Ngày xưa, mỗi lần sắp đến mùa gặt lúa, chim nhiều vô kể. Từng đoàn chim sà xuống đám ruộng nào đó thì xem như nhà nông thất thu. Nông dân lòng nóng như lửa đốt, nghĩ cách làm những hình nhân bằng rơm, hoặc đóng cây chữ thập xuống ruộng lúa khoác chiếc áo bà ba, đội cái nón cời lên để dọa chim. Sau này người ta còn sáng tạo cách đuổi chim độc đáo hơn, là làm năm đến bảy cái chong chóng bằng thiếc đóng xuống khắp ruộng, mỗi cánh chong chóng gắn một cái lon sữa bò cột hòn đá nhỏ. Gió thổi chong chóng xoay tít, tiếng kêu reng rẻng suốt ngày.
Họ nội, ngoại nhà chim, từ chim bố đến chim mẹ đều sợ hoảng vía. Mùa gặt, người thôn quê ra đồng không chỉ nghe tiếng kêu giòn giã của tu hú, mà còn nghe “giàn hợp xướng” chong chóng thật là vui tai.
Những cái chong chóng ngoài đồng làm lũ trẻ chúng tôi khoái vô cùng! Đứa nào đứa nấy về nhà lấy giấy vở học trò làm chong chóng giấy chong trước gió, ngồi xem thích thú. Khi nào trời lặng gió, chúng tôi cầm cái chong chóng đưa ra phía trước rồi chạy vù vù.
Có những đứa trẻ làm chong chóng bằng lá dứa, rồi bẻ cọng tre, bẻ cây gai bàn chải găm vào cho chong chóng xoay trước gió. Lúc ít gió, nhưng cao hứng, lũ trẻ thường hô nhau một tiếng, cùng vụt chạy hàng ngang. Một hàng chong chóng xanh óng xoay tít như một đoàn “máy bay người” chuẩn bị rời phi trường. “Máy bay người tí hon” chỉ gởi lên bầu trời bằng ước mơ trên cao, còn đôi chân thì mỏi rã rời. “Bay” một hồi, cả lũ mệt nhoài đứng bên nhau vừa cười, vừa thở hào hển, mệt mà vui.
Giờ đi trên đường, tôi thỉnh thoảng bắt gặp vài người đi bán chong chóng dạo giữa ngày hè lộng gió. Hàng trăm cái chong chóng giấy cứng cáp, đủ kiểu, nhiều màu sặc sỡ, xoay tròn trước gió trông đẹp mắt vô cùng! Nhưng dường như trẻ con không mấy mặn mà với loại đồ chơi rất phổ biến ở vùng quê vào cái thời xa xưa ấy. Những món đồ chơi có sẵn như dọn cỗ không gây sự thích thú cho trẻ con vốn có tính hiếu động, sáng tạo chăng?
Có những lúc nằm nhìn lên trần nhà, nhìn quạt trần xoay tít, bỗng dưng tôi lại nhớ đến những cái chong chóng đuổi chim ngoài đồng. Bây giờ môi trường ở miền quê cũng bị ô nhiễm rồi. Những bầy chim giồng giộc đầu vàng, đầu rằn chuyên ăn lúa ngoài đồng biến đi đâu mất, chỉ còn lại một ít chim se sẻ, nên chẳng ai phải làm những cái chong chóng để gióng lên khúc nhạc đồng quê bất tận trong mùa gặt lúa…
TRẦN QUỐC CƯỠNG