Cuối tháng 5 vừa rồi, trong chuyến đi thăm và công tác tại huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), bên cạnh niềm vui lớn vì được trải nghiệm, cảm nhận, hiểu hơn về cuộc sống đời thường của cán bộ, chiến sĩ và cư dân nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, nhiều con dân đất liền Phú Yên còn có thêm niềm hạnh phúc thứ hai. Đó là được thấy, được nghe và gặp lại những hình bóng thân thương của quê nhà giữa trùng trùng điệp điệp một màu xanh bao la của biển trời vô tận…
Bên cột mốc chủ quyền đảo Thuyền Chài C (huyện đảo Trường Sa), Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc hỏi thăm sức khỏe chiến sĩ quê Phú Yên đang công tác tại đảo - Ảnh: T.BÍCH |
VỮNG VÀNG LÍNH ĐẢO QUÊ MÌNH
Trong chuyến công tác gần 1 tháng tại huyện đảo Trường Sa vào cuối năm 2013, nhà báo, nhà nhiếp ảnh Trần Quỳ (Chánh văn phòng Hội Văn học - Nghệ thuật Phú Yên) đã được gặp con trai út Trần Hà Thái Quân là chiến sĩ radar đang phục vụ tại đảo Nam Yết. Giữa trời nước Trường Sa chập chùng sóng vỗ, cha con ôm nhau mà mừng đến nghẹn ngào. Cuộc hạnh ngộ hy hữu này đã được các nhà báo đi cùng thực hiện phóng sự, phát trên chương trình truyền hình Quốc phòng Việt Nam và VTV1. |
Sáng 31/5, từ tàu HQ 561 của Bộ Tư lệnh Hải quân, ca nô đưa đoàn công tác của tỉnh Phú Yên và một số tỉnh bạn vào đảo chìm Đá Lát. Tôi cởi áo phao ra chưa biết đặt chỗ nào thì một chiến sĩ trẻ bước tới, cất giọng rặt tiếng nẫu: Chú đưa đây con xếp lại cho! - Hình như con quê Phú Yên hả? - Dạ, con ở Tuy An mà. Nghe vậy, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Tuy An Phạm Sơn Hải bước tới, ôm chặt đứa cháu cùng quê trong nỗi xúc động: Chứng kiến cảnh anh Hải hỏi thăm sức khỏe và tình hình công tác, sinh hoạt của cậu lính, anh Chẩu Xuân Oanh, Bí thư Huyện ủy Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) cũng không giấu được sự bồi hồi. Anh nói: Thật không có gì hạnh phúc bằng khi ra tận nơi biên viễn của Tổ quốc mà gặp được người đồng hương. Tôi hy vọng trong chuyến đi lần này sẽ gặp được cán bộ, chiến sĩ quê hương cách mạng Tân Trào phục vụ trên các đảo. Rồi anh choàng tay qua cậu lính, nhờ tôi chụp ảnh lưu niệm. Qua trò chuyện, cậu lính cho biết tên Phạm Đăng Tuấn, quê ở thôn 6, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, hiện là Khẩu đội trưởng của đơn vị. Tuấn kể: Hồi mới ra đây, con và mấy đứa bạn nhớ nhà lắm. Nhưng được sự giáo dục, quan tâm của chỉ huy, rồi công việc huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tuần tra canh gác hàng ngày cứ cuốn vào, thành ra riết rồi quen dần. Bây giờ liên lạc với đất liền cũng thuận lợi nên công chuyện, tin tức ở gia đình ra sao, tụi con đều thường xuyên nắm được. Hơn nữa, cha mẹ, anh em, người thân hay động viên nên càng yên tâm, hăng say công tác. Hơn 9 tháng ở đây, đảo nay đã trở thành ngôi nhà chung mà người lính Hải quân tụi con phải hết sức bảo vệ, chú à! Thượng úy Vũ Đức Quỳnh, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát, nhận xét: Là cán bộ trẻ nhưng Tuấn rất có trách nhiệm trong công việc, luôn gương mẫu, đi đầu và lãnh đạo khẩu đội hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Đến thăm các đảo, cụm đảo phía nam và tây nam của quần đảo Trường Sa mấy ngày sau đó, tôi mới biết có hàng chục cán bộ, chiến sĩ chính hiệu hoặc là con rể của Phú Yên đang công tác ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc này. Trong đó, chỉ riêng đảo Trường Sa Lớn đã có đến 7 người quê TP Tuy Hòa và huyện Tây Hòa, thuộc các quân chủng, binh chủng của Bộ Quốc phòng. Mỗi người một nhiệm vụ nhưng nét chung nhất là các sĩ quan, sĩ quan chuyên nghiệp, chiến sĩ trẻ đã qua đào tạo bài bản và luôn nhiệt tình phấn đấu trong công tác, được cấp trên, đồng đội và nhân dân tin yêu, quý mến. Tiêu biểu như đại úy, thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Thanh Bình, quê ở thôn Phú Thuận, xã Hòa Mỹ Đông, (huyện Tây Hòa), hiện là Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa Lớn. Không những lãnh đạo đơn vị thực hiện tốt việc bảo vệ, giữ gìn sức khỏe cho quân dân trên đảo và ngư dân, anh còn trực tiếp tham gia các ca mổ khẩn cấp, kịp thời cứu sống sinh mạng nhiều người. Mới đây, trong lúc đi công tác tại Trường Sa Lớn, một cán bộ của Vùng 4 Hải quân bị viêm ruột thừa cấp rất nguy kịch, sau quá trình hội chẩn giữa đảo và đất liền, vào lúc 11 giờ ngày 19/7, Quân y viện 175 (TP Hồ Chí Minh) đã chỉ đạo thực hiện ca mổ ruột thừa cấp cứu trực tuyến với Bệnh xá Trường Sa Lớn mà người mổ là bác sĩ Huỳnh Thanh Bình cùng với sự trợ giúp của 4 y bác sĩ khác. Nhờ vậy, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Trước đó, vào tối 11/6, các y, bác sĩ Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn và Quân y viện 175 cũng đã mổ trực tuyến cứu sống hạ sĩ Trần Văn Giáp đang làm nhiệm vụ trên tàu HQ 935 bị viêm ruột thừa cấp. Từ đầu năm đến nay, Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn đã mổ 22 ca ngoại khoa, trong đó có 4 ca ruột thừa cho 3 cán bộ, chiến sĩ và 1 ngư dân. Nói về vấn đề chăm sóc sức khỏe, khám và chữa bệnh nơi đảo xa, đại úy Huỳnh Thanh Bình chia sẻ: “Những năm gần đây, bệnh xá được đầu tư phòng phẫu thuật, các thiết bị chẩn đoán và điều trị như máy siêu âm, máy chụp X-quang, máy điện tim.., nên việc khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ngày càng kịp thời, đạt kết quả tốt hơn. Còn trách nhiệm của thầy thuốc chúng tôi là phải làm hết sức để cứu người”. Vì thế mà Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn lâu nay đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ, người dân trên các đảo và cả những ngư dân đánh bắt ở ngư trường truyền thống Trường Sa nếu chẳng may gặp nạn giữa đại dương.
Tàu cá Phú Yên bên đảo Thuyền Chài C (ảnh chụp từ tàu HQ 561) - Ảnh: T.BÍCH |
THÂN THƯƠNG TÀU CÁ NƠI BIỂN XA
Sáng 3/6, chúng tôi thăm đảo chìm Thuyền Chài C. Trong khi tôi đang lúi húi, loay hoay chụp ảnh thì Phó bí thư Tỉnh đoàn Phan Xuân Hạnh gọi khẩn cấp: - Chú ơi, tới ngay, tới ngay! Có tàu của Phú Yên mình ở đây!
Tôi chạy lên căn phòng nằm ngay sau hội trường, được Hạnh chỉ cho thấy một tàu cá cắm lá cờ đỏ sao vàng bay phất phới đang neo đậu cách đảo khoảng 300m. Nhìn qua kính tiềm vọng của đảo, Hạnh cho biết số hiệu của tàu cá là PY96373-TS. Chưa tin, tôi nhòm vào kính, đúng là chính gốc tàu của quê mình rồi! Cùng có mặt lúc đó, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên Biện Minh Tâm lập tức bấm máy điện về cơ quan ở TP Tuy Hòa xác minh và biết được chủ tàu cá này là chị Võ Thị Trúc, hiện ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa). Qua liên lạc, chị Trúc cho biết tàu cá do anh Nguyễn Văn Hữu làm thuyền trưởng với 11 thuyền viên. Ngay sau đó, chị Trúc cung cấp cho Giám đốc Sở NN-PTNT số điện thoại của thuyền trưởng Hữu và từ đó, xuất lộ các thông tin thú vị. Trong sóng điện thoại chập chờn giữa biển Đông bao la, anh Hữu cho biết tàu cá PY96373-TS rời Tuy Hòa đã 10 ngày để trực chỉ Trường Sa nhưng chưa gặp luồng cá thì hết nước ngọt. Vì thế, tàu quay về đảo Thuyền Chài C để xin nước của các anh bộ đội, xong lại tiếp tục đi đánh bắt. Anh Hữu phấn khởi nói: Các anh bộ đội ở đây tốt lắm, ngư dân tụi tui có gì cần thì các anh giúp đỡ ngay, nhờ vậy mà yên tâm bám biển làm ăn!
Theo thượng úy Trần Văn Phúc, Chỉ huy trưởng đảo Thuyền Chài C, nhiều năm nay, ngư dân các tỉnh (trong đó có Phú Yên) đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, khi có việc gì cần như thiếu nước uống, thuốc chữa bệnh, cấp cứu đột xuất… thì hay ghé vào các đảo nổi, đảo chìm nhờ hỗ trợ. Những lúc đó, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo luôn nhiệt tình tạo điều kiện tốt nhất cho bà con.
Giữa Trường Sa trời nước mênh mông cách đất liền hàng ngàn hải lý, trong cái thăm thẳm tưởng như vô tận của đại dương, bất ngờ gặp tàu cá của người quê mình bất chấp mọi thiên tai, nhân tai mà gắn bó với biển để mưu sinh, chúng tôi nhìn nhau mà trong lòng trào dâng cảm xúc khó tả. Anh Biện Minh Tâm rưng rưng nói: Ngư dân xứ ta là vậy đấy, cứ chí thú và cần mẫn làm ăn bởi vì biết bên cạnh còn có hậu phương nghĩa tình, còn có các anh bộ đội Hải quân sẵn sàng cưu mang những khi gặp khó khăn, nguy hiểm giữa trùng khơi. Đây còn là lực lượng nòng cốt để xây dựng thế trận lòng dân, góp phần tham gia bảo vệ quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của đất mẹ…
THẠCH BÍCH