Thứ Bảy, 19/10/2024 11:46 SA
“Dấu xưa” nhà vách đất
Thứ Bảy, 24/01/2015 14:00 CH

Ngôi nhà vách đất của La Mô Thị Ty ở xã Sơn Hội - Ảnh: H.NAM

Ở các miền quê tỉnh Phú Yên có nhiều gia đình hiện sống trong những ngôi nhà từ nền đến vách tuyền một màu đất. Đặc biệt, có nhà vách đất vẫn trụ vững hơn nửa thế kỷ.

 

NHÀ VÁCH ĐẤT Ở MẶT TIỀN QUỐC LỘ

 

Căn nhà vách đất, hai gian hai chái, lợp tôn của cụ Lương Thạnh (90 tuổi) ở thôn Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An dựng cách đây 55 năm, nay vẫn còn nguyên vẹn. Cụ Thạnh nhớ chính xác tuổi đời ngôi nhà này vì năm cất nhà cũng là năm vợ ông sinh con gái đầu năm 1960.

 

Bí quyết cất ngôi nhà vách đất trải qua lửa đạn thời chiến tranh không rõ như thế nào nhưng đến nay mầm trĩ bên trong vách nhà vẫn vững chắc. Theo cụ Thạnh, thường thì nhà vách đất hay đổ vách vì mục chân mầm, thế nên khi làm nhà trải lớp đá dăm, sao cho lớp đá cao hơn nền đất khoảng 2 đến 3cm, để khi “băng” (dựng xếp hàng) mầm, gốc cây mầm không chôn xuống lớp đất nền, vì nếu chân mầm chôn dưới nền đất thì đến mùa mưa nền đất ẩm ướt thấm vào nhanh mục. Còn cây mầm nằm trên nền, vách nhà khô ráo mới vững chắc.

 

Cụ Thạnh nhớ lại, để tìm cây mầm làm nhà, cụ vào rừng chặt cây săn trắng, chà rang to bằng cổ tay. Còn trĩ lựa cây tre già da đỏ au, chặt rồi chẻ ra thành nan nhỏ đem ngâm nước dưới bàu rau muống trước nhà, một thời gian ngấm bùn thì mang về. “Cây mầm dựng đứng còn trĩ dùng lạt tre buộc ngang vào cây mầm sau đó trát đất kín vách nhà. Thế nhưng buộc trĩ phải biết cách, hàng trong và hàng ngoài nằm so le để trát đất bịn vào, không rớt xuống”, cụ nói.

 

Cụ Thạnh nhìn lên trần nhà cho hay: “Thời ấy cất nhà “nuột lạt bát cơm”. Thợ mộc làm thủ công, từ đục đẽo cột kèo, buộc lạt mầm trĩ, dầm xìa rồi đến mướn người chẻ hom tre đánh (bện) tấm tranh, công trát vách đất. Dựng xong ngôi nhà vách đất tính ra trên 100 công”.

 

Nhà vách đất cụ Thạnh gói gọn 24m2. Phía trên có trần bằng được phả bằng đất. Để làm trần bằng, trước tiên phải dầm xìa. Đó là cây tre già chặt xong róc mắt, thợ mộc dùng lưỡi chàng, lưỡi bạc tỉ mẩn đục từng chút, từ cây tre tròn thành tấm xìa, sau đó cũng đem ngâm dưới ao nước bùn. Tấm xìa trải trên cây rường rồi phả đất, giống như nhà hiện đại bây giờ đổ bê tông.

 

Cụ Thạnh chỉ lên trần bằng kể, chiến tranh năm 1972, đạn bắn loạn xạ trúng mái nhà lúc đó lợp tranh rớt xuống, nhờ có trần bằng ngăn lại, không lọt xuống nền nên người không trúng đạn, chỉ làm cháy mái, vách nhà còn nguyên. Năm đó chiến tranh ác liệt, xóm này nhà nào cũng bị cháy, chỉ có nhà cụ còn nguyên vách đất và vững chắc đến tận bây giờ. Cũng do lửa đạn chiến tranh làm cháy mái nên phải “lợp đi lợp lại” hai, ba lần, sau đó cụ lợp bằng tôn.

 

Từ đèo Tam Giang qua đèo Quán Cau thuộc xã An Cư dài khoảng 3 cây số có 5 nhà vách đất nằm ở mặt tiền quốc lộ 1 nhưng chỉ có nhà của cụ Thạnh là “kiên cố” nhất.

 

Ngôi nhà vách đất, mái nhà nửa rạ nửa tôn cặp vách với ngôi nhà xây của ông Huỳnh Ngọc Bình ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân nằm cạnh quốc lộ 19C. Sáng, ông Bình vô nhà vách đất lau chùi bộ lư đồng và cho hay, nhà này tồn tại đến nay gần 35 năm. Ngồi nhâm nhi chén trà, ông Bình kể, thời chiến tranh vùng này người dân tản cư khắp nơi, sau ngày đất nước giải phóng họ về quê cũ cất nhà. Hồi đó, cất nhà phải chuẩn bị cột kèo, đòn tay, xiên rượng (rường), đất để trát nhà. Khi ngoài ruộng cày ải, đi làm rẫy về tranh thủ trưa, chiều, tối gánh đất cục về chất đống để dành trước sân. “Gia đình nào kinh tế eo hẹp thì cất nhà nọc ngựa (cột chôn), gia đình có ăn thì cất nhà con sẻ (cột đặt trên hòn đá tảng) nhưng đều trát vách đất. Hồi đó kinh tế khó khăn nhưng cha tôi ráng lai thêm phía sau một mái gọi là chái gãy, chỗ ấy ông đặt bộ bình trà ngồi uống nước”, ông Bình nói.

 

Cái lạ của nhà vách đất là mùa hè mát rượi. Sau này, ông Bình lập gia đình rồi xây nhà kề bên, chỉ cách nhau hàng rào lưới B40, nhưng trưa nắng thì qua nhà cha ông ngủ ké. Cha ông - cụ Huỳnh Châu mất cách nay 3 năm (lúc mất 98 tuổi) - hiện xung quanh ngôi nhà cỏ gấu mọc sát bậc thềm, nhưng vách nhà còn vững chắc. Thi thoảng ông Bình sang lau chùi bàn ghế, thắp hương.

 

VÁCH NHÀ… MỘT MÀU ĐẤT

 

Ông Lê Mô Ngợi (dân tộc Ê Đê) ở thôn Tân Tiến, xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) đang sở hữu “dấu xưa” cặp nhà vách đất, cất theo hình chữ L. Nhà trên cửa chính hướng ra đường, còn nhà bếp nối vào hông nhà trên. Cả 2 nhà tạo thành chữ L.

 

Ông Ngợi cho hay: “Nhà vách đất này dựng cách đây 10 năm, “thiết kế” có hàng ba (nơi lúa sắn thu hoạch về để tạm, sau đó phơi khô đổ bồ). Kề hàng ba là cửa chính và cửa con. Thường thì cửa con mở để ra vào hàng ngày, còn cửa cái thì cài then, chỉ mùng 5 (Tết Đoan Ngọ), Tết Nguyên đán mới mở”.

 

Khác với những ngôi nhà vách đất khác, gia đình ông Ngợi đông con nên ông cất nhà rộng hơn, có phòng lòi. Ông Ngợi đã dựng vợ gả chồng cho 5 người con, bây giờ hai vợ chồng già ở trong gian nhà vách đất rộng rãi.

 

Hiện vách đất nhà ông Ngợi rất vững chắc, ngoài mầm trĩ thì rạ trát nhà là rạ lúa thổ, lúa áo già; cọng rạ to bằng chiếc đũa, dài cả mét, vách nhà chắc bền. Ông Ngợi chia sẻ: “Tôi ở nhà vách đất nên đi đâu thấy nhà vách đất là tôi để ý, xem vách nhà của họ có vững chắc không? Vì vậy, tôi biết từ đây đến các xã Sơn Phước, Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) có thêm 4 nhà vách đất nữa. Riêng xã Sơn Hội có 3 nhà”.

 

Theo hướng dẫn của ông Ngợi, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Yến Hương ở xã Sơn Phước. “Vợ chồng tôi lúc trước ở miền Nam, sau đó đùm túm con cái về đây cất nhà vách đất ở trên 10 năm nay”, bà Hương nói. Theo bà Hương, nhà vách đất mới cất cũng như nhà cũ, từ vách đến nền… một màu đất, chứ không phải nhà xây cao tầng sơn đủ màu, nhà nào mới cất thì màu sơn tươi rói, nhà cũ thì vách đóng rong rêu.

 

Xuôi xuống xã Sơn Nguyên, ngôi nhà bà Nguyễn Thị Thiệt (78 tuổi) cất cũng trên 10 năm. Hiện 2 thế hệ sinh sống, bà và vợ chồng người con trai “ở chung mà làm riêng”. Hàng ngày, vợ chồng người con trai ra sau nhà vùng gò đồi trồng sắn, mía. Tuổi già như bà Thiệt quanh năm suốt tháng không đi đâu xa, bà cất chuồng gà sau vách hậu của nhà vách đất nuôi đàn gà 8 mái, hàng ngày ra sau vãi thức ăn, thúc gà con mau lớn thành gà giò bán kiếm tiền. Bà nói, ngôi nhà này chính tay chồng bà đứng ra cất. Ổng mất để lại “tài sản” là nhà vách đất.

 

Những ngôi nhà vách đất cũ nhưng không gian rộng rãi, phía sau có lãnh rau trồng hành, ngò, xà lách, tỏi… nhú mầm xanh, hương tết Ất Mùi đang tràn ngập.

 

MẠNH HOÀI NAM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sắm ngựa để thồ cây thuê
Thứ Bảy, 27/12/2014 08:51 SA
Lặng lẽ tri ân cuộc đời
Thứ Bảy, 20/12/2014 13:00 CH
Nặng lòng với động duối hoang 100 tuổi
Thứ Bảy, 13/12/2014 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek