Những ngày cuối năm, quán cà phê nhỏ trong khuôn viên Thư viện Hải Phú (TP Tuy Hòa) xuất hiện một thú chơi lạ, chọi chim!
Các chủ chim đang chọn đối thủ để sắp xếp trận đấu – Ảnh: L.KHA
ĐẤU CHIM
Hai chiếc lồng son để cập vào nhau, điểm tiếp xúc là hai chiếc cửa lồng. Hai chú chim đang mải mê hót bỗng bay lên đâm sầm vào thành lồng, cố mổ sang phía bên kia. Hai cửa lồng được kéo lên, một trong hai chú nhanh hơn lao ngay vào “sân khách”, một cuộc thư hùng nổ ra. Hai con chim chích choè lửa lao vào nhau, móng vuốt của chúng nếu so với thân hình mảnh dẻ thì khá dài, bấm vào bụng và “gù” (móng vuốt ghìm chặt lấy khuỷu chân đối phương) nhau; mỏ thì mổ vào bất cứ nơi nào trên thân đối phương. Một người xem chọi chim nói: “Coi chim khoái hơn đá gà nhiều!”. Người xung quanh thì mặc sức ra kèo, món tiền thách kèo có lúc lên đến mấy trăm nghìn đồng.
Hai chú chim đẹp đẽ cứ quần thảo nhau, hồi sau chúng mệt lả ghìm lấy nhau nằm bẹp dưới sàn lồng. Sau một hồi nghỉ ngơi lại vùng dậy mà gù, mà mổ. Một trong hai chủ chim cho biết, con chim này vừa mới bị đá gãy chân từ tháng trước nên “phong độ” đã giảm sút và chưa lấy lại “cảm giác tác chiến”!
Thông thường, một trận chọi chim chỉ diễn ra trong vòng vài phút. Nhưng cũng có khi trận đấu kéo dài tới một tiếng rưỡi đồng hồ, đó là những con chim chọi thật sự. Chim nào thua chỉ biết bay trối chết quanh lồng, nhưng thực tế nhiều con “thà chết vinh còn hơn sống nhục!” nên chỉ được ra ngoài bằng bàn tay của chủ. Có con, khi kết thúc trận đấu thì thương tích đầy mình…
Kết thúc trận chìa vôi lửa, một cặp lồng chìa vôi than được áp sát vào nhau. Một trận đấu khác lại bắt đầu…!
“LUYỆN CÔNG” CHO CHIM
Một “lão làng” trong giới chơi chim ở TP Tuy Hòa thổ lộ với tôi, vào những ngày giữa thu, chim chích choè bắt đầu sung sức, chúng hót rất hay và cũng dễ đá nhau nhất. Từ khoảng thời gian này đến sau Tết Nguyên đán 2 – 3 tháng, tiếng của chim chích choè hay nhất trong năm, vậy nên người chơi chim trong thời gian này hầu như ngày nào cũng bỏ một khoảng thời gian ngắn trong ngày để thưởng thức.
Chích choè là tên gọi dân gian của chim chìa vôi. Có hai loại chìa vôi: than và lửa. Chim chìa vôi than có lông đầu và thân, lưng đen tuyền, lông bụng màu trắng, đuôi đen nhiều hơn trắng, cánh thì xen lẫn trắng - đen. Chìa vôi lửa có lông cổ đen tuyền, lông thân có màu vàng đỏ rất đặc trưng (đỏ hơn màu vàng cam nhưng chưa đạt tới màu đỏ), lông đuôi chìa vôi lửa có màu đen bên trên và màu trắng tinh phía dưới; bên trên phần nối giữa thân mình và đuôi có một chòm lông trắng lớn rất đẹp.
Tùy vào từng người chơi mà sở thích nghiêng về chích choè than hay chích choè lửa. Hai loại này có những đặc trưng rất riêng. Chích choè lửa có màu sặc sỡ và thân hình mảnh dẻ, đầu thon, mắt tròn to, mỏ dài, đuôi dài bằng thân. Chích choè than có thân hình cục mịch hơn, nhìn bề ngoài xấu hơn nhiều. Nhưng khi nghe chúng hót, có lẽ người ta dựa vào đó để cho biết chúng là anh em gần với nhau vì giọng hót không khác nhau nhiều.
Trước đây, người chơi chim thú nhất loại khướu. Loại chim này có thân hình khá đẹp, to khoẻ, và tiếng hót cũng khoẻ. Quan trọng hơn, chúng hót được nhiều thứ tiếng và nhiều khúc hót khác nhau, có con còn nói được na ná tiếng người. Sau người chơi chim chơi sáo, vẹt, cưỡng… để dạy chúng nói tiếng người. Vào những năm 1990, người chơi chim đất Tuy Hoà rộ lên phong trào chơi chào mào. Ngoài vì tiếng hót khá hay, chào mào cũng là loại đá nhau siêu hạng. Bây giờ, vòng cả TP Tuy Hoà, những loại chim này hiện được nuôi rất ít, chỉ có chích chòe được nuôi nhiều.
Chìa vôi lửa không khoẻ mạnh bằng chìa vôi than nên khi đá, thì than với than mà lửa thì với lửa. Sau mỗi trận đấu, chim được đưa ra một khay đựng nước có chụp lồng, vào đó mặc sức vùng vẫy, tắm táp. Nhìn chim tắm cũng là cái thú của người chơi chim. Để nuôi được một con chim chích choè chọi được cũng là kỳ công.
Dân chơi chim chích choè ở rải rác khắp thành phố Tuy Hoà. Những nơi kinh doanh chim hoặc nuôi nhiều chim để bán cà phê là khu vực đường Hùng Vương phía gần bờ sông Đà Rằng, đầu đường Lê Lợi… Riêng quán cà phê sân Thư viện Hải Phú là nơi tập trung người chơi chim mỗi sáng. Ở đây có đủ thành phần, từ anh làm nghề tự do, chạy xe thồ, ông chủ nuôi tôm hùm hàng trăm lồng…
Người chơi chim sành điệu cũng không nhận biết chim hay, dở từ đầu mà phải qua thử thách thực tế mới chọn ra được. Có khi chim nhìn rất đẹp, lông mượt, dài, móng vuốt đều đẹp nhưng không hay; ngược lại, có chú trông xuềnh xoàng nhưng lại cực kỳ “ác chiến”. Chích choè cũng hơi… chảnh, hay bị cảm, khẹt khẹt và ho. Để chữa cho chúng cũng phải dùng tới Tây y.
Để luyện chim đá, người nuôi dùng một cái gối nhỏ bỏ vào lồng. Chích choè theo đó mặc sức mà đâm, gù, mổ. “Công phu” này cũng cần thời gian khá dài. Chim chọi hay thường sau 1 năm tuổi. Trong suốt thời gian đó, chim được ăn sâu sống do người nuôi hoặc đi bắt về, chăm sóc chu đáo và được “luyện công”.
* * *
Nếu không chú trọng đến chuyện đá chim đến thắng thua độ, hoặc để chim đá đến mức tàn sát nhau thì thú chơi chim tựa thú chơi cây cảnh giúp con người ta kiên nhẫn chăm chút nên hiền lành, nhạy cảm hơn trong cuộc sống.
LY KHA