Dừa xiêm là loại dừa có vóc dáng khá “mini”, không hoành tráng cao to như các giống “dừa sọ” vẫn được trồng đại trà thành vùng nguyên liệu cho công nghiệp thực phẩm hay các mặt hàng mỹ nghệ thủ công. Trong khi dừa sọ được trồng để khai thác cơm, xơ, sọ, lá thì dừa xiêm là nguồn cung cấp… nước; một thứ nước giải khát an toàn, thơm ngon, bổ dưỡng - ăn đứt các mặt hàng giải khát đóng lon, chai được xử lý trên dây chuyền công nghiệp.
Dừa xiêm – TL |
Ngày xưa, dừa xiêm không được ưa chuộng mấy, bởi chúng chỉ dùng để ăn chơi (chính xác là uống chơi). Đối với người quê thời rách áo đói cơm, “ăn chơi” là chuyện… xa xỉ. Trồng dừa sọ còn hái bán kiếm được tiền chứ dừa xiêm thì không. Thế nên, đất cần được ưu tiên để trồng dừa sọ. Còn dừa xiêm, mỗi nhà chỉ trồng chơi một, hoặc hai cây.
Nói cho công bình, ngoài việc để uống, quả dừa xiêm cũng còn vài công dụng nhỏ nhỏ khác như làm thuốc ho (vạt trống miệng quả dừa tươi, đem để ngoài trời phơi sương, đợi nửa đêm, mang vào cho người bệnh ho uống) hoặc làm gáo múc nước. Quả dừa xiêm đem làm gáo rất tuyệt bởi chúng có sọ nhỏ, gọn, dày, chắc, và điểm đặc biệt là sọ rất tròn. Muốn làm gáo, đợi quả thật già, người ta hái đem lột vỏ, cưa bớt một phần ba nắp sọ quả dừa. Cạy hết cơm dừa bên trong. Dùng dùi sắt nung đỏ mà dùi hai lỗ (một nhỏ, một to) ngang dưới miệng. Vót tre tròn, nhẵn tra xuyên lỗ làm cán. Xong, ta đã có một chiếc gáo dừa hết sức dễ thương đem úp bên vò nước mát - một hình ảnh vô cùng quen thuộc của quê xưa mà hiện tại chỉ còn là ký ức…
Ấy thế nhưng, nhu cầu làm thuốc hay làm gáo thì chưa đủ lớn và cũng không mang tính… thị trường. Vậy nên, nếu nhà không có thì người ta đi… xin; và cái văn hóa tình làng nghĩa xóm của quê xưa có quy định một điều (bất thành văn): sẽ cực kỳ khó coi nếu anh từ chối, không biếu bà con quả dừa xiêm để chữa chứng ho khan hay làm gáo múc nước. May thay, tương lai của dừa xiêm rồi cũng đến ngày sáng sủa. Giờ thì không ai dám coi thường hiệu quả kinh tế mà dừa xiêm mang lại. Khi con người đã thừa thãi những sản phẩm công nghiệp thì thứ “nước trời” quý giá kia càng được chú ý. Từ quê, quả dừa xiêm lên đường về phố. Người phố được uống, người quê được tiền, đôi bên cùng vui vẻ. Dừa xiêm lại được trồng, được ưu ái chăm nom.
Y NGUYÊN