Ngày xưa, nhà nào nghèo cũng có ít nhất một cái nồi đồng. Nồi đồng ngày xưa không được người ta đóng số niêm rô từ 1, 2, 3… trở lên như xoong, chảo bây giờ, nhưng được đặt tên theo ước lượng. Nồi nhỏ nhất thường nấu cơm cho một người ăn gọi là nồi om. Nồi nấu cho 4-5 người ăn gọi là nồi lỡ, nồi nấu cho 6-7 người ăn gọi là nồi rưỡi, còn nồi nấu cho khoảng mười miệng ăn trở lên gọi là nồi hai, nồi ba…
Nồi đồng bây giờ được chưng để trang trí |
Thật thú vị! Cái thời công nghệ chưa phát triển, người ta dùng than củi để đun bếp, dùng nồi lỡ, nồi rưỡi nấu cơm lại thơm ngon lạ thường! Nhà tôi có bốn cái nồi đồng. Nồi om nấu cơm cho ông nội. Ông tôi ăn uống thất thường, hễ lúc nào đói thì ăn nên ưu tiên số một. Nồi lỡ thì dùng nấu cơm thường ngày, lúc có khách nấu cơm nồi rưỡi, còn nồi hai thì sử dụng vào dịp giỗ chạp.
Tôi ăn cơm nồi lỡ mà lớn lên. Cái nồi đồng nấu khoảng hơn ba lon gạo bắc bếp lửa than, củi tre, củi gộc. Những bữa cơm gia đình đầm ấm bên cái nồi đồng càng nấu càng ngon. Khi nồi cơm lưng dần tới hông, lộ ra cơm cháy sém vàng. Ai đã từng ăn cơm cháy nồi đồng sẽ không bao giờ quên mùi thơm, giòn hấp dẫn. Cơm cháy nồi đồng mà chấm với mắm ngò, muối é thì khoái khẩu phải biết!
Những người bạn vong niên của tôi mỗi lần ngồi lại với nhau thường kể chuyện nồi đồng. Họ nói rằng ăn cơm cháy nồi đồng ngon gấp nhiều lần cơm nấu bằng nồi điện. Bây giờ ở quê rất ít nhà còn giữ được nồi đồng. Bây giờ, nhiều nhà nấu bằng bếp ga. Xoong chảo mà nấu bếp ga cứ sáng bóng chứ không dính lọ nghẹ, phải chà rửa nhọc nhằn. Song, những người thèm ăn cơm nồi đồng đành chịu.
Những năm tháng chiến tranh, cha tôi thường đào hầm chôn những cái nồi đồng để khi im tiếng súng về đào lên sử dụng, vì vậy chưa lần nào bị mất nồi đồng. Trong sự đổi thay của cuộc sống hôm nay, những cái nồi đồng một thuở gắn bó với sự đói no của con người ở làng quê yên ả đã trở nên khan hiếm.
Giờ mỗi lần cầm chiếc bánh mì còn nóng, tôi lại liên tưởng đến miếng cơm cháy thơm tho từ chiếc nồi đồng, tuy nó đã vời vợi xa...
TRẦN QUỐC CƯỠNG