Chủ Nhật, 24/11/2024 10:27 SA
Đi qua những con đường chiến lược:
Bài 1: Trục “xương sống”, động lực phát triển miền núi
Thứ Năm, 08/08/2013 08:00 SA

Trục giao thông phía tây của tỉnh không những đang mở ra hướng phát triển mang tính đột phá cho các huyện miền núi mà còn là đòn bẩy phát triển kinh tế, gắn kết sự phát triển của các vùng giáp ranh Bình Định, Đắk Lắk.

 

di-qua130808.jpg

Chợ Trà Kê, trung tâm của xã Sơn Hội, Cà Lúi, Phước Tân (Sơn Hòa) được xây dựng khang trang, phục vụ nhu cầu mua bán của người dân - Ảnh: P.NAM

BỨC TRANH KINH TẾ SỐNG ĐỘNG

 

Vượt hàng chục cây số đường nhựa được trải thảm từ xã Xuân Phước (Đồng Xuân) đến xã Sơn Hội (Sơn Hòa), chúng tôi tận mắt chứng kiến sự đổi thay của các khu dân cư ven đường, thể hiện rõ nét trên từng nóc nhà còn thơm mùi ngói đỏ và vị ngọt của những rẫy mía xanh ngát. Trước đây, dốc Đứng, gần ranh giới giữa huyện Sơn Hòa và Đồng Xuân được xem là đoạn đường “đau khổ”, còn đèo Trà Kê thuộc xã Sơn Hội được cánh lái xe cho là nguy hiểm, gian nan nhất trên toàn tuyến bởi đường quanh co, đá lởm chởm vào mùa hè, sình lún trơn trượt vào mùa mưa. Nay đoạn đường này được thảm bê tông xi măng và nhựa phẳng lỳ với hai bên là màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng cao su và sắn, mía. Trên đường đi, chúng tôi gặp không ít bà con điều khiển những chiếc xe tay ga trị giá hàng chục triệu đồng. Còn nhớ không lâu trước đây, đời sống đồng bào người dân tộc vùng này khá cơ cực. Bên lề đường, hay tại các ngã ba, ngã tư, những chiếc xe tải xếp hàng chờ nông dân bốc mía, sắn để kịp chuyển về các nhà máy trước khi mặt trời lặn.

 

Cách đây vài năm, chợ trung tâm cụm xã Sơn Hội được xây dựng hàng tỉ đồng nhưng gần như bị bỏ hoang, từng được xem như “điển hình” của sự đầu tư lãng phí do đường sá đi lại khó khăn, nay trở nên sầm uất với nhiều mặt hàng được bày bán không thua kém gì các chợ ở vùng đồng bằng. Một tiểu thương bán ở chợ này cho biết, đường sá tốt nên xe chở hàng hóa lên xuống liên tục hàng ngày, nhờ vậy mà giá các mặt hàng không cao nhiều so với các nơi khác.

 

Không những làm “sống lại” các chợ miền núi, tại các trung tâm cụm xã trên toàn tuyến giao thông phía tây của tỉnh, hoạt động kinh doanh và cuộc sống của người dân cũng trở nên sống động. Nhiều nơi, người dân mở tiệm vàng, cửa hiệu buôn bán mô tô và kinh doanh xăng dầu. Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hội Phạm Anh Tân phấn khởi nói: “Trục giao thông phía tây không những là “xương sống”, đòn bẩy phát triển kinh tế cho các xã miền núi, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao lưu về văn hóa giữa các vùng miền, các dân tộc và nâng cao trình độ dân trí. Đây còn là động lực quan trọng giúp các địa phương thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội”.

 

Nằm trên tuyến, hoạt động giao thương, sản xuất của người dân các xã Xuân Quang 3 và Xuân Phước (Đồng Xuân) với các xã lân cận và đồng bằng thông qua các đường nhánh nối quốc lộ 1 với trục giao thông phía tây cũng trở nên tấp nập nhờ những chuyến xe ngược xuôi chở đầy hàng hóa và nông sản. Tại trung tâm các xã này, bên cạnh san sát các cửa hiệu, hàng quán, những ngôi nhà hai, ba tầng cũng mọc lên hai bên đường. “Cuộc sống đang dần đổi thay trên vùng đất này. Rõ nhất là từ khi thông tuyến, giá đất bắt đầu tăng. Nhiều lô đất có giá trị từ 100 đến 200 triệu đồng. Ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, chúng tôi đã tính đến phương án sớm quy hoạch, mở rộng chợ trung tâm để đáp ứng nhu cầu mua bán ngày càng cao của người dân”, ông Lâm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3 phấn khởi chia sẻ niềm vui với chúng tôi.

 

SỨC SỐNG MỚI Ở VÙNG GIÁP RANH

 

Rời xã Xuân Quang 3, theo trục giao thông phía tây, chúng tôi dễ dàng vượt chặng đường hơn 20km qua thị trấn La Hai và xã Xuân Long đến xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân), nơi giáp ranh với huyện Vân Canh (Bình Định) mất chưa đầy 30 phút. Dọc hai bên đường, từng tốp người đầu đội nón, tay cầm cuốc cần mẫn vun xới chăm sóc mía và sắn, trung tâm xã Xuân Lãnh nằm ngay trên trục giao thông phía tây phát triển khá nhanh so với 5 năm trước đây. Tuy không nhộn nhịp như ở thành phố nhưng hoạt động kinh doanh, mua bán ở vùng giáp ranh này diễn ra khá nhộn nhịp. Một chủ quán giải khát khoe: Đường rộng, thông suốt đã mở ra hướng phát triển mới cho người dân Xuân Lãnh và cả huyện Vân Canh (Bình Định). Từ khi có con đường này, mật độ xe vận chuyển hàng hóa, nông sản không chỉ ở TP Tuy Hòa mà cả các tỉnh Bình Định, Gia Lai lưu thông nhiều hơn, diễn ra cả ngày lẫn đêm.

 

Tiếp tục chuyến hành trình đến huyện Vân Canh (Bình Định), trong lúc dò hỏi đường, chúng tôi gặp và trò chuyện với anh Nguyễn Quang Xuân ở thôn Lãnh Tú, xã Xuân Lãnh. Anh cho biết: “Tôi trồng 4ha mía, mới thu hoạch hơn 140 tấn, trừ chi phí còn lãi gần 100 triệu đồng. Đường thông thoáng, chi phí vận chuyển nông sản giảm từ 30.000 đến 50.000 đồng/chuyến xe so với các năm trước. Năm nay, tôi quyết định đầu tư trồng thêm 2ha sắn, nếu giá cả ổn định sẽ cho thu nhập cao”.

 

Bắt chuyện với một nhóm người đang nghỉ chân tại cột mốc phân ranh giới giữa huyện Đồng Xuân và huyện Vân Canh chúng tôi được biết, họ trên đường từ TX An Khê (Gia Lai) xuống xã Sơn Hội để chặt mía thuê. Anh Nguyễn Hoàng Thịnh, quê ở xã Hòa Quang, huyện Phú Hòa lên TX An Khê lập nghiệp đã hơn 30 năm cho biết, mùa màng trên Gia Lai gần kết thúc, chúng tôi xuống xã Sơn Hội chặt, bốc mía thuê với thu nhập khoảng 200.000 đồng/người/ngày.

 

Chia tay anh Thịnh, ngược thêm khoảng 5km là đến thôn Canh Phước, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh. Theo quan sát của chúng tôi, nếu so với xã Xuân Lãnh của huyện Đồng Xuân, thì Canh Hòa thua hẳn về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên đất sản xuất tại đây khá bằng phẳng, người dân chủ yếu trồng cây sắn bán cho Nhà máy tinh bột sắn huyện Đồng Xuân. Đang cùng một nhóm người xới đất trên rẫy sắn mới trồng ngay sát đường, nghỉ tay lấy chiếc mũ lau mồ hôi nhễ nhại trên trán, anh La O Thực (26 tuổi) tâm sự: “Thôn Canh Phước gần như 100% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là Ba Na. Tôi mới lập gia đình, trồng được 5 sào sắn và trên 1ha rừng keo hơn năm tuổi. Đường láng bóng, hàng ngày bà con thường đi chợ Xuân Lãnh, chứ lên chợ huyện Vân Canh thì xa quá! Nay vận chuyển nông sản và gỗ dễ dàng hơn nên bà con mạnh dạn mở rộng diện tích đất sản xuất và trồng rừng kinh tế, hy vọng sẽ đổi đời trong nay mai”.

Trở về thị trấn La Hai khi mặt trời sắp ẩn sau dãy núi phía tây, chúng tôi gặp Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Võ Cao Phi và được ông cho hay, huyện đang đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thị trấn La Hai, phấn đấu đạt đô thị loại IV vào năm 2015 và đến năm 2025 trở thành đô thị loại III, đồng thời từng bước hình thành các thị tứ xã Xuân Sơn Nam, Xuân Phước và Xuân Lãnh. Trong đó, riêng khu vực xã Xuân Lãnh sẽ trở thành thị tứ đạt tiêu chí đô thị loại V vào năm 2020 và trở thành thị trấn vào năm 2025. Như lời Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc nói, trục giao thông phía tây đáp ứng nguyện vọng tha thiết của người dân miền núi; thông thương hàng hóa với các tỉnh lân cận, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản của nhân dân. Thông qua các trục đường ngang như quốc lộ 25, quốc lộ 29 và đường cứu hộ, cứu nạn, tránh lũ Tuy An - Sơn Hòa…, trục giao thông phía tây kết nối thông thoáng với đường ven biển, góp phần hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong tỉnh và các vùng lân cận.

 

Trong Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Phú Yên đến năm 2025, trục đô thị hóa theo hành lang phát triển Bắc - Nam ở phía Tây (trục giao thông phía tây: ĐT641, đường cầu Mới La Hai, ĐT642, ĐT643, ĐT646, ĐT649) gồm các thị trấn Xuân Lãnh, La Hai, Xuân Phước, Vân Hòa, Trà Kê - Sơn Hội, Hai Riêng và TX Sơn Hòa.

 

Bài cuối: Đường ven biển, mở ra “cánh cửa vàng” trong khu vực

 

PHƯƠNG NAM - ANH KIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài cuối: Đường đêm Tuy Hòa
Thứ Hai, 05/08/2013 14:00 CH
Bài 2: Câu đêm trên biển Hòa
Chủ Nhật, 04/08/2013 14:00 CH
Bài 1: Chợ đêm Tuy Hòa
Thứ Bảy, 03/08/2013 14:00 CH
Ký sự Malaysia
Thứ Bảy, 20/07/2013 14:00 CH
Bài cuối: Chợ đêm Tuy Hòa, tại sao không?
Chủ Nhật, 14/07/2013 08:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek