Thứ Bảy, 19/10/2024 11:35 SA
Sắm tết ở chợ “3 xã”
Thứ Bảy, 07/02/2015 15:00 CH

Mua thịt heo làm quà biếu cuối năm cho cha mẹ     - Ảnh: M.H.NAM

Chợ Trà Kê, xã Sơn Hội là nơi người dân các xã Sơn Hội, Cà Lúi, Phước Tân (huyện Sơn Hòa) giao thương mua bán, được người dân quanh vùng gọi là chợ “3 xã”. Người dân ở các thôn của xã vùng cao Phước Tân đến chợ phải đi gần 30 cây số, đường xa nên dịp cuối năm đi chợ tết một lần.

 

LẠ LẪM SUỐI KÀ RUM

 

Những ngày này, người dân xã Phước Tân rủ nhau đi chợ mua sắm tết. Sáng, chị La Thị Ma Hiên ở thôn Đá Bàn (xã Phước Tân) chở đứa con gái 10 tuổi đi xuống chợ Trà Kê. Dạo quanh các sạp hàng, chị mua cho con gái chiếc áo phông màu đỏ có in dòng chữ “Tôi yêu Việt Nam”. Chị Hiên cho hay: “Mua chiếc áo này cho con diện 3 ngày tết, sau đó cũng tiện mặc luôn”. Chị còn chia sẻ, lâu nay bà con ở Phước Tân đi chợ tết sớm chứ để gần tết cập rập. Với lại đi chợ tết sớm có cái hay là có thời gian ngồi nghỉ, thăm lại suối Kà Rum.

 

Suối Kà Rum nằm trên tuyến đường độc đạo từ ngã tư Trà Kê đi về xã vùng cao Phước Tân. Vì vậy đối với đồng bào Chăm H’Roi ở xã này, suối Kà Rum in vào máu thịt. Vào mùa mưa, nước chảy xiết, người dân quanh vùng bắc cây cầu sắt để qua suối. Đây là con suối duy nhất trên vùng núi được bắc cầu sắt. Thường các suối vùng núi đều bắc cầu gỗ, thậm chí cầu đá (dùng tảng đá to sắp dưới lòng suối ngắt quãng vừa bước chân người qua lại). Vì vậy, cầu sắt bắc qua suối Kà Rum lạ lẫm trong… quen thuộc.

 

Chị La Lang Thị Sứ ở thôn Gia Trụ (xã Phước Tân) cùng chồng xuống chợ Trà Kê mua sắm tết về ngồi nghỉ bên suối Kà Rum. Xếp gọn các mặt hàng vừa mua được, chị Sứ cho biết, chợ có đủ các mặt hàng nên mình thong thả lựa mua, hàng tết bắt mắt. Cũng nhờ đi chợ, vợ chồng chị mới có dịp đến suối Kà Rum.

 

Chị Sứ kể trước đây, người dân ở xã Phước Tân xuống chợ, đường xa thường mua cá mặn, nước mắm về “thủ” trong nhà, ăn tiện tặn vì một tháng đi chợ một lần. Khi đó đi bộ đường xa nên ai qua đây đều ngồi nghỉ mệt bên suối Kà Rum. Dòng suối như lu nước ven đường, người đi đường xa rửa mặt, uống ngụm nước mát. “Thời gian gần đây, chợ di động bán đến tận thôn, buôn nên ít người đi chợ Trà Kê thường xuyên; chỉ có dịp cuối năm đi chợ tết một lần. Thời buổi này đi chợ bằng xe máy, thế nhưng theo thói quen, ai cũng tự “bắt” mình nghỉ lại ít phút bên suối Kà Rum”, chị Sứ nói.

