Thứ Tư, 06/11/2024 20:35 CH
Những cuốn sách giấy hẩm
Thứ Bảy, 28/03/2009 07:15 SA

Anh bạn cho tôi mượn cuốn sách, dặn đi dặn lại: “Động vật quý hiếm đang trên đà tuyệt chủng cũng không bằng cuốn này đâu đấy! Chưa có tái bản, số người còn giữ đếm trên đầu ngón tay!” Gì mà ghê thế? Tôi nhìn lại cuốn sách, trông nó mới thảm làm sao! Quả là quý hiếm thật, bởi không thể nào kiếm ra một cuốn sách nát bươm như vậy. Giấy hẩm sì, loại giấy ngày trước quen gọi là “giấy rơm”, (chẳng biết có phải làm bằng rơm không?); gáy đã bung ra gần hết, cũng không thể dùng chỉ may lại được, vì giấy không đủ dai để giữ chỉ, càng may nó càng bục ra thêm, không khéo nát bét. Nhìn “diện mạo” cuốn sách thật không còn gì để nói, nhưng cái nội dung độc quyền của nó từng làm cho nhiều người không thể hững hờ, nhiều trang bên trong đã bị xé làm của riêng, thành ra đã rách càng thêm rách.

 

doc-sach-090328.jpg

Đó là một cuốn sách thuốc! Cuốn sách bị (hay được) dày vò chuyền tay từ người này sang người kia mà vẫn chưa đến tay bà đồng nát, quả có sức sống thật lâu bền!

 

Nhìn lại cái tủ sách cỏn con của mình, tôi chợt nhớ có nhiều cuốn cũng mang một “số phận” tương tự, mặc dù ở lĩnh vực khác: Văn học. Những cuốn sách từng làm thổn thức trái tim mình và bạn bè đồng lứa, bây giờ trông lại sao mà thảm, giấy đã xỉn, mực đã phai, nằm bên cạnh những cuốn sách mới keng với công nghệ in ấn hiện đại càng làm “tôn” thêm cái vẻ nghèo khó nhàu nhò của chúng. Đã vậy, các chú gián còn theo gặm nhấm nham nhở. Tôi vẫn không sao bỏ được mấy cuốn sách cũ ấy, nhiều khi còn muốn cúi đầu “cảm ơn” hay “thank you” một tiếng để tỏ lòng...tri ân.

 

Quả thật, những cuốn sách gắn với mình quá nhiều kỷ niệm, làm sao dễ dàng “dọn dẹp” đi được. Những năm khó khăn, sống phụ thuộc, mua một cuốn sách phải xin xỏ thuyết phục thiên nan vạn nan. Không phải mẹ hẹp hòi gì, mà còn vì bao nhiêu thứ đáng phải ưu tiên trước. Đã vậy, đành phải giở bài nói láo: “Nhà trường bảo mua, không có là không học được”. Mẹ cứ vô tư hỏi lại: “Sao mấy đứa trong xóm không thấy nó nói chuyện mua sách này sách nọ, mà vẫn học tốt?” Tôi không trả lời được, nhưng biết tỏng chúng nó cũng từng nói láo để xin tiền làm việc khác, như ra quán chơi bi-lắc chẳng hạn; chỉ có mỗi tôi bị “oan”, nói láo không...trót lọt, khổ thế! Cũng may, tiền hung hậu kiết, sau đó mẹ lại nghĩ ra cách khích lệ: Hễ tôi chăm chỉ giúp việc nhà thì cuối mỗi đợt làm nếu vượt “kế hoạch” mẹ đặt ra sẽ được “thưởng” để mua sách. Thật hiệu nghiệm, công việc sinh kế trong nhà từ đó trôi chảy hơn (nhờ tính tự giác cao của tôi), và sách cũng có mà đọc lai rai, bồi bổ tâm hồn. Những lúc khó khăn, nếu không có sách, thật dễ sợ, cô đơn biết dường nào.

 

Có một điều làm tôi cứ tiếc nuối, cũng như bao người khác, là: Đang tuổi thèm đọc thì không có sách, hoặc nếu có thì sách hay rất hiếm. Còn lúc sách nhiều lại là lúc có quá nhiều thứ chia cắt cái “miếng da lừa” thời gian ngày càng hẹp dần, hẹp dần...

 

HUỲNH VĂN QUỐC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hoa cỏ giêng hai
Thứ Bảy, 21/03/2009 07:30 SA
Nhớ cơm nồi đồng
Thứ Bảy, 14/03/2009 07:29 SA
Nhà tổ
Thứ Bảy, 28/02/2009 07:29 SA
Dừa xiêm
Thứ Bảy, 21/02/2009 07:37 SA
Cối xay lúa
Thứ Bảy, 07/02/2009 07:33 SA
Gặp mình trong “Vầng trăng chia đôi”
Thứ Bảy, 31/01/2009 07:37 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek