Thứ Hai, 25/11/2024 22:53 CH
“Không xa đâu Trường Sa ơi!”
Thứ Sáu, 11/05/2007 15:05 CH

10 giờ sáng, đúng như đã hẹn, thượng tá Nguyễn Tuý, Phó phòng Tuyên huấn Binh chủng Hải quân đi xe “uoát” đến đón tôi tại cổng Vùng 4 Hải quân (thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà) rồi đưa thẳng đến tàu HQ996 đậu sẵn  ở cầu cảng, bố trí chỗ  nghỉ, ăn ở.

 

RỜI ĐẤT LIỀN

 

070511-mit-tinh-Tr-Sa.jpg

Cột mốc chủ quyền

Sau bữa cơm trưa do Ban Chỉ huy Vùng 4 Hải quân chiêu đãi, trong buổi họp đoàn được tổ chức vào 14 giờ chiều, tôi được biết đoàn đi Trường Sa lần này ngoài thủy thủ đoàn và bộ phận phục vụ, có trên 200 người, trong đó 135 là khách mời. Trưởng đoàn công tác là Trung tướng Bùi Văn Huấn, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Huyền, Phó Chính uỷ Binh chủng Hải quân làm Phó trưởng đoàn. Các thiếu tướng Lê Anh Chiến (Học viện Quốc phòng), Nguyễn Tuấn Dũng (Quân đoàn 3), Mai Ngọc Linh ( Binh chủng Công binh), Nguyễn Tiến Bình ( Học viện Quân y) cùng nhiều sĩ quan, cán bộ cấp cao trong và ngoài Quân đội cũng tham gia chuyến đi này. Đây là một trong năm đoàn ra thăm cán bộ chiến sĩ và nhân dân Trường Sa trong tháng tư.

 

17 giờ, lễ tiễn đoàn được tổ chức trang trọng theo nghi lễ của Binh chủng Hải quân ngay tại cầu cảng. 30 phút sau, tàu nhổ neo bắt đầu cuộc hải trình dự kiến kéo dài trong 9 ngày đêm.

 

ĐÂY RỒI TRƯỜNG SA!

 

Đất liền cứ xa dần, xa dần rồi mất hút trong bóng đêm.

 

Cơm chiều xong, mọi người kéo nhau lên boong để ngắm trăng lên.

 

-Tàu đang chạy với tốc độ 6,5 hải lý/giờ. Thuyền trưởng HQ966, thiếu tá Lê Hải Sơn nói: Ra khỏi vịnh tàu sẽ chạy với tốc độ nhanh hơn, khoảng 10 hải lý/giờ. Điểm đầu tiên tàu đưa đoàn đến  là đảo Trường Sa Lớn.

 

Tôi xem đồng hồ đã 20 giờ. Nghĩa là tàu đã chạy hơn 2 tiếng, cách đất liền khoảng 15-16 hải lý. Sóng điện thoại di động chỉ còn một, hai giọt rồi mất hẳn.

 

Tháng tư là tháng biển hiền hoà nhất trong năm, vì vậy con tàu cứ ung dung, nhẹ nhàng tiến về phía khơi xa. Nhưng về khuya, gió Tây bỗng thổi mạnh, tàu cũng tăng tốc nên bắt đầu lắc lư. Nằm ở boong khách dưới tôi nghe rất rõ tiếng va của sóng vào thân tàu.

 

Đêm đầu tiên trên con tàu HQ996 qua thật nhanh. Khi nghe tiếng loa ồm ồm: “Đoàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu!”, giật mình thức dậy đã thấy rất nhiều người ùa lên boong trên. Bình minh  giữa mênh mông trên biển cả không biết đâu là bờ thật thú vị. Lựa chọn góc độ, tôi bấm lia lịa liền mấy kiểu ảnh. Đây là lần đầu tiên tôi chụp ảnh bình minh trên biển, không biết chất lượng sẽ ra sao!

 

Trưởng đoàn công tác, trung tướng Bùi Văn Huấn cũng lên boong ngắm bình minh và tập thể dục buổi sáng. Ông chủ động hỏi chuyện, đặc sệt giọng Nam Bộ:

 

-Chú ở đơn vị nào?

 

-Dạ, thưa thủ trưởng, Báo Phú Yên ạ! Tôi trả lời.

 

-Đi Trường Sa lần nào chưa?

 

-Dạ đây là lần đầu tiên!

 

-Cực nhưng mà thú vị phải không? Đi chuyến này, quan sát, ghi chép cho thật  nhiều về tuyên truyền thật tốt nghen!

 

Không phải chỉ có tôi là người lần đầu được ra Trường Sa mà phần lớn thành viên trên tàu đều thế. Vì vậy ai cũng háo hức, nóng lòng chờ đợi giây phút được đặt chân lên Trường Sa. Nhiều người, trong đó có tôi, cảm thấy khó ngủ trong đêm tiếp theo khi biết rằng sáng sớm mai tàu sẽ cập cảng.

 

Sáng 5 tháng 4, không đợi đoàn tàu báo thức, mới 4 giờ hơn, nhiều người đã đỏ ra boong.  Và giây phút chờ đợi cuối cùng cũng đến. Sau 36 giờ vượt hơn 250 hải lý, dưới ánh bình minh đảo Trường Sa Lớn hiện ra trước mặt. Mọi người cùng ồ lên “Trường Sa đây rồi!”

 

VUI KHÔNG TẢ ĐƯỢC!

 

Đảo trưởng Trường Sa Lớn có cái tên thật ấn tượng: Nguyễn Đại Dương. Cái tên do cha mẹ đặt cho lúc anh chào đời ở vùng quê kinh Bắc, như báo trước cuộc đời anh sẽ gắn với biển cả, với đại dương mênh mông. Có mặt  đón đoàn tại cầu cảng cùng với đông đảo cán bộ, chiến sĩ và quân dân huyện đảo Trường Sa từ lúc 4 giờ sáng, thượng tá Nguyễn Đại Dương mừng vui thổ lộ: “Đảo đã chuẩn bị đón  thủ trưởng và đoàn công tác từ nhiều ngày qua. Nghe tin đoàn ra, mấy hôm rồi nhiều anh em thao thức không ngủ được. Ai cũng mong nhận được thư nhà và chuẩn bị năm bảy lá thư để nhờ chuyển về đất liền cho gia đình, người thân”. Trung uý Nguyễn Xuân Trường đang làm nhiệm vụ trực ban nội vụ, bày tỏ: “Được các thủ trưởng và đoàn ra thăm đảo, tụi em vui lắm anh ạ! Vui không tả được!”. Chủ nhà thì như thế, còn khách cũng vui không kém. Chưa gặp nhau lần nào nhưng tất cả đều như người thân lâu ngày gặp lại. Ai cũng cười, nói, hỏi thăm nhau hết điều này đến điều khác. Người nhận được nhiều thư, nhiều quà thì vui nhiều. Nhưng những người nhận ít hơn cũng vui không kém. Bởi nói như anh em lính đảo: “Thư riêng của mẹ của em/ Thư chung của đảo dán lên báo tường”. Các chiến sĩ và ca sĩ trẻ (của Trường đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội, đi theo đoàn) còn tranh thủ trao nhau những dòng địa chỉ.

 

KHÔNG XA ĐÂU TRƯỜNG SA ƠI!

 

070511-trong-cay-luu-niem-t.jpg

Chuẩn đô đốc Trần Thanh Huyền trồng cây lưu niệm tại đảo Trường Sa

Nằm ở vị trí 080 38’25" vĩ độ Bắc, 111055’00"kinh độ Đông, phía Nam quần đảo Trường Sa, cách bờ biển Cam Ranh (Khánh Hoà) khoảng 254 hải lý,  đảo nổi Trường Sa Lớn có vị trí chiến lược đặc biệt về chính trị,  kinh tế, quân sự. Đảo có hình dáng gần như một tam giác vuông có cạnh huyền nằm theo hướng  Đông Bắc- Tây Nam. Nằm trên nền san hô ngập nước, tưởng sẽ cằn khô như núi cháy nhưng không, đảo rất xanh. Bên cạnh các loại cây đặc thù như phong ba, bão táp, bàng vuông trên đảo còn có nhiều cây được đem ra từ đất liền như bàng, nhàu, phi lao cũng đang lên xanh tốt. Rau xanh thì có rau muống, cải, mồng tơi, bạc hà, đay… Ngay các loại ở đất liền như mướp, đu đủ… cũng có mặt. Đây là một kỳ công của những người lính đảo. Trung tá Tạ Trung Đức, Chính trị viên, cho biết: Đất, phân vi sinh, giống cây được chở từ đất liền được cán bộ chiến sĩ  tổ chức gieo trồng thường xuyên theo quy trình và cách chăm sóc đặc biệt. Nhờ vậy, trung bình, hàng năm đảo thu hoạch  khoảng 10 tấn rau xanh các loại và 4 tấn thịt gia súc gia cầm, đủ cho bộ đội cải thiện quanh năm.

 

Trường Sa có hai mùa: khô và mưa. Mùa khô từ tháng 2 đến tháng 5.  Còn mùa mưa từ tháng 5 đến tháng giêng năm sau. Đặc biệt, trong mùa khô, từ 4 giờ 30 đến 19 giờ nắng nóng rất oi bức. Tuy nhiên, nhờ có vô số cây xanh trên đảo nên ai cũng cảm thấy mát mẻ, dễ chịu. Trong bữa cơm trưa có một không hai trong đời, có rau xanh, cá tươi và… thịt chó dưới tán lá bàng vuông trước sở chỉ huy đơn vị, cách trụ sở UBND huyện Trường Sa chừng vài chục mét, tôi được nghe những người lính đảo và những người dân nói về vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc nằm giữa đại dương mênh mông.

 

Cùng với giải phóng miền Nam, giải phóng quần đảo Trường Sa, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết… 9 giờ sáng ngày 29/4/1975, phân đội chiến đấu của trung đoàn đặc công Hải quân 126 và Quân khu 5 đưa quân đổ bộ vào giải phóng đảo Trường Sa, đảo cuối cùng trong quần đảo Trường Sa, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau ngày được giải phóng, trong thời kỳ bao cấp, mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng trước yêu cầu, tính chất của nhiệm vụ bảo vệ đảo, quân và dân Trường Sa đã nỗ lực vượt qua, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thời gian sau, nhất là từ khi cầu cảng hoàn thành (năm 1994), hàng hoá, lương thực, thực phẩm… đưa ra đảo được thuận tiện hơn. Nhiều công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng, phục vụ dân sinh, như sân bay, trạm điện thoại qua vệ tinh, trạm khí tượng thuỷ văn, trạm thu phát sóng truyền hình VTV1,VTV3, trạm thu phát sóng FM… lần lượt được khởi công xây dựng, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội và nhân dân trên đảo. “Không chỉ có các đoàn khách ra thăm, mà vào những tháng mùa khô, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là các tỉnh ven biển miền Trung như Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi… ra đánh bắt, quan hệ với quân dân Trường Sa, làm cho đảo xa và đất liền ngày càng gần nhau hơn”, trung tá Tạ Trung Đức tâm sự.

 

Đêm chia tay Trường Sa Lớn là một đêm văn nghệ cũng có một không hai. Không sân khấu, không đèn màu, chỉ có tiếng đàn, lời ca hoà với âm thanh của sóng biển mà không tài nào dứt được. Ai cũng hát từ chính trái tim mình và không hề có khoảng cách giữa người hát và người nghe. Hoa tặng là những cành phong ba, bão táp trắng như hoa sữa-loài hoa chỉ có ở Trường Sa-và cả hoa phong lan tuyệt đẹp và hoa… cải. Mãi đến khi tiếng loa trên tàu ồm ồm vang lên: “Để đến đảo tiếp theo đúng giờ…” đêm giao lưu văn nghệ mới kết thúc trong lời ca  lưu luyến: “Không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em .” 

 

23 giờ, tàu HQ 996 nhổ neo, rẽ sóng hướng về đảo Đá Tây- điểm đến tiếp theo của hải trình- dưới trăng bàng bạc.

 

XUÂN HIẾU

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Huỳnh Long, một đời võ thuật
Thứ Tư, 09/05/2007 07:00 SA
Mong đổi đời ở chốn hoang vu
Thứ Hai, 07/05/2007 07:30 SA
Người giữ hồn cồng chiêng
Thứ Hai, 30/04/2007 07:00 SA
Lính trẻ ở Trường Sa
Thứ Bảy, 21/04/2007 13:29 CH
Truyền nhân Hùng Kê quyền
Thứ Sáu, 20/04/2007 15:50 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek