Thứ Ba, 08/10/2024 11:42 SA
Bóng đá Việt Nam:
Tìm một con đường
Thứ Năm, 13/12/2012 07:54 SA

Ngày mọi người náo nức làm bóng đá chuyên nghiệp, câu nói cửa miệng của những nhà làm bóng đá là “Cứ đi rồi thành đường”. Bây giờ thì chính những nhà làm bóng đá lại lò dò tìm đường, hay nói đúng hơn là tìm một lối ra trong mớ bòng bong rối rắm như hiện nay.

bong-2121213.jpg

Sau bầu Kiên (phải), bầu Thụy tiếp tục buông dần mặt trận bóng đá

GIÁ TRỊ THỰC CỦA MỘT CẦU THỦ VÀ CỦA CLB

Cấp CLB, cách làm bóng đá của nhiều ông chủ khác với cách làm kinh tế của một tập đoàn hay một xí nghiệp. Sự cạnh tranh lấy tiếng, hoặc “tức nhau tiếng gáy” đã khiến nhiều ông bầu đua tiền mà bất chấp giá trị thực của bóng đá. Rõ nhất là kỷ lục 1 tỉ đồng khi Trường Giang chuyển từ Tiền Giang về Bình Dương năm 2002, chỉ 9 năm sau đã thành 12 tỉ cho lần chuyển nhượng “bắt” trung vệ Phước Tứ về Sài Gòn XT. Chưa kể còn có những khoản chi rất đậm theo kiểu “đóng kín cửa” để trốn thuế có lúc vượt khung đến trên 15 tỉ.

Nỗi khổ của bóng đá Việt Nam là sống trong hào quang ảo với thước đo đồng tiền mà không xác định được giá trị thực của nó. Thậm chí đến lúc nhiều ông bầu hoạn nạn, khánh kiệt, họ cũng không nhận ra rằng đâu là giá trị thật của một đội bóng và lâu nay thứ họ bỏ tiền ra mua chỉ là chạy theo cái danh với vỏ bọc chuyên nghiệp.

Bây giờ rất nhiều ông chủ xua đội bóng đi với suy nghĩ gỡ được đồng nào hay đồng đó. Như NaviBank SG sau 3 năm tồn tại giờ là tài khoản rỗng và xóa sổ. Hay K. Khánh Hòa với truyền thống 36 năm từ khi còn mang cái tên Phú Khánh nay phải bán tháo cho Hải Phòng và các cầu thủ phải ra Hải Phòng làm nghĩa vụ cho đối tác để hợp thức hóa một cái tên được chuyển vùng…

Giá trị thực của một CLB giờ đang đánh đu với số phận trước mùa giải mới. Một mùa giải mà những nhà tổ chức đang cố vá víu để có đủ 12 đội mà không ai dám đảm bảo rằng 12 đội bóng đó sẽ về đích đủ ở cuối mùa; khi mà chính những ông chủ đội bóng không dám đảm bảo số phận và sự tồn tại của đội tính theo đơn vị là ngày.

ĐẾN GIÁ TRỊ CỦA ĐỘI TUYỂN

Nói đến một đội tuyển thường thì ít ai dám định nghĩa về giá trị bởi đó là một đội bóng đại diện cho một quốc gia và là bộ mặt tiêu biểu… Thế mà bây giờ nhiều người đã dám đặt ra chỉ số âm (-) để nói đến giá trị của một đội tuyển sau khi vỡ ra hàng loạt ung nhọt ở AFF Cup 2012.

Cầu thủ không chơi hết mình, điểm rơi không đúng, thầy trò có những bất đồng, ban huấn luyện ngồi sai chỗ, trưởng đoàn mất tiếng nói và mất cả chỗ ở khu kỹ thuật… Tất cả đã nói lên một đội tuyển xộc xệch. Điều mà trước đó ai cũng bị đánh lừa bởi đội tuyển đã được khéo léo bọc bởi những mỹ từ cùng những hứa hẹn rất ngọt ngào.

Bản thân HLV Phan Thanh Hùng dù làm báo cáo rất dài và nói vào những vấn đề then chốt nhưng chắc chắn bản thân ông cũng không thể hiểu tại sao lại thua bạc nhược đến thế và việc cầu thủ không hợp tác, đội tuyển sa sút là vì họ muốn gì?

Thực tế thì đổ lỗi cho cầu thủ chỉ là một cái nhìn phiến diện bởi cầu thủ là người trực tiếp tạo ra sản phẩm tồi ở một giải đấu. Nhưng chỉ nghe lý giải của ban huấn luyện thì quá bất công và chưa đủ bởi đội bóng là một tập thể mà chắc chắn trong tập thể ấy không phải ai cũng muốn phá bỏ.

Ở đây khi đề cập đến niềm tin của người hâm mộ, có lẽ cũng cần nhìn sâu hơn đến niềm tin mà cầu thủ tin vào cấp trên, tin vào ban huấn luyện.

Tôi cho rằng giá trị thấp nhất của đội tuyển chính là niềm tin của từng cá nhân với nhau và một khi không còn sự tin tưởng thì giá trị tinh thần sẽ rớt xuống đến số âm (-).

VỠ RA SAU THẤT BẠI NHƯNG LIỆU CÓ AI MUỐN CẢI TỔ?

Những ngày qua, dư luận cùng những nhà chuyên môn rất mệt mỏi quanh những phương án chữa cháy như đề xuất để U22 đá V-League cùng với mùa giải 2013 không xuống hạng… Thực chất thì đó chỉ là những tiểu tiết quanh việc chữa cháy. Cùng với việc các ông bầu bỏ đội bóng và thất bại của AFF Cup 2012 là điều cần thiết. Nó cần bởi đã chỉ ra giá trị thật mà những nhà làm bóng đá cần phải biết đang ở đâu và làm gì.

Có một sự thật là những nhà làm bóng đá Việt Nam trong quá trình xây dựng đội bóng đã nghĩ đến ê kíp, đến cái ghế của mình nhiều hơn nên càng về sau trong các nhiệm kỳ, việc loại bỏ những người tài, có tâm huyết rất nhiều. Một bộ máy liên đoàn mạnh phải là bộ máy tập hợp tất cả thành phần và nguồn nhân lực của xã hội.

Bóng đá Việt Nam thời gian qua lại hay chạy theo xu hướng ê kíp nên lộ ra sự kiện người ngoài bộ máy và có chuyên môn thì chỉ bị trích rất nhiều, còn người trong bộ máy thì miễn sao giữ được cái ghế và phần chia đầy đủ.

Đồng tiền tác động vào cầu thủ quá nhiều nên đánh mất nhiều yếu tố tinh thần và điều đó cũng hằn vào cấp quản lý. Xét cho cùng thì đó cũng là hình ảnh phản chiếu của các ông bầu làm bóng đá vì tiền nhiều hơn là cái tâm của người hết lòng và hết mình với bóng đá.

Một cuộc cải tổ rất cần thiết nhưng nếu cuộc cải tổ ấy chỉ quanh quẩn VFF với nhau và gần hơn là Tổng cục TDTT khều vào thì sẽ không thể là cuộc cải tổ đúng đắn. Hy vọng sẽ có cuộc cải tổ nghiêm túc và đúng đắn bắt đầu từ việc xác định đúng giá trị thật của mình.

(24h)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek