Thứ Bảy, 11/01/2025 03:09 SA
Cha mù nuôi con vào đại học
Thứ Bảy, 10/01/2015 14:00 CH

Ông Nguyễn Văn Anh tranh thủ sửa xe đạp kiếm thêm thu nhập - Ảnh: M.H.NAM

Năm nay ông 54 tuổi nhưng có đến 47 năm sống trong tăm tối. Mù nhưng hiện ông là lao động chính trong gia đình, hằng ngày một mình dò dẫm lên rẫy trồng sắn, cắt cỏ nuôi bò, tranh thủ trưa chiều làm thêm nghề sửa xe đạp.

 

MỚI 7 TUỔI PHẢI CHỐNG GẬY

 

Ông là Nguyễn Văn Anh ở khu phố Long An, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân. Năm 7 tuổi, một sáng nọ, đôi mắt ông bỗng dưng đỏ au, miệng sưng vù, đi khám bác sĩ bảo bị đẹn. Sau đó gia đình đã chạy chữa nhiều nơi nhưng vẫn không khỏi.

 

Cụ Lê Thị Sáu (83 tuổi) - mẹ của ông Anh kể: Hồi ấy, trong nhà không còn đồng xu giắt túi, cụ vét thúng lúa cuối cùng trong bồ, dồn được mấy đôi ky sắn gánh đến chợ bán, vay mượn thêm tiền từ dòng họ rồi bồng con vào thẳng bệnh viện Nha Trang. Bác sĩ ở đây kết luận bị di chứng chất độc màu da cam, không thể chữa trị được.

 

Đang học lớp 1 thì bị mù, ông đành phải nghỉ. Tuổi thơ không được rong chơi như chúng bạn trang lứa, suốt ngày ông Anh hết ngồi lại nằm, nằm mỏi thì ngồi bó gối dựa lưng vào vách hậu rồi chống gậy quờ quạng ra sau hè, vòng qua trước sân. Lớn lên chút nữa, ông tự tạo thú vui cho mình: “Có “tật” bị mù lại còn “sinh tật” đờn ca sáo thổi. Ba tôi đi làm rẫy từ sáng đến chiều, tôi ở nhà ca hát suốt ngày, vậy mà không xua tan nỗi buồn”, ông Anh nhớ lại.

 

Suốt một thời gian dài đằng đẵng, ông Anh không bước chân qua khỏi con đường trước nhà. Năm 34 tuổi, có người mai mối bên kia sông Cái (còn gọi là sông Kỳ Lộ), có người con gái 34 tuổi mắc “tật” nói ngọng… chưa chồng, người ta bảo “hai đứa một tuổi, lủi thủi làm ăn”. Ông nhờ người quen đi xe máy chở vòng lên cầu La Hai qua sông Cái đến xóm Gò Cà (xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân). Lần đầu đi xa qua sông duy nhất đó chính là lần đi cưới vợ. Ông Anh nói vui: Tôi mù nhưng có “duyên” và may mắn hơn mọi người ở chỗ, “trâu đi tìm cọc chứ ai cọc đi tìm trâu”. Sau khi mai mối, vợ tôi qua nhà “coi mắt” tôi trước. Hôm sau, ba tôi tổ chức đám cưới, gói gọn “con gà trái bí”. Con gà được chặt to kho mặn, còn bí ngô nấu canh, đặt lên bàn thờ. Vợ chồng đứng giữa, cha mẹ hai bên khấn vái ra mắt ông bà!

 

Nhắc lại hôm đám cưới, ông Anh cười tươi rói: “Đám cưới không có đưa dâu, khi đến nhà vợ làm thủ tục ra mắt rồi từ nhà vợ, tôi được người quen chở đi trước, vợ thì nhờ người thân chạy xe máy đèo theo sau về bên này. Không thấy mặt vợ chỉ nghe tiếng nói, mà lại “nói ngọng”! Thế mà yêu thương từ đó đến giờ”. Vợ ông tên là Trần Thị Chín.

 

Nửa năm đầu ba mẹ cho “ăn chung mà làm riêng”. Nhờ thế, vợ ông làm lụng dành dụm tiền mua xoong nồi, chén đĩa. Bước sang tháng thứ bảy, ba mẹ cho vợ chồng trẻ ăn riêng hẳn. “Lúc đó trong nhà còn 2 bồ lúa cũ, vợ chồng già tôi một bồ, cho vợ chồng con một bồ, vợ chồng nó ở nhà dưới, tự lực cánh sinh”, cụ Sáu góp thêm vào câu chuyện.

 

Cũng từ đó, ông chịu “nối nghiệp” ba đi làm rẫy. Đám rẫy cách xa nhà gần 2 cây số là “gia tài” ba mẹ cho đôi vợ chồng khuyết tật làm vốn. Hằng ngày, vợ dắt ông đi làm, đi riết thành quen, rành bước chân. Hôm nào vợ bận đi chợ hay về quê cũ thăm chơi thì ông tự đi một mình lên rẫy làm cỏ, bón phân. Đến mùa thu hoạch thì dỡ cơm ở lại luôn trưa.

 

Và lên rẫy lao động - Ảnh: M.H.NAM

 

NUÔI CON HỌC ĐẠI HỌC

 

“Nhiều người trong xóm làm nông còn có ngày nghỉ đi ăn đám giỗ, cưới hỏi; còn tui quanh năm suốt tháng hễ buông cáng cuốc là cầm cái liềm, tiếp theo là cà lê mỏ lết, ráng làm nuôi con”, ông Anh giãi bày.

Rẫy sắn của ông rộng gần 1ha, trung bình mỗi năm thu 6 đến 7 tấn sắn khô. Những ngày không lên rẫy, ông ra đồng cắt cỏ vác về nuôi bò, tranh thủ trưa, chiều sửa vá xe đạp cho mấy đứa học sinh, bởi ông nghĩ, “người ta lành lặn sửa máy nổ, quạt điện, ti vi, còn mình tật nguyền… sửa xe đạp”. Từ vá ruột xe đến cân niềng (vành), ông mày mò làm được hết. Nghề sửa xe đạp bỏ túi chỉ là mấy đồng bạc lẻ nhưng cộng với tiền bán sắn, bò, nhờ vậy mà có trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học.

 

Làm chồng, làm cha là trụ cột trong gia đình nhưng bị mù lòa, lao động hăng say đến mấy thì năng suất cũng không bằng người lành lặn, nên kinh tế gia đình nhiều khi túng thiếu. Vợ chồng bàn tính ráng nuôi con học đến lớp 12 rồi thôi. Thế nhưng, con gái lại thi đậu đại học, về năn nỉ ba má cứ cho con đi học, không đủ tiền thì con làm mướn kiếm tiền thêm. “Vợ chồng tui nghe con nói vậy mủi lòng, con học giỏi thì cha mẹ ráng làm, nếu không đủ chu cấp thì vay mượn thêm tiền cho con thỏa ước nguyện”, ông Anh nói.

Từ ngày con gái vào đại học, vợ chồng ông tận dụng đám đất “đầu thừa đuôi thẹo” phía trên nhà cạnh bờ sông trồng cỏ voi nuôi bò. Trước đây mang giỏ ra đồng ngồi “nạo” sát bờ ruộng đúng buổi đầy giỏ cỏ, còn nay bỏ ra 30 phút cắt đầy gánh, bò ăn cả ngày. “Tiếc thay chỗ đang trồng cỏ voi trước nhà là đám đất rộng lớn, mấy năm gần đây bờ sông Cái ăn sâu vào sạt lở gần hết”, ông Anh nói.

 

Rồi ông chuyển sang nấu cháo vỗ béo bò, hàng ngày cắt rau muống, rau lang về nấu trộn ít cám gạo. Bò ăn cỏ buổi trưa, đến chiều được ăn thêm cháo. Nhờ cách nấu cháo vỗ béo bò, mỗi năm ông thu lãi trung bình 8 đến 10 triệu đồng/con.

 

Chiều cuối năm 2013, khi vợ chồng ngồi cắt cỏ phía trong trụ điện gần nhà thì có một thanh niên say rượu chạy xe máy lao thẳng vào. Vợ ông ngã xuống, bất tỉnh. Khi đưa đến bệnh viện thì bác sĩ bảo bà bị gãy chân trái, phải bó bột nằm một chỗ gần 2 tháng. Chồng mù giờ thêm vợ què, nhưng may mắn cho ông là cụ Sáu tuổi già vẫn còn đi chợ nấu cơm giúp được. “Vợ tôi bị tai nạn là “buổi rủi” của gia đình. Coi vậy chứ má lũ nhỏ sức khỏe ốm yếu mà làm nông gấp đôi tôi. Nhưng từ khi vợ bị tai nạn ngồi ở nhà, tôi trở thành lao động chính, hàng ngày đảm nhận công việc “3 trong 1” của nhà nông, một mình lầm lũi làm rẫy, nuôi bò, sửa xe”, ông Anh thủ thỉ trong nụ cười lạc quan.

 

Con gái đầu của ông Anh là Nguyễn Thị Ánh Tuyết, đang học năm thứ hai tại Trường đại học Phú Yên. Đứa thứ hai là Nguyễn Thị Ngọc Hân, hiện đang học lớp 8, Trường THCS Phan Lưu Thanh, thị trấn La Hai. “Gia đình được Nhà nước trợ cấp một tháng 360.000 đồng, mới được tăng chứ trước đây chỉ 180.000 đồng. Có bao nhiêu mừng bấy nhiêu, con cái học giỏi là mừng lắm rồi”, ông phấn khởi cho hay.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sắm ngựa để thồ cây thuê
Thứ Bảy, 27/12/2014 08:51 SA
Lặng lẽ tri ân cuộc đời
Thứ Bảy, 20/12/2014 13:00 CH
Nặng lòng với động duối hoang 100 tuổi
Thứ Bảy, 13/12/2014 13:00 CH
Lên đỉnh làng Đồng
Thứ Bảy, 29/11/2014 13:00 CH
Mưu sinh trong mùa mưa
Thứ Bảy, 15/11/2014 10:02 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek