Thứ Bảy, 11/01/2025 03:19 SA
Đưa sản vật của đất quê đi muôn nẻo
Thứ Bảy, 17/01/2015 14:00 CH

Diễn viên điện ảnh Johnny Trí Nguyễn mua quà tại hiệu Đặc sản Thanh Liêm (TP Quy Nhơn) - Ảnh: H.PHIÊN

Xứ Bắc Nẫu Bình Định vốn có nhiều của lạ, món ngon kết tinh từ nắng mưa tảo tần của đất và người. Đặc sản phong phú từ rừng đến biển nhưng làm sao để “ăn xong rồi mua đi” với sự tiện lợi và niềm tin tuyệt đối? Chỉ trong 3 năm, một đôi vợ chồng U40 ở TP Quy Nhơn đã cơ bản trả lời câu hỏi hóc búa này giữa thời ẩm thực “@”.

 

“Cái “độc” của những người làm thương hiệu Thanh Liêm là khát vọng “xốc nách” các sản phẩm ẩm thực truyền thống của Bình Định. Bên cạnh đó, sự cam kết tiêu chuẩn chất lượng và chú trọng quảng bá bằng các kênh truyền thông hiện đại. Với cái tâm thành với đặc sản quê hương, vợ chồng nhà Thanh Liêm đã gửi cả hồn huyết của mình trong từng món quà đặc sản đất Võ. Bản thân tôi cảm kích và mong nơi này sẽ ngày càng lớn mạnh từ chính cái tâm trong từng sản phẩm ăn uống. Bởi chuyện kinh doanh đồ ăn thức uống bây giờ mà thiếu chữ tâm thì… không biết đường nào mà lần! Từ câu chuyện của vợ chồng xây thương hiệu đặc sản Thanh Liêm, tôi cảm nghiệm thêm và tự trả lời phần nào nhận định: dù phong ba gian khó, đất Bình Định vẫn luôn xuất hiện nhiều tỉ phú, nhà kinh doanh thành đạt” (Nhà thơ, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Mừng).

LẤY CHỒNG BÌNH ĐỊNH “HỔNG” DÀI ĐƯỜNG ĐI

 

“Muốn ăn bánh ít lá gai/ Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi”. Chị Cao Thị Thanh Liêm, chủ thương hiệu đặc sản Bình Định - Thanh Liêm, đọc câu ca dao này để nói về nguyên do bỏ công sức làm thương hiệu đặc sản quê mình. Theo chị, nhiều món đặc sản đất Võ đã hội đủ yếu tố “một lần không quên” trong tâm thức bao người sành điệu. Thế nhưng giữa lúc “người người, nhà nhà” bung ra kinh doanh đặc sản, thì sự lựa chọn của du khách lại càng thêm phần đắn đo. Việc mạnh ai nấy làm, bán được thứ gì hay thứ đó, dẫn đến sự “mất cân đối” của nhiều đặc sản. Ví như, rượu Bàu Đá được bày la liệt dọc đường, nhưng món bánh ít lá gai thì đang mai một dần ở nhiều làng nghề, chỉ quanh quẩn trong mấy ngày giỗ chạp, lễ tết… Một số hộ làng nghề thì nghĩ “mình nổi tiếng thì người ta tự đến”…

 

Cùng với sự lời khuyên của chồng là anh Nguyễn Phạm Kiên Trung - người nhiều năm gắn bó với nghề du lịch, chị Liêm quyết tâm “bày trận” xoay quanh ý tưởng: “chọn giúp” quà đặc sản cho du khách, người tiêu dùng. Thế rồi đầu năm 2011, vợ chồng chị lạch cạch xe máy đi thăm hỏi, khảo sát dọc dài các ngõ ngách từng hộ làng nghề ẩm thực truyền thống đất Bình Định. Với nguyên tắc ngon nhưng phải sạch, kết hợp với sự bảo chứng của cơ quan chuyên môn, anh chị chỉ chọn ký hợp đồng trực tiếp 1 đến 2 hộ sản xuất ở mỗi làng nghề đặc sản. Đây là những hộ có năng lực, tâm huyết với việc phát huy giá trị của đặc sản quê nhà.

 

Ông Lê Quang Tâm (ở xóm Bàu Đá, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn) chủ thương hiệu rượu Bàu Đá Tâm Hường, rất tâm đắc khi rượu bổn nhà là nơi duy nhất được Thanh Liêm chọn bán. Ông bày tỏ: “Thời gian đầu, tôi cảm thấy “đường nét” anh chị Thanh Liêm “đi” là đúng nhưng vất vả quá! Vợ chồng tôi luôn hướng đến việc làm rượu Bàu Đá theo quy trình truyền thống, đảm bảo độ tinh khiết, thơm ngon nhất. Thế nhưng để phát triển đi xa thì nhiều hộ làng nghề ở đây “bí rị”. Tôi rất vui khi vợ chồng anh Trung đề nghị mua rượu nhà tôi với giá “ngon” và hai bên đã cam kết là sản phẩm phải chưng cất đúng quy cách, tuyệt đối hợp vệ sinh, không dùng nguyên liệu dỏm…”.

 

Với sự thẩm định của nhiều cơ quan chuyên môn, Tâm Hường luôn tuyển lựa nguyên liệu sản vật địa phương loại tốt nhất (dù giá thành cao) để nấu 3 loại rượu Bàu Đá: gạo, nếp và đậu xanh. Trong đó, lò rượu Tâm Hường chỉ sử dụng loại men truyền thống được sản xuất tại An Nhơn, tuyệt đối “nói không” với các loại men Trung Quốc (đang góp làm “hạ giá” các làng rượu truyền thống ở Việt Nam). Ngoài ra, nguồn nước và quy trình chưng cất rượu tại Tâm Hường luôn được kiểm nghiệm vệ sinh một cách bài bản. Theo ông Tâm, đó là sự cam kết “cùng sống, cùng chết” của nghề sản xuất và bán sản phẩm ẩm thực giữa lúc thị trường “rối như canh hẹ” hiện nay.

 

“Đây là một “cú bắt tay” rất ý nghĩa, bởi lâu nay, các cơ quan chức năng chỉ mới “khuyến nông, khuyến công”, chứ chưa thực sự có “khuyến thương”. Làng nghề sản xuất ra nhiều hàng mà không bán được thì… dẹp cho khỏe! Thế nên có người “tư duy ngược” như anh chị Thanh Liêm là điều thật đáng quý”, ông Tâm nói.

 

SẢN VẬT QUÊ, TIÊU CHUẨN “QUỐC GIA”

 

Tìm được nơi sản xuất “ngon - lạ - sạch”, vợ chồng Liêm - Trung nghĩ đến chuyện phải bao bì mẫu mã sao cho gọn, tiện lợi nhất cho khách mua đặc sản mang đi. Ví như, chiếc bánh tráng nước dừa Tam Quan luôn có kích thước khá cồng kềnh, anh chị đã đề nghị hộ làng nghề phải “thu gọn” khổ bánh lại bằng cỡ lòng bàn tay. Cũng đặc sản từ Tam Quan, Thanh Liêm đã thiết kế mẫu mã những hộp bánh hồng, mứt dừa, mứt nghệ… nhỏ gọn, bắt mắt. Rồi chia nhỏ những can rượu Bàu Đá “ngút ngàn” thành những chai lọ xinh xắn, kín chắc, dễ dàng “bỏ túi” mang đi. Anh chị còn bàn bạc với một số hộ làng nghề đầu tư máy móc để thay đổi cách đóng gói, đảm bảo vệ sinh, nâng thời gian bảo quản. Nhờ đó, nhiều hộ làng nghề giờ đã bỏ hẳn thói quen đóng gói bằng cách “bì nilon hơ đèn dầu”…

 

Bánh ít lá gai Bình Định mang thương hiệu Thanh Liêm - Ảnh: H.PHIÊN

 

Bằng kinh nghiệm hơn 20 năm làm nghề du lịch, anh Trung đã hỗ trợ đắc lực công việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm cho “bà chủ” Thanh Liêm. Theo anh Trung, đã dốc vốn xây dựng cơ ngơi kinh doanh thì rất kẹt vốn để quảng bá. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Thế nhưng, anh chị quyết tâm vay vốn bạn bè, ngân hàng, tận dụng các mối quan hệ quen biết để xây dựng website giới thiệu sản phẩm, liên kết với những trang mạng mạnh về bán hàng, thanh toán trực tuyến… “Nước chảy, đá mòn”, đặc sản thương hiệu Thanh Liêm đã dần quen rồi trở nên thân thuộc với nhiều vùng miền trong nước và vươn đến hàng chục quốc gia trên thế giới.

 

Chị Liêm tâm sự: “Cái khó của những ngày đầu thì không thể kể xiết! Ví như, do “nói không” với chất bảo quản nên bánh ít lá gai luôn có hạn sử dụng trong 4-5 ngày. Ban đầu, do chưa biết được sức mua, nên phải thường xuyên “cắn răng” đổ bỏ. Đó là nguyên tắc kinh doanh hàng ăn uống. Nếu tiếc của mà bán hàng ôi, hàng kém chất lượng thì không thể “lớn” được. Thời gian đó, vợ chồng tôi động viên nhau kiên trì liên kết với hộ sản xuất để giữ chất lượng, số lượng hàng giới thiệu, rồi kết hợp quảng bá, lắng nghe nhu cầu khách hàng. Thêm nhiều người tin cậy thì uy tín thương hiệu của mình dần nâng lên…”.

 

Bà Văn Thanh Hòa (quê An Nhơn - Bình Định, Việt kiều tại Mỹ) cho hay: “Chẳng có gì đắt đỏ khi mua miếng quà, tấm bánh từ quê nhà. Quan trọng là làm sao mua được đồ đúng chất các hộ đặc sản làng nghề. Và sản phẩm ăn uống thì phải hợp vệ sinh, “nói không” với những chất phụ gia độc hại. Trước đây, mỗi lần mua quà đặc sản, tôi phải chạy mua nơi này một món, nơi kia một món. Nay thì tiện lợi, khi đến Thanh Liêm là tin tưởng, có đủ. Đó là cái mới, tôi thấy cần phát huy”.

 

VỢ CHỒNG “NGỰA PHI” ĐƯỜNG XA

 

“Phải vừa học, vừa làm. Khổ khó lắm nhưng đã “lên ngựa” thì phải “phi”. Nhu cầu của khách hàng, thị trường ngày càng rộng mở nhưng lại khắt khe về chất lượng, dịch vụ. Phải làm sao đóng thùng hàng đặc sản cho đảm bảo, chuyển nhanh nhất đến tận tay khách hàng ở cách Quy Nhơn hàng ngàn cây số? Thế là cơ sở, nhân lực phải liên tục đầu tư mở rộng để đáp ứng”, anh Trung nói.

 

Đến nay, Thanh Liêm đã ký kết nhập sản phẩm của trên 50 hộ làng nghề, cùng với hàng chục nhân công làm dịch vụ tại Quy Nhơn. Từ cơ sở nhỏ hẹp ban đầu, vợ chồng chị Liêm vừa chuyển sang mặt bằng 128 đường Chương Dương (TP Quy Nhơn) để thêm điều kiện trưng bày, giao dịch, đóng gói sản phẩm phục vụ khách hàng. Từng bước, từng bước chỉn chu, đến nay, Thanh Liêm đang cung ứng ổn định đến khách hàng gần 30 mặt hàng đặc sản Bình Định. Đó là: bánh ít lá gai, bánh tráng nước dừa, bánh hồng Tam Quan, tré bò, nem chợ Huyện, rượu Bàu Đá, dầu dừa tinh khiết, mứt dừa, mứt nghệ, bún song thằn… và đang tiếp tục “âm mưu” một số món khác.

 

“Chúng tôi mong muốn khách hàng sẽ nhớ lâu hương vị của các đặc sản xứ Nẫu Bình Định. Thế nên Thanh Liêm không một chút lơi lỏng từ khâu kiểm nghiệm sản xuất đến dịch vụ cung ứng. Chúng tôi cố gắng từng ngày, bởi kinh doanh đặc sản ẩm thực không hề dễ dàng chút nào…”, chị Liêm nói.

 

TUẤN HÙNG PHIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cha mù nuôi con vào đại học
Thứ Bảy, 10/01/2015 14:00 CH
Sắm ngựa để thồ cây thuê
Thứ Bảy, 27/12/2014 08:51 SA
Lặng lẽ tri ân cuộc đời
Thứ Bảy, 20/12/2014 13:00 CH
Nặng lòng với động duối hoang 100 tuổi
Thứ Bảy, 13/12/2014 13:00 CH
Lên đỉnh làng Đồng
Thứ Bảy, 29/11/2014 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek