Thứ Bảy, 19/10/2024 11:38 SA
Những người “đo mưa, đếm gió” ở Trường Sa
Thứ Bảy, 31/01/2015 10:23 SA

Trưởng trạm Đoàn Tấn Phước đang kiểm tra độ ẩm - Ảnh: V.TÀI

7 anh em mỗi người một quê, không hẹn mà về cùng công tác ở Trạm Khí tượng - Hải văn Trường Sa (Đài Khí tượng - Thủy văn Nam Trung Bộ). Hàng ngày, bất kể giờ giấc, dù ngày nắng hay mưa bão, các anh vẫn tỉ mẩn quan trắc mây, đo độ ẩm, lượng mưa gió, cập nhật số liệu gửi về đất liền để cơ quan chức năng ra những bản tin dự báo thời tiết chính xác nhất.

 

LẶNG LẼ “ĐO MƯA, ĐẾM GIÓ”

 

Trong những ngày cuối năm, lần đầu tiên tôi đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) trong chuyến đi thăm chúc Tết Ất Mùi 2015 và thay thu quân ở quần đảo Trường Sa trên con tàu HQ56, khi mà bản tin thời tiết trên VTV1 liên tục cập nhật tình hình không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới đang ảnh hưởng đến biển Đông.

 

Đặt chân đến Trường Sa Lớn khi hoàng hôn vừa buông. Gió giật cấp 6, cấp 7 khiến tàu lắc lư theo những con sóng mạnh, mọi người và đồ đạc trong phòng bị đẩy từ góc này sang góc khác. Vì vậy, thay vì cập cầu cảng, lãnh đạo đoàn quyết định vào đảo bằng xuồng máy chuyển hàng. Nhìn từng chuyến xuồng vượt sóng đưa quà tết từ đất liền vô đảo trong sự chờ đợi háo hức của mọi người, tôi thấy lòng mình rộn ràng. Còn với Trương Thanh Tịnh (quê phường 2, TP Tuy Hòa) đang công tác ở Trạm Khí tượng - Hải văn Trường Sa thì cành mai, lá dong và những phần quà từ đất liền giúp anh cũng như quân dân trên đảo xua đi nỗi nhớ nhà da diết.

 

Đây là năm thứ hai Tịnh đón tết ở đảo xa. “Nhớ tết ở đất liền lắm. Nhớ nhất là bữa cơm tất niên cùng gia đình, nhưng giờ thì tết cũng đã về với mọi người nơi đảo xa rồi”, anh phấn khởi nói.

 

Đến Trạm Khí tượng - Hải văn Trường Sa, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là những đồng nghiệp của anh Tịnh đang cặm cụi ngoài khu vườn của trạm để quan trắc mây, mưa và ghi chép số liệu. Thấy tôi ngạc nhiên, anh Tịnh giải thích: “Cuối năm ở Trường Sa thời tiết khắc nghiệt và thất thường lắm. Không chỉ biển động, sóng to do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, nhiều lúc còn xuất hiện lốc xoáy, mưa dông… Vì vậy, chúng tôi phải bám trụ theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để kịp thời cảnh báo cho người dân”.

 

Một trong những người có thâm niên nhất ở đây là Trạm trưởng Đoàn Tấn Phước với 6 năm trong nghề. Trước khi ra Trường Sa, anh Phước công tác ở TP Quy Nhơn (Bình Định). “Công việc của chúng tôi cũng đơn giản. Hàng ngày, chúng tôi đo mây, mưa, gió, khí áp, nhiệt độ... rồi gửi về Đài Khí tượng - Thủy văn Nam Trung Bộ ở đất liền để tổng hợp và đưa ra các bản tin dự báo thời tiết chính xác ở khu vực quần đảo Trường Sa. Do đó, những số liệu về thời tiết mà trạm cập nhật rất quan trọng, giúp người dân ở đất liền và hàng vạn ngư dân khai thác hải sản trên biển Đông biết những biến động thời tiết để tránh trú an toàn trước những cơn bão, phòng tránh thiên tai trên biển”, anh Phước nói.

 

Anh Phước tâm sự: “Trạm có nhiệm vụ quan trắc, thu thập các số liệu thời tiết để thông báo về đất liền 4 lần/ngày vào các khung giờ khác nhau. Từ tháng 6 cho tới đầu năm sau là thời điểm trên biển Đông thường xuyên có bão, áp thấp nhiệt đới và các hiện tượng thời tiết bất thường khác. Vì vậy, mỗi khi có thông tin bão trên biển Đông là anh em trực chiến 24/24 giờ canh bão, quan trắc và thu thập số liệu. Sau đó, cứ 30 đến 40 phút/lần thông báo về đất liền; báo cáo chỉ huy đảo để sử dụng hệ thống Icom thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết trước diễn biến của thiên tai”.

 

Anh Trương Thanh Tịnh, nhân viên Đài Khí tượng đang đo lượng mưa - Ảnh: V.TÀI

 

GIAN NAN NGHỀ “BẮT MẠCH ÔNG TRỜI”

 

Theo anh Phước, trung bình mỗi năm có 12 đến 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới quét qua quần đảo Trường Sa. Riêng năm 2014, có hơn chục cơn bão và áp thấp ảnh hưởng đến khu vực này. Ngần ấy lần bão, áp thấp nhiệt đới tung hoành cũng là ngần ấy thời gian, mỗi cán bộ thủy văn ở đây phải đối mặt với những hiểm nguy, lặng lẽ “bắt mạch ông trời”. Những lúc mưa to, gió lớn ập vào đảo Trường Sa Lớn, mọi người tìm nơi tránh trú an toàn thì những nhân viên quan trắc phải lao ra khỏi nhà, đội mưa, hứng gió để thu thập số liệu, kịp thời cảnh báo sớm, góp phần đem lại an toàn cho mọi người trước những cơn cuồng nộ của thiên tai. Vì vậy, 7 anh em dù mỗi người một quê nhưng luôn sống hòa đồng, đoàn kết và luôn hết mình vì công việc.

 

Anh Dương Ngọc Sơn, nhân viên của trạm, khẳng định: “Cứ đúng giờ là phải đo đếm, dù mưa gió như thế nào đi nữa. Vào mùa mưa bão tháng 9, tháng 10 và những ngày cuối năm, công việc vất vả hơn do thường có những cơn bão dữ và nguy hiểm đổ vào biển Đông, mà nơi đây được coi là “mắt” báo bão sớm nhất cả nước, là trạm tiền tiêu nơi đảo xa của ngành Khí tượng thủy văn quốc gia”.

 

Các anh Minh Hiếu, Bá Cao, Văn Nga, Văn Tiến còn kể với chúng tôi rằng, nhiều lần gặp bão lớn, gió giật mạnh, cứ mở cửa đi ra vườn quan trắc là người như muốn bay xuống biển. Cứ 30 đến 60 phút, các anh ra lao ra ngoài để đo đếm số liệu và làm báo cáo. Nếu trời có giông, sấm chớp hay mưa thì anh em phải quan sát bằng mắt thường để ghi chép. Vì vậy vào mùa mưa bão, các anh làm việc gian nan, cực nhọc nhất. Đó là chưa kể đến việc thiếu thốn thực phẩm, rau xanh. Nếu tàu không ra được để chuyển lương thực thì các anh chỉ có lương khô, mì gói là bạn.

 

Điều khiến các nhân viên ở đây lo lắng nhất là máy móc, trang thiết bị làm việc bị xuống cấp do nước biển ăn mòn… Nếu máy móc có vấn đề, các anh đo đếm không đúng quy trình, dự báo thiếu chính xác sẽ ảnh hưởng đến nhiều người; trong đó có sinh mạng của hàng vạn ngư dân đang ngày đêm khai thác hải sản trên biển. Do đó, mọi người đều quyết tâm vượt qua gian khó, hiểm nguy, thậm chí chấp nhận hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đó là trường hợp của quan trắc viên Hoàng Văn Nghĩa (SN 1986, quê huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ ở khu cầu cảng Trường Sa Lớn. Đêm 21/3/2010, biển động dữ dội, sóng dập trắng xóa cầu cảng, anh Nghĩa ra khu vực này thu thập số liệu mực nước và cấp sóng. Không thấy Nghĩa trở về, anh em ở trạm hốt hoảng đi tìm, sau đó thì tìm thấy thi thể đồng đội mắc kẹt dưới lớp san hô. Ngày hy sinh, Nghĩa vừa tròn 24 tuổi, được an táng ở Nghĩa trang đảo Trường Sa Lớn.

 

“Sự hy sinh của anh Nghĩa đã tiếp thêm nghị lực và sức mạnh, nhắc nhở anh em chúng tôi phải luôn đoàn kết, thương yêu nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, Trạm trưởng Đoàn Tấn Phước không giấu được xúc động khi nhắc về đồng nghiệp mẫn cán của mình đã mãi mãi nằm lại trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

 

Trạm Khí tượng - Hải văn Trường Sa được xây dựng từ năm 1977, hiện là một trong 26 trạm phát bão quốc tế, cách đất liền xa nhất và được xem là “con mắt báo bão” sớm nhất trong hệ thống khí tượng thủy văn của nước ta. Về góc độ chuyên môn khí tượng thủy văn, trạm này có vai trò đặc biệt quan trọng vì đón bão sớm nhất. Hệ thống số liệu ở đây cùng với số liệu từ các trạm Song Tử Tây, DK1 trên biển sẽ cung cấp số liệu để dự báo sớm nhất các cơn bão trên biển Đông hàng năm.

 

(Nguồn: Trạm Khí tượng - Hải văn Trường Sa)

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Dấu xưa” nhà vách đất
Thứ Bảy, 24/01/2015 14:00 CH
Đưa sản vật của đất quê đi muôn nẻo
Thứ Bảy, 17/01/2015 14:00 CH
Cha mù nuôi con vào đại học
Thứ Bảy, 10/01/2015 14:00 CH
Sắm ngựa để thồ cây thuê
Thứ Bảy, 27/12/2014 08:51 SA
Lặng lẽ tri ân cuộc đời
Thứ Bảy, 20/12/2014 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek