm có người phải rảo qua bên kia thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3) hỏi mướn ruộng trồng lúa. Một thời gian, hết hạn thuê mướn, chủ ruộng lấy đất lại nên sau đó nhà nào cũng mua gạo ở chợ về ăn. “Nay, một năm làm 2 vụ lúa nước, trong xóm ai cũng vui mừng vì chủ động có “hột ăn” trong nhà. Trước đây chưa đến phiên chợ, lu gạo trong nhà cạn sát đáy “lỡ chợ lỡ quán” phải bưng thau qua hàng xóm mượn. Có ruộng lúa trước nhà nhìn mát con mắt, lại không còn lo đi mượn gạo nữa”, bà Thọ nói.

 

Có mương thủy lợi làm lúa nước, người dân trong xóm chủ động đi học kỹ thuật chăm sóc lúa. Dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua, ngoài đi thăm chúc tết bà con quanh vùng, người dân xóm Gò Ổi còn tranh thủ hỏi thăm cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, từ bọ trĩ, bệnh đạo ôn đến tiêm hành, tiêm hẹ trên cây lúa. Trước đó, vào vụ sạ lúa, người dân ở đây tranh thủ qua thôn Thạnh Đức học hỏi cách ngâm ủ lúa giống.

 

Sõng câu để sẵn trên bờ phục vụ việc qua sông của người dân - Ảnh: M.H.NAM

 

XÓM SÕNG CÂU

 

Xóm Gò Ổi còn được người dân quanh vùng gọi là xóm “mồ côi” vì nằm lẻ loi bên này sông Cái. Vì vậy, nhà nào cũng sắm sõng câu (một loại xuồng nhỏ) bơi qua lại. Mọi sinh hoạt của người dân ở đây đều gắn với chiếc sõng; ngày thường cũng như ngày tết, muốn sang được bên kia sông qua thôn Triêm Đức (xã Xuân Quang 2), người dân phải bơi sõng để tới bờ… Dịp tết, nhiều gia đình muốn đi thăm bà con bên kia sông, từ nhà ra sông họ đều phải vác trên vai một… chiếc sõng. Bơi qua tới bờ bên kia, chiếc sõng lại được “cõng” đến bụi cây cất giấu. Một cảnh tượng rất lạ ở vùng quê hẻo lánh này…

 

Một điều lạ nữa là nơi đây hầu như ngày thường hiếm có người lạ mặt đến, thế nhưng ngày tết đông người qua lại. Trước mặt xóm nhà qua khỏi cánh đồng Soi Chùa là suối Nước Nóng (chảy ra sông Kỳ Lộ) - một điểm vui chơi ngày tết thu hút nhiều người dân quanh vùng. Người dân ở các xã Xuân Quang 1, Xuân Phước không đi theo hướng lên đường xã Xuân Quang 2 mà đi tắt xuống xã Xuân Quang 3, hỏi thăm qua đường Truông Sỏi đến xóm Gò Ổi rồi qua suối Nước Nóng. Vì vậy, những ngày tết, xóm Gò Ổi người qua lại đông vui.

 

Vì xóm nhà ở tách biệt bên kia sông Kỳ Lộ nên học sinh đi học qua lại bằng sõng. Đáng lo ngại là các em học sinh qua sông đến trường trong mùa nước lớn, bốn bề nước tung bọt trắng xóa nhưng trên sõng không có bất kỳ phương tiện cứu hộ nào. Em Lê Tô Hoàng, học lớp 2C, Trường tiểu học Xuân Quang 2, cho biết: “Có hôm đi học về ra bến sông chờ mãi không thấy ba ra đón, trời lại mưa tầm tã nên em đi nhờ sõng ông chú trong xóm. Bên người chỉ có cái cặp đựng sách vở, nhét thêm tấm áo mưa vào”.

 

Ông Nguyễn Văn Tiến, một người ở xóm Gò Ổi, cho hay: “Kinh tế gia đình eo hẹp nên cũng bươn chải lo làm lo ăn chứ đâu có rảnh đưa con đi học suốt. Hôm nào tôi bận đi làm thì nhờ người khác bơi sõng vần công qua lại đưa đón mấy đứa nhỏ đi học. Mong sao con cái có tấm áo phao lúc ngồi trên sõng”.

 

Nhiều gia đình do bận công việc nên “ủy quyền” cho con tự bơi sõng. Vì vậy, ở xóm Gò Ổi này, nhiều học sinh cao chưa được gấp rưỡi cây dầm cũng phải tự… bơi sõng đi học! Em Lê Hoàng Hiệu, học lớp 4A, Trường tiểu học Xuân Quang 2, cho biết: “Mùa lũ vừa qua, hôm nào ba đi làm đồng em cũng tự bơi sõng sang sông đi học”.

 

Nói về chiếc sõng câu gắn bó với người dân nơi đây, ông Thân Bương, người dân xóm Gò Ổi kể, cách đây trên 20 năm ông đến đây sinh sống. Lúc ấy, xóm này mới có 3 ngôi nhà. Kinh tế khó khăn, xây nhà lợp bằng lá mía, dừng xung quang cũng bằng lá mía. Lúc đó, nhà ông thuộc diện nghèo khó, thế nhưng ông “nhắm mắt” bán con nghé mục (con nghé đực cao gần 1m) mua tấm tôn về lận sõng để qua lại bến sông. “Mùa mưa, nước sông dâng cao chảy lênh láng, muốn qua xã ký giấy tờ hoặc đi chợ Đồng Tranh cạnh UBND xã đều phải bơi sõng nên nhà nào cũng sắm sõng câu”, ông Bương nói.

 

MẠNH HOÀI NAM 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Home-Stay trong nhà đồng bào Dao Hà Giang
Thứ Sáu, 20/02/2015 10:35 SA
Bánh Bèo Quơ - hương vị quê nơi đất khách
Chủ Nhật, 15/02/2015 08:00 SA
Xứ sở hoa tulip và hệ thống chắn đê
Thứ Hai, 09/02/2015 14:00 CH
Sắm tết ở chợ “3 xã”
Thứ Bảy, 07/02/2015 15:00 CH
Xuân sớm trên quần đảo Trường Sa
Thứ Bảy, 07/02/2015 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek