Thứ Bảy, 19/10/2024 11:41 SA
Xứ sở hoa tulip và hệ thống chắn đê
Thứ Hai, 09/02/2015 14:00 CH

Đường đê bên dòng sông Rhine ở thành phố Zaltbommel - Ảnh: H.NGUYÊN

Đến thăm xứ sở hoa tulip và cối xay gió vào những ngày đầu xuân, ngoài sự ngỡ ngàng, thích thú với thiên nhiên, cảnh vật và cuộc sống văn minh, tôi còn thán phục về một hệ thống đê điều vô cùng hiện đại - nhân tố góp phần không nhỏ làm nên đất nước Hà Lan xinh đẹp ngày hôm nay. Trong thời gian viếng thăm, cùng với sự giới thiệu của ông Marius, một cư dân và là một kỹ sư hóa về hưu 68 tuổi, tôi đã biết tường tận về lịch sử và những câu chuyện xung quanh hệ thống đê điều đáng ngưỡng mộ của người Hà Lan.

 

CON NGƯỜI CHINH PHỤC THIÊN NHIÊN

 

Hà Lan được biết đến là quốc gia nằm thấp nhất so với mực nước biển (nơi thấp nhất là thành phố cảng Rotterdam thấp 6m so với mực nước biển) và là hạ nguồn của các con sông lớn như Rhine và Meuse cùng với Bỉ. Trở về những ngày đầu hình thành quốc gia này từ thời trung cổ đến thế kỷ 14, Hà Lan khi đó vẫn còn lẫn lộn trong vùng nước biển và đầm lầy mênh mông. Những cư dân đầu tiên đã phải đắp đất thành những ngọn đồi ngăn nước biển và tạo chắn đê ngăn những dòng sông, để bắt đầu trồng trọt và xây dựng cuộc sống. Mãi đến thế kỷ 15-16, khi một hệ thống đê điều vững chắc được xây dựng cùng với những cối xay gió ra đời, Hà Lan mới được biết đến ở châu Âu. Vào năm 1953, Hà Lan hứng chịu một trận lũ lụt lịch sử làm trên 1.800 người chết, Chính phủ đãphải thông qua Luật Đồng bằng (Delta law) xây dựng lại hệ thống chắn đê kiên cố và cao hơn chắn đê trước.

 

Bắt đầu điều luật này, một hệ thống đê điều hiện đại nhất châu Âu thời điểm bấy giờ được xây dựng trên một hồ nước lợ có chiều dài 32km ở phía bắc Hà Lan. Sau khi chắn đê hoàn thành, hồ nước lợ trở thành hồ nước ngọt, nước được bơm ra khỏi khu vực này và nơi này trở thành một vùng đất trù phú để lập ra những trang trại, góp phần phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của quốc gia. Lúc bấy giờ, chắn đê trên hồ không cho phép những con tàu lớn vào bến cảng Amsterdam, Chính phủ phải cho đào một kênh đào vĩ đại khởi nguồn từ biển Bắc có chiều rộng 275m, chiều dài 20km và sâu khoảng 15 đến 16m đón chào những con thuyền chở hàng lớn đến bến cảng này.

 

Nối tiếp sự thành công đó, những dự án đê điều mới được thực hiện ở phía nam Hà Lan trên vùng Zeeland - nơi cóđến 5 hòn đảo cần được xây chắn đê. Khi hệ thống chắn đê hình thành, người dân cho rằng, các chắn đê đã phá hủy môi trường thiên nhiên của sinh vật sống trong và ngoài chắn đê. Vì vậy, các kỹ sư Hà Lan phải xây dựng lại các chắn đê thành những thanh chốt khóa khổng lồ để môi trường nước hai bên chắn đê vẫn thông qua lại, các sinh vật trong và ngoài chắn đê không bị ảnh hưởng. Chắn đê nơi đây được xem là công trình đê điều hùng vĩ và đáng tự hào nhất của người Hà Lan. Hiện nay, chắn đê là một trong những nơi thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến tham quan và chiêm ngưỡng.

 

 
 Con đường dành cho người đi bộ và xe đạp - Ảnh: H.NGUYÊN

 

THIÊN NHIÊN PHỤC VỤ CON NGƯỜI

 

Ngoài hệ thống đê điều vững chãi để bảo vệ quốc gia và sinh mạng của hơn 16 triệu người dân, những dự án khai hoang lấn biển và lấp hồ để mở rộng lãnh địa của quốc gia vẫn luôn tiếp diễn và Hà Lan đã có được gần 20% diện tích từ công việc này. Thành phố cảng Rotterdam (thành phố cảng lớn thứ hai sau Amsterdam) được công nhận là một trong những cảng lớn và sầm uất nhất thế giới và là “cửa ngõ của châu Âu”. Vào những năm 1980, cảng Rotterdam được xây dựng mới, nhô ra biển bằng cách dùng chắn đê ngăn nước biển để xây cảng. Dự kiến đến năm 2020, việc nới rộng cảng này trên biển sẽ được hoàn tất. Khi đó, Rotterdam hiển nhiên trở thành cảng được xây trên biển lớn nhất thế giới!

 

Khi đặt chân đến sân bay nhộn nhịp thứ tư ở châu Âu - sân bay Amsterdam Airport Schiphol, tôi không thể ngờ rằng mình đang đứng một nơi mà trước năm 1852, nó vẫn còn là một cái hồ nước cạn! Và rồi người ta dùng cối xay gió để lấy nước ra khỏi cái hồ ấy, xây dựng một sân bay hiện đại tầm cỡ thế giới như bây giờ.

 

Và những chắn đê chạy dọc dòng sông Rhine trong thành phố Zaltbommel, nơi tôi ởkhi đến Hà Lan, là nơi đầy cỏ cho bò, cừu thong thả gặm, là những con đường thẳng tắp cho xe cộqua lại và là nơi tản bộ yên bình, lãng mạn cho những người cần không gian thư giãn…

 

NHỮNG ĐIỀU CẦN SUY NGẪM

 

Có lẽ vì vị trí địa lý thấp hơn so với mực nước biển nên Chính phủ Hà Lan luôn ý thức phải xây dựng một hệ thống đê điều vững chãi để bảo vệ lãnh thổ và người dân. Hơn thế nữa, công việc chăm nom, duy trì và bảo dưỡng hệ thống đê điều cũng thật sự nghiêm ngặt. Lực lượng chức năng luôn kịp thời phát hiện và sửa chữa để tránh những rủi ro ở mức thấp nhất. Khi đến Việt Nam, cùng tôi đi dọc đường bờ kè Bạch Đằng, ông Marius nói rằng: “Bờ kè đây xây thật đẹp nhưng lại chưa được bảo dưỡng. Những nơi vỡ ra, sụt lún trên bờ kè cần kịp thời sửa chữa để bảo đảm an toàn và hơn nữa cần phải bảo vệ môi trường xung quanh để nơi này trở thành nơi thư giãn cho tất cả mọi người. Việt Nam không phải là quốc gia nằm thấp so với mực nước biển nhưng khi đã xây bờ kè, chắn đê phải đảm bảo sự an toàn và đặt sự an toàn của con người lên hàng đầu thì các bạn sẽ có những chắn đê tốt như Hà Lan”.

 

Một góc chắn đê bên dòng sông Rhine ở Hà Lan - Ảnh: H.NGUYÊN

 

HẠNH NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sắm tết ở chợ “3 xã”
Thứ Bảy, 07/02/2015 15:00 CH
Xuân sớm trên quần đảo Trường Sa
Thứ Bảy, 07/02/2015 08:00 SA
“Dấu xưa” nhà vách đất
Thứ Bảy, 24/01/2015 14:00 CH
Đưa sản vật của đất quê đi muôn nẻo
Thứ Bảy, 17/01/2015 14:00 CH
Cha mù nuôi con vào đại học
Thứ Bảy, 10/01/2015 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek