Người ta thường nói: Mắt là cửa sổ tâm hồn. Xem ra, cửa sổ ấy thường không đóng, cứ thông thống, ai nhìn vào cũng thấy. Thấy gì? Thấy lổn nhổn nào hỉ, nộ, ái, ố, dục, lạc lấp lánh phát sáng nơi ấy. Cửa sổ ấy thật đáng yêu. Ừ, ngay cả đáng ghét, cũng thật đáng yêu! Nhưng, nếu cửa sổ ấy mà ráo hoảnh, vô hồn, trống trơn, lạnh băng, không có chất người… lại thật đáng sợ! Tại sao? Tại vì nơi cửa sổ ấy, hoa hồng và dao găm đều là dụng cụ đặt cạnh nhau, có thể là chồng lên nhau; thiện ác không là cái gì, chỉ vướng chân; ghét thương vô hiệu, ăn năn thêm phiền… Đó là cửa sổ cho một viên đạn chực bay, là một lỗ chiếu môn ngắm trúng đích. Gặp loại cửa sổ “súng” ấy, phải tránh xa trước khi chủ nó bóp cò!
Ảnh: Kim Sa
Cũng có loại cửa sổ trông cũng đẹp: “Trang trọng và yên tĩnh với một ánh chớp trong đôi mắt” (Victor Hugo) nhưng cũng thật phiền. Đó là loại cửa sổ nhử mồi cao đẳng không khinh thường con mồi cao đẳng. “Ánh sáng đôi mắt tôi, chính là cái nhìn của tôi. Dầu vậy, mắt tôi mờ vào ban đêm” (Hafiz). Tôi ưa loại cửa sổ bình dân này hơn. Thật sự, trong đêm tối đen, mọi cửa sổ phải mờ!
Cửa sổ bình dị và đẹp nhất trần gian là cửa sổ trẻ thơ. Nơi ấy trong sáng lắm, chân thật lắm và thật người. Người? Đúng. Người “gin” không phải ngợm! Thế nên, rất dễ vỡ, phải bảo quản, đừng cho mù tội nghiệp.
Hôm qua, tôi bóc trái bưởi năm roi cho cháu ngoại. Nhìn “cửa sổ tâm hồn” của nó đáng yêu quá. Trong cái cửa sổ ấy, ông ngoại nó đã biến mất trên đời, chỉ còn lại mỗi trái bưởi tồn tại! Chưa bóc xong trái bưởi, cửa sổ ấy đã xơi khẳm trái bưởi rồi. Trước cửa sổ tròn trĩnh ấy, cho dù bụng có thèm miếng bưởi năm roi, cũng phải đành nhịn. Rán chịu nhịn thèm, đâu có chết ai, nhưng lại sướng ai đấy chứ! Loại cửa sổ tuyệt diệu này, nhiều lắm, nhiều đến bát ngát càn khôn. Thì ra, cuộc đời này vẫn âm thầm vươn lên là nhờ vậy, là vì vậy…
NGÔ PHAN LƯU