Thứ Tư, 06/11/2024 22:28 CH
Kéo vải kêu như giục ở bên trời…
Thứ Bảy, 18/04/2009 07:20 SA

Thường thì vào khoảng đầu tháng giêng, lúc trời chưa sáng hẳn, ta bỗng nghe văng vẳng một tràng: Típ!…típ!… típ, típ, típ…kéo dài. Lúc đầu như mơ hồ, nhưng càng lúc càng rõ dần trong tinh mơ yên ắng. Đến khi nghe chuỗi âm thanh ấy như đang…. lượn gần lại trên những đọt cây bên nhà, thì ta cũng kịp nhận ra: À! Tiếng chim kéo vải.

 

anh-dep-090418.jpg

Bãi soi   - Ảnh: HIẾU NGỌC

 

Tiếng hót chim kéo vải nghe có nhịp điệu, có luyến láy, nó không như tiếng hót các loài chim khác vang thẳng đến tai người nghe, mà vọng một hồi dài lơ lửng trong không gian.

 

Không biết chim kéo vải đã di trú nơi đâu, mà từ cuối mùa hè năm trước, khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, ta đã không còn nghe tiếng hót của nó. Rồi chúng bặt âm tiếp trong suốt mùa thu, mùa đông, đến khi ra giêng trời chuyển nắng, ta mới nghe tiếng hót của chúng trở về. Rồi, tháng ba, tháng tư âm lịch đến, là lúc kéo vải hót rộ nhất. Ở nông thôn, có thể nghe chúng hót cả đêm, chúng hót như là để gọi mùa hè sang vậy.

 

Rất ít ai thấy được hình dáng của con chim kéo vải thật sự ra sao, chỉ có điều chắc chắn là nó rất nhỏ và rất khéo giấu mình. Suốt những tháng năm dài thơ ấu sống ở nông thôn, tôi và đám bạn nhỏ nghịch ngợm của mình tận tay bắt được rất nhiều loài chim, nhưng chưa bao giờ thấy rõ con chim kéo vải. Nó như tàng hình chỉ hiện diện mỗi tiếng hót của mình.

 

Vừa rồi đọc sách, chợt gặp một sự tích lạ về loài chim này. Ngày xưa, gia đình kia có hai vợ chồng bị bệnh đột tử, bỏ lại một bà mẹ già và đứa con gái lên mười tuổi. Nhà nghèo lắm hai bà cháu sống nương tựa lẫn nhau, năm nọ bị hạn hán mất mùa, bà nội bị mù mắt, đứa cháu phải theo người làng đi mót đậu mót lúa về nuôi bà. Sáng đi chiều về nhưng mót lượm đậu lúa chẳng được bao nhiêu. Đứa cháu gái lấy số đậu lúa có được ấy giã tróc vỏ nấu cháo đặc nhường cho bà nội ăn, còn cháu chỉ húp một chén nước hồ cầm hơi. Lâu ngày dãi dầu đi mót, đứa cháu gái bị kiệt sức và chết, giờ này bà nội mới biết chỉ có bà ăn cháo đặc còn cháu gái chết vì nhường bà ăn. Bà thương cháu chết theo và hóa thành con chim kéo vải. Từ đó, cứ đến mùa đậu mùa lúa chín, con chim kéo vải luôn miệng đổ dài tiếng kêu: “Lúa trổ đổ chín, về ăn bớ cháu!”.

 

Còn sự tích chim kéo vải ở quê tôi thì khác. Cũng ngày xưa, xưa lắm, ở làng nọ có cô thôn nữ đẹp người đẹp nết, làm nghề kéo vải. Trai làng bao nhiêu người để ý thương cô, nhưng cô vẫn chưa chọn được ai. Cho đến một ngày có anh chăn vịt lùa vịt đến đồng làng bên nhà cô gái kéo vải. Không biết anh chàng buông lời tán tỉnh thế nào, mà cô đã  trao tình yêu cho anh chàng chăn vịt. Thế rồi, anh ta đưa đàn vịt đi sang xứ đồng khác, còn cô thì chờ đợi anh quay lại như lời anh đã hứa, nhưng chờ mãi, chờ mãi mà chẳng thấy đâu, cô buồn quá mà chết hóa thành chim cứ kêu: “Bớ… chàng chăn vịt!”

 

Chim kéo vải hót hai giọng, giọng hót đổ dài tương ứng với câu chuyện thứ nhất, còn khi nó lại tiếng hót ngắn hơn thì tương ứng với câu chuyện thứ hai. Hình như sự tích về các loại chim đều cùng mô-tip chim là do người hóa kiếp, hai sự tích ở đây cũng vậy, song sự tích thứ hai mới cắt nghĩa được vì sao loài chim này gọi là chim kéo vải.

 

Có một thời gian dài tôi cứ tưởng chim kéo vải chỉ có ở nông thôn như một số loài chim khác, nhưng thực ra không phải vậy. Không chỉ ở Tuy Hòa mà ở những thành phố duyên hải Nam Trung bộ nơi tôi có dịp từng ở lâu ngày, đều nghe chim kéo vải hót.  Tiếng chim kéo vải cùng đặc tính theo mùa, với chuỗi âm thanh như tiếng gọi của nó, dễ làm cho con người ta hay sốt ruột và bùng lên những ý nghĩ về thời gian... Mỗi lần nghe là thấy thời gian đang qua nhanh: mới hết tết đó mà giờ đã tháng ba, lại sắp đến tết Đoan Ngọ nữa…

 

Ta bồi hồi nhớ lại… Ngày nào, tháng đó, năm đó, ta đã nghe tiếng chim này suốt trong những đêm ôn bài chuẩn bị mùa thi với bao nỗi lo âu mà rạo rực. Ngày nào, tháng đó, năm đó, ta đã nghe tiếng chim này lúc cô bạn gái đi lấy chồng, cũng thấy nôn nao và nối tiếc, dù chẳng phải là “tình” như cô kéo vải và anh chàng chăn vịt xưa kia. Ngày nào, tháng đó, năm đó, ta đã nghe tiếng chim này khi đang ở một nơi xa chốn quê nhà và rất muốn được sớm về với những người thân yêu dấu.

 

Những kỷ niệm vốn êm đềm lại xao động, khi ta nghe kéo vải kêu như giục ở bên trời.

 

HIẾU NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Gió nồm về…
Thứ Bảy, 04/04/2009 07:30 SA
Những cuốn sách giấy hẩm
Thứ Bảy, 28/03/2009 07:15 SA
Hoa cỏ giêng hai
Thứ Bảy, 21/03/2009 07:30 SA
Nhớ cơm nồi đồng
Thứ Bảy, 14/03/2009 07:29 SA
Nhà tổ
Thứ Bảy, 28/02/2009 07:29 SA
Dừa xiêm
Thứ Bảy, 21/02/2009 07:37 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek