Thời tiểu học, tôi chỉ biết cây cau qua chuyện “Sự tích trầu cau”. Nơi tôi ở là một vùng quê mới thành lập không có vườn nên cũng không có cau (vùng Đức Bình – Sông Hinh bây giờ). Lớn lên, giã từ trường làng ra học trường huyện, tôi có dịp tiếp xúc với môi trường rộng lớn hơn. Dù làng ra huyện chưa đầy 10 cây số, cách nhau bởi con sông Ba, nên với tôi đó là một khoảng cách lớn. Tôi rất sung sướng khi được một vài bạn học rủ về nhà chơi. Nhà họ ở xóm vườn (Đông Hòa – Củng Sơn), một vùng châu thổ trên bờ sông Ba.
Thời chiến tranh, Củng Sơn là nơi dân các xã của huyện Sơn Hòa đổ về tạm cư vì đó là trung tâm quận lỵ. Nhà cửa chen chúc, mật độ dân cư dày lên, nhưng xóm vườn không bị ảnh hưởng sự kiện ấy. Một vùng quê rất riêng, rất êm đềm bên lằn ranh tương phản. Nhà nào cũng có vườn rộng, đủ thứ cây ăn quả lâu năm, có lối dài từ ngoài đường vào sân lớn, mỗi nhà như một giang sơn ẩn mình. Ấn tượng lớn của tôi là những cây cau đứng xen trong vườn, tư lự trong đêm trăng, uyển chuyển đu đưa khi chiều gió nhẹ. Với tôi, cau là đặc trưng, là biểu tượng của vùng quê này.
Hoa cau - Ảnh: Tuấn Lê
Chiến tranh kết thúc, tôi thăm lại xóm vườn bằng tâm trạng ngày cũ. Quý lắm những ngõ sâu có cây che nắng lúc đi về, những hàng cau đêm hè đợi trăng trong khung cảnh trầm tư, êm ả.
Cũng may vẫn còn lại một vài vườn cây nguyên vẹn. Thân cau già làm nọc cho dây tiêu, vườn cau cũng là vườn tiêu, cau non mỉm cười kế tục… Những lúc rảnh rỗi, tôi thường tìm về nơi đây, tạm gác những lo lắng đời thường để tâm hồn mình được nghỉ ngơi.
Ngang qua lối dài có cổng nhà em gái năm xưa, tôi thì thầm.
“Em đi mang cả khung trời cũ
Tôi về tìm lại thuở bình yên
Xa xa ngày ấy – giờ kỷ niệm
Sợi tóc phai màu tiễn chút duyên”
Xin cảm ơn chủ vườn đã cho tôi còn có bóng mát của tâm hồn.
AN SƠN