Quê cũ tôi, nơi chôn nhau cắt rốn, có loài chim trau trảu ở hang, nhưng khi săn mồi lại là đỉnh cao của nghệ thuật bay lượn. Diễm phúc làm sao, khi thấy nó ngậm con chuồn chuồn là bản thân tôi dường như biến mất vì sự ngoạn mục xâm chiếm. Con trau trảu màu xanh thắm đến hoa mắt ấy, cứ vút thẳng lên không trung như tên bắn, đoạn đột ngột thả rơi con mồi và bay đi hướng khác. Con chuồn chuồn tha hồ rơi tự do, đôi cánh bị thương chao đảo như chiếc máy bay bị trúng đạn.
Sương sớm - Tranh: HUY BÌNH
Chờ khi con chuồn chuồn sà rơi gần nọc rơm, lập tức chim trau trảu vút bay trở lại, bằng một động tác chính xác rất tốc độ, nó dùng mỏ cắp con chuồn chuồn vút thẳng lên không trung, rồi lại đột ngột thả rơi… Cứ như thế và cứ thế, đùa giỡn chán chê bằng những đường bay tuyệt mỹ, thi thố hết tài năng trình diễn cho tôi ngắm no mắt, và khi thấm mệt, máy bay tí hon trau trảu xong phi vụ lại chui vào hăng-ga phi trường, đó là cái hang nhỏ xíu, kín đáo nơi gốc bụi tre nhà tôi. Ôi, cố hương! Đó là nỗi nhớ tuyệt vời, ngoạn mục.
Quê cũ tôi, nơi có một đoạn sông gầy nhom, cong ngoằn như dấu ngã, quanh năm phủ bóng bờ tre. Nơi ấy, nếu cô đơn, thảnh thơi tha thẩn một mình ắt sẽ rớt tim, vì nơi ấy đặc biệt do địa thế làm biến dạng âm thanh phát ra. Tiếng nói của mình nghe lạ lùng ma quái như thể tiếng của người âm phủ. Hồi bé, còn nhớ có lần đứng đấy gọi bạn, nghe lại tiếng gọi của mình, sợ quá, tôi tháo chạy sút quần. Ngay cả tiếng chân tôi chạy cũng nghe như tiếng chân của ma rượt theo. Tuy nơi này có thể nhiều ma, nhưng chú Giản vẫn thường nằm đấy ngủ li bì vì ma men nhập. Thế thì chú ấy cũng là ma. Ôi, cố hương! Đó là nỗi nhớ đứng tim, không kịp thở.
Quê cũ tôi, nơi có thầy Thạch đã khai tâm tôi. Thầy dạy chữ A, chữ B… dạy ăn, dạy nói, dạy thả lờ, câu cá. Suốt ngày, thầy chỉ mặc quần đùi, cởi trần, da màu tro bếp và mái trường là bụi chuối hè sau. Thầy đã dùng gáo dừa làm roi, đập vào đầu tôi, vỡ toang mụt ghẻ càng. Đập xong, thầy cười bảo: “Đầu không được có mủ hôi thối lâu ngày. Nào, xếp sách vở đi thả diều với thầy”. Ôi, cố hương! Đó là nỗi nhớ đau đầu mà êm ái.
Quê cũ tôi, có chú Phàng đen nhẻm, gầy nhom, cao lêu nghêu như cây tre miễu. Chú bị chạm dây thần kinh, gặp ai chú cũng oang oang như máy hát, hát mỗi một bài: “
Quê cũ tôi, nơi nhà tôi có ba gian và một khoảng sân rộng. Cơm chiều thường dọn giữa sân. Miệng nhai, tai nghe chuông chùa vang vang trong gió, mắt nhìn đồng xa sẫm đất nâu. Vào một buổi chiều xa lắc xa lơ, bố mẹ bận việc, tôi ngồi ăn cơm trước. Ăn không biết no, tôi ngồi xơi sạch nồi cơm vẫn dùng cho cả nhà. Nào có thức ăn gì ngon đâu, chỉ có muối lá é và cơm trắng. Vậy mà ăn ơi là ăn. Tôi bị trúng thực, bụng căng phồng muốn nứt nẻ, mắt trợn trắng, sùi bọt mép, mặt xanh như chàm đổ. Khi biết được sự cố, bố tôi bắt ruồi, cạo nhớt thớt trộn với lá hẹ, giã nhỏ, vạch miệng tôi mà đổ vào. Lập tức, tôi nôn mửa thốc tháo vào một cái chậu sành nào cơm là cơm… Con chó Ki già được một bữa no nê. Ôi, cố hương! Một nỗi nhớ thoát chết nhờ một bài thuốc dân gian kỳ diệu.
Và, cố hương nơi còn biết bao điều nữa, luôn bao phủ một nỗi nhớ triền miên. Một nỗi nhớ từ đấy tôi trưởng thành và vững vàng trong cuộc sống tha hương. Càng vững vàng, càng nhớ quá đi thôi!
NGÔ PHAN LƯU