 

Đang rảo chợ mua sắm tết nhưng khi hỏi chuyện về suối Kà Rum, chị Sô Thị Xin cũng ở xã Phước Tân nói liền một mạch: Trước đây, suối Kà Rum với hình ảnh cầu sắt in sâu trong tâm trí nhiều người; nay suối Kà Rum là câu “cửa miệng”. Con cái đi học dưới tỉnh (Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh) về, cha mẹ từ nhà điện thoại thăm chừng đã qua suối Kà Rum chưa? Sau đó là câu trả lời: Mặt trời lặn đến suối Kà Rum rồi! Từ đó người nhà trên núi đoán thời gian khi nào con về đến nhà. Còn những người nào lần đầu tiên tìm về Phước Tân thì đến ngã tư Trà kê hỏi thăm đường qua suối Kà Rum, từ đó đi một đường một là đến nơi.

 

TÌNH NGƯỜI PHIÊN CHỢ TẾT

 

Người dân xã Cà Lúi đi chợ Trà Kê xa gần 7 cây số. Phiên chợ tết với người đồng bào dân tộc thiểu số ở đây thấm đẫm tình người. Sáng, ông Ma Thìn chở vợ đi chợ đèo theo sau mớ lá teng neng. Đến chợ, ông dạo quanh, gặp người quen ông gửi ít lá teng neng làm quà tết.

 

Đồng bào dân tộc thiểu số ở đây thường dùng lá teng neng giã muối với kiến vàng, vị đắng thanh tao của lá hòa với vị mặn của muối và vị cay của ớt xiêm, vị chua của trứng kiến vàng... ăn rất ngon. Đặc biệt, ngày tết dọn món bò một nắng chấm với muối teng neng kiến vàng hoặc chén muối để cạnh tô canh chua đang bốc khói, chỉ nhìn là có cảm giác ngon miệng.

 

Lá teng neng có vị thơm ngon khác lạ. Bí quyết để chế biến muối ngon đối với lá teng neng là phải làm cho lá héo giòn để giã nát, tuy nhiên không phải phơi nắng, mà phải hơ lửa, chính vì mùi khói bếp tạo “sức lan tỏa” vị đắng mà thơm của teng neng. Hơn nữa, lá teng neng hơ lửa rồi giã nhỏ, cho vào hũ để 4 đến 5 tháng vẫn thơm lừng, còn phơi nắng nếu để lâu sẽ bị mất mùi. Tuy nhiên ở vùng 3 xã Sơn Hội, Phước Tân, Cà Lúi thì chỉ xã Cà Lúi mới có.  

 

Vì thế người dân ở xã Cà Lúi thường “chia sẻ” lá teng neng với bà con quanh vùng trong phiên chợ Trà Kê cuối năm và dịp mùng 5/5 (tết Đoan Ngọ).

 

Chị Sô Thị Mến ở xã Cà Lúi loay hoay trả mua cái xoong to để nấu bánh tét, còn hỏi mua thêm xoong trung. Chị Mến nói: “Bà dì hàng xóm ngoài 70 tuổi sống một mình, tuổi già không đi xa được nên gửi tiền nhờ mua cái xoong và chục chén mỏng để nấu nướng, cúng tưởng nhớ ông bà 3 ngày tết. Tôi đi chợ mua ít vận dụng trong gia đình kết hợp mua dùm cho bà dì luôn”.

 

La Mô Thìn vừa lập gia đình, vợ chồng son “cặp kè” rảo chợ tết lựa mua quần áo mới. Thìn khoe: “Em ở xã Sơn Hội cưới vợ ở xã Phước Tân. Đi chợ tết chờ gặp người quen ở xã Phước Tân mua nửa ký thịt thăn, miếng cá ngừ gửi về cha mẹ vợ ăn lấy thảo cuối năm”.

 

Chợ tết Trà Kê họp cả ngày, nhộn nhịp người mua, người bán, như mùa xuân rộn rịp đang về với lòng người. 

 

MẠNH HOÀI NAM

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Xuân sớm trên quần đảo Trường Sa
Thứ Bảy, 07/02/2015 08:00 SA
“Dấu xưa” nhà vách đất
Thứ Bảy, 24/01/2015 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek