Thứ Hai, 30/09/2024 22:28 CH
Đi bẫy heo rừng
Thứ Bảy, 17/02/2007 08:17 SA

Những hố sâu đào thẳng xuống lòng đất. Những cái bẫy hình vòng cung hoặc chữ V cài đặt sẵn trên các triền đồi, triền núi sẵn sàng chờ những con heo rừng không may mắn để cung cấp "đặc sản" cho các nhà hàng được giăng ra đã làm cho đời sống của loài động vật hoang dã này ngày càng hẹp lại.

 

070218-di-bay.jpg

Nghỉ ngơi chuẩn bị lên Hòn Cồ bẫy heo  – Ảnh: SV

 

2 NĂM,  BẪY 100 HEO RỪNG!

 

Đối với ông Lê Xuân Cẩn (ở xã An Xuân, huyện Tuy An), dù đã hơn 50 năm qua nhưng ký ức về ba lần bắt được 100 con heo rừng bằng hầm  trong những năm 1955-1956 vẫn còn nguyên vẹn. Câu chuyện ly kỳ ấy có thực ở một vùng heo hút giữa rừng sâu trên đất núi An Xuân.

 

Ngày  đó, ông là Trưởng Công an xã nên thường chứng kiến cảnh heo rừng ở những vùng núi phía tây Phú Yên (Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân, An Xuân hiện nay) về phá hoa màu của người dân và lực lượng vũ trang đang tăng gia sản xuất. Nhìn những rẫy sắn, bắp sắp vào mùa thu hoạch chỉ qua một đêm đã bị đàn  heo rừng ngoạm sạch  chỉ còn trơ lại gốc, ông ăn ngủ không yên. Sau mấy đêm trăn trở suy nghĩ, bàn bạc với đồng đội, phương án duy nhất được chọn là đào hầm vừa tiện lợi, lại vừa hiệu quả.

 

Đó là những ngày đầu tháng 3/1955, 50 công tập trung đào 2 hầm  có chiều ngang 3 m, chiều dài 4m, sâu 4m, ngay trong rẫy sắn. Phía trên có nắp hầm, gác một ít cây mục và phủ lá lên, xung quanh rẫy rào kín mít. Chỉ chừa duy nhất một con đường độc đạo để heo rừng chui vào và  đi ngang qua miệng hầm. Công việc hoàn tất, chỉ còn chờ ngày… heo rớt xuống!

 

Một ngày… ba ngày… bốn ngày, đi thăm hầm, ông  không thấy con heo nào cả! Trong khi đó, đàn heo hung dữ tiếp tục kéo đến khoắng sạch hoa màu ở nơi khác. Đến ngày thứ năm, khi đi ra thăm hầm, ông và mọi người vô cùng vui mừng khi phát hiện 27 con heo đủ kích cỡ đang nằm  la liệt dưới đó!

 

Sau đợt chia “chiến lợi phẩm” ấy, tình trạng heo rừng phá phách hoa màu có giảm đi đáng kể. Tuy nhiên,  đến cuối năm,  chúng lại tiếp tục xuất hiện,  cắn phá. Ông Cẩn lại dùng hầm để bẫy. Lần thứ hai là… 31 con. Cứ vậy, trong 2 năm ông bắt được khoảng trên dưới 100 con heo rừng.

“Ngày ấy rừng núi hoang vu, thú nhiều vô kể, heo rừng, nai, cheo… luôn đi  không chỉ một con mà là cả đàn.  Ngày ấy,  bắt được thú thì chia cho dân cùng ăn! Bây giờ, săn bắt bừa bãi đã làm cho thú rừng ngày một khan hiếm đi…” - ông nói như vậy khi tiễn tôi ra cửa.

 

ĐI BẪY HEO RỪNG!

 

070218-heo-rung-1.jpg

Hai chú heo rừng bị dính bẫy

Qua giới thiệu của một người bà con, tôi được anh Sáu Hùng (huyện Phú Hoà) đồng ý cho theo  đặt bẫy heo rừng, với điều kiện  là không được đem theo máy ghi âm, máy ảnh. Trước khi đi, anh Hùng dặn kỹ: Heo rừng nhát người nhưng rất hung dữ. Chúng sẵn sàng đánh nhau với bất kỳ đối thủ nào. Đặc điểm để nhận dạng là thân suông, tai mõm nhọn, lông màu đen hoặc nâu sậm, lông cổ dài và dày, di chuyển linh hoạt, trong lượng đạt 35 kg (con cái), 50 kg (con đực). Mỗi năm, chúng đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 4-10 con.

 

Anh Hùng là thợ săn chuyên nghiệp nay sử dụng súng thì dễ bị “tóm” nên chuyển qua hình thức gài bẫy. Ấn tượng “nghề nghiệp” lớn nhất là  cuối năm 2003, anh bẫy được một con heo rừng đực khá lớn. Mặc dù bị thương nặng nhưng nó vẫn  lồng lộn không chịu khuất phục. Để hạ nó anh phải nhận một vết thương dài gần 3 cm sâu hoắm nơi cổ tay phải…

 

Theo anh Hùng, hiện có ba cách để bẫy heo rừng. Thứ  nhất là bẫy bằng dây cáp. Đó là dùng một đoạn dây cáp, đào một lỗ sâu khoảng 20 cm, rồi phủ lá lên. Nếu heo rừng đi ngang qua, vướng vào dây thì sẽ bị siết chặt, mỗi cái bẫy như thế tốn khoảng 20.000 đồng. Loại thứ hai là  bẫy lò xo, giá 50.000 đồng/cái. Thứ ba là dùng lưới ni lông, mỗi tấm lưới giá 800.000 đồng/40m. Tuy nhiên, dùng lưới phải cần nhiều người, lại ít hiệu quả. Còn bẫy lò xo khó mua nên đại đa số giới dân săn bắt thú rừng đều chuộng dùng dây cáp.

 

Anh cũng cho biết thêm: Không phải ai cũng có thể bẫy heo rừng được. Ngoài kinh nghiệm lâu năm, còn phải có “duyên” trong nghề mới có thể kiếm ăn thành công. Chỉ cần dính heo, khiêng về tới nhà, “alô” là đầu nậu đến lấy ngay. Với giá bình quân 100.000 đồng/kg hơi, chỉ cần trúng một con khoảng 30 kg thì  đã kiếm được 3 triệu đồng. So với làm nông thì  đây là nguồn thu nhập khá.

 

Anh dẫn tôi vào một cánh rừng thuộc khu vực Hòn Cồ (xã An Thọ, huyện Tuy An), chỉ cho thấy những cái bẫy hình vòng cung hoặc hình chữ V đã cài đặt sẵn trên các triền đồi, triền núi sẵn sàng chờ heo rừng đi qua. Anh dặn: Cẩn thận nghe! Coi chừng heo không dính mà mình bị thương đó!

 

THỊT HEO RỪNG VỀ PHO!

 

070218-heo-rung.jpg

Lực lượng kiểm lâm thu giữ heo rừng vận chuyển trái phép – Ảnh: ĐK

Quan niệm “ăn thịt heo rừng để lấy may” đã khiến heo rừng đắt giá trong ngày Tết. Thường ngày tết có giá 200-400.000 đồng/kg, tăng từ 3-5 lần so với thường ngày. Không chỉ ở miền núi, nơi tập kết heo rừng về xuôi, mà ngay cả ở thành phố, thịt heo rừng cũng được bày bán một cách công khai!

 

Tại chợ trung tâm TP Tuy Hòa, dọc đường Ngô Quyền, trong vòng chưa đầy chục mét các năm trước từ mùng 2 đã có đến 5-7 người bán thịt heo rừng. Không cần sự giới thiệu của chủ hàng, chỉ cần nhìn qua miếng thịt có màu trắng, không mỡ, da dày và gốc lông có 3 chấu thì người mua sành đã biết đấy là thịt heo rừng.

 

Ông Năm Đông, ở huyện Sơn Hòa - một đầu nậu buôn bán thú rừng có thâm niên - khẳng định: Có cầu thì phải có cung! Bên cạnh đó, tâm lý của người dân thường chuộng thịt rừng đầu năm, thậm chí sẵn sàng trả giá cao nên trước Tết, chúng tôi thường hay trữ  hàng lại, chờ dịp  là bung ra bán. Cũng theo ông Năm Đông thì những buổi buôn bán như thế chỉ diễn ra trong vòng hai giờ đồng hồ thì hết sạch thịt.

 

Không biết sau khi ăn thịt heo rừng, các gia chủ có gặp may mắn hay không? Chỉ biết rằng, dấu chân heo rừng ngày càng thưa thớt dần trên đại ngàn xa thẳm...

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ký sự Bắc Kinh
Thứ Năm, 22/02/2007 07:14 SA
Chọi chim ngày Tết
Thứ Năm, 15/02/2007 09:26 SA
Người làm hồi sinh vùng đất khát
Thứ Tư, 14/02/2007 09:44 SA
Lao đao với tôm hùm
Thứ Hai, 12/02/2007 14:00 CH
Tình người vượt đại dương
Thứ Hai, 05/02/2007 14:00 CH
Nuôi động vật rừng ở nhà
Chủ Nhật, 04/02/2007 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek