Hẹn làm cho con một cái diều mà cái hẹn ấy cứ trượt mãi, trượt dài theo bộn bề công việc. Để thằng con mỏi mắt trông chừng, lâu lâu lại nhắc: Bao giờ làm diều, hở ba? Lại ừ ừ, lại hẹn. Những cái hẹn – chao ôi – may mà miễn phí. Nếu không, đem nhân lên, có khi thành món nợ to đến… sạt nghiệp!
Chiều quê - Ảnh: NGUYỄN MINH TÂN
Nhưng dù gì cái món nợ với con cũng có tác dụng như một lời nhắc nhớ. Nó nhắc nhớ tôi về tôi xưa, về thời tôi xưa. Hình như “ngũ khoái” (tức… năm cái khoái) của con nít quê xưa đều tập trung vào mùa hè! Mùa hè ở quê xưa cũng có thể gọi là “mùa diều”. Mùa hè rảnh rỗi. Và gió lại ngọt. Và đồng lại khô; tất tật thảy đều “thiên thời địa lợi” cho sự “múa rối trên không” của những cánh diều. Thế nên các “diều thủ” tí hon chỉ nhăm nhăm chờ đồng gặt xong là rủ nhau cặm cụi từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối mà vót tre, mà dán giấy và tìm dây buộc diều. Diều quê chế tác khá giản đơn: đôi giấy rứt ra từ tập vở học sinh, gập, cắt bớt phần dài để tạo thành hình vuông. Trên cái hình vuông ấy dán hai que tre nhỏ, tròn, vót nhẵn. Một que dán thẳng theo đường chéo vuông giấy. Que kia nằm gác ngang, uốn hình cánh cung trên phần đường chéo còn lại (cũng có thể không uốn cung mà dán thẳng theo hình chữ thập. Kiểu này dễ làm nhưng diều sẽ khó bay hơn và khi bay diều bị “đảo”). “Bí quyết” chế tạo diều chính nằm trong cái thanh uốn cung ấy. Vót to, nặng thì diều bị “gồng”, không bay nổi. Vót quá mảnh thì gặp gió, bản diều sẽ bị gập, không đủ tạo độ nâng. Và còn một điều tối quan trọng: hai “cánh cung” độ cong và độ cứng phải thật đều nhau. Chỉ cần “lệch pha” chút ít, lực nâng hai bên cánh không đều, là con diều cứ đảo đồng đảo địa, phành phạch lên lại… cắm đầu xuống đất hay lao vào bụi cây, mặc chủ nhân đổ mồ hôi mà chạy!
Nói thì đơn giản, nhưng ngày ấy tôi đã phải mất ngót nghét tháng trời, cộng thêm vài tập vở cũ bị xé tả tơi, trước khi có được cánh diều đầu tiên bay vút trời xanh. Và cái cảm giác hạnh phúc đầu tiên kia thôi thì sướng… khỏi nói.
Xong phần thân tới phần đuôi diều. Làm đuôi khá đơn giản; chỉ cần xé giấy thành băng dài hẹp, dán nối cùng nhau. Một đầu đuôi đính vào thân, nơi góc hình vuông có gốc que tre làm “xương sống” của thân. Ấy là cái đuôi chính, tạo “độ bình” cho diều bay lên được. Đuôi chính càng dài, diều bay càng bình ổn; nghĩa là không chao, không lắc; nhưng nếu dài quá đuôi sẽ lê thê, vướng víu, dễ đứt lúc đang bay. Tính toán làm sao để kích thước đuôi khoảng từ 2 đến 3m là vừa. Xong, nếu thích, ta có thể làm 2 đuôi phụ dán thêm 2 bên đầu “cánh cung”. Đuôi phụ công dụng “trang điểm” là chính nên chỉ làm nhỏ, ngắn. Chờ hồ (ngày ấy trét toàn… cơm nguội!) khô, cắt một mẩu dây buộc nối hai đầu “xương sống” của diều (mẩu dây cần chùng một chút). Đầu cuộn dây chính buộc thẳng ngang mẩu dây vừa nối. Vị trí buộc khoảng 1/3 chiều dài mẩu dây tính từ đầu xuống đuôi. Vậy là xong. Có thể í ới rủ rê bạn ôm diều ra đồng, ra bãi sông mà “mở hội” .
Ai chưa một lần nếm cái thú thả diều thì (theo chủ quan tôi) e rằng có hơi… bị thiệt! Chỉ tưởng tượng cảnh buổi chiều hè, gió nồm lên mát lộng, cánh diều rời khỏi tay ta mà từ từ bốc cao, hớn hở vẫy đuôi như muốn gửi lời chào tạm biệt, đã thấy khoái vô cùng. Còn những đứa trẻ quê? Chúng cứ nhe răng, hếch mũi, cứ nghệch mặt, mụ người đi mà dõi, mà gửi theo món đồ chơi kỳ diệu đang chuyên chở lên trời hộ chúng bao nhiêu là khao khát, ước mơ…
Y NGUYÊN