Ai cũng biết rằng, thời gian rồi sẽ làm cũ đi mọi cái, cũ đi niềm vui, cũ đi nỗi buồn, và cũ cả những niềm đau…
Vậy thì, cái máy chữ dạo nào là “vật gia bảo” giờ đang lặng lẽ ở góc phòng phủ bụi cũng không là chuyện lạ.
Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN |
Cái lạ là nhìn đến nó, tôi không khỏi chạnh lòng về một người già cho đến nay ngày ngày vẫn còn ngồi bên hè phố, trước mặt là cái máy chữ cũ kỹ mà không mấy khi ông có dịp động đến nó. Có giấy tờ đơn thư gì, người ta vào tiệm vi tính trình bày cho… lịch sự (nếu dùng máy chữ e nơi tiếp nhận sẽ cho là bôi bác không chừng!). Vậy thì ông ngồi đó để làm gì, để mượn việc giải khuây, để ôn lại thời hoàng kim lóc cóc, hay đơn giản chỉ để đợi ai chưa tiếp xúc với văn minh máy tính ghé lại thuê gõ giấy tờ? Quả thật khó ai hiểu, muốn hiểu chắc cũng phải già như tuổi ông, và phải gắn với cái máy chữ mấy chục năm mới được!
Tôi nhớ, bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên đã từng làm day dứt nhiều thế hệ:
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu.
Người đánh máy chữ cũng có thể tìm thấy một nỗi niềm tương tự từ những câu thơ của một công việc khác ở nửa đầu thế kỷ trước.
Một thoáng bùi ngùi thương cảm, mặc dù không ai lại muốn có chuyện ngược thời gian để quay về với những buồn vui quá vãng.
Trở về với cái máy chữ của mình, tôi nhớ khi mua thì rẻ, nhưng tiền sửa chữa mới đắt, đâu hơn một tháng lương của chục năm trước! Tìm cho ra ông thợ sửa máy chịu nhận cải tạo đồ phế thải đã là mừng, khi máy sửa xong hoạt động như mới càng mừng hơn, đâu có kêu ca đắt đỏ! Đêm đêm, cái máy chữ đó đã cùng tôi lóc cóc cuộc hành trình có tên gọi là “sáng tác”. Vâng, dẫu nhiều dẫu ít vẫn chỉ gọi là sáng tác, không có từ thay thế. Và khi… tổng kết lại, cái máy chữ này đã “sinh hạ” cho mình gần chục truyện ngắn đăng báo, một tập truyện có giải của nhà xuất bản thì quả là nghĩa tình kể biết mấy mươi, dẫu so với các bậc đi trước thì con số này chẳng bõ bèn gì.
Máy vi tính hiện nay đã quá phổ biến, đem lại nhiều lợi ích hiện đại ai cũng biết, nhưng có lúc nhìn qua chiếc máy chữ, tôi lại thấy “trìu mến” như người thân luôn sát cánh bên mình từ buổi... thô sơ.
Ông bà ta hay nói vạn vật hữu tình, tôi nghĩ, trong đó chắc là có cái máy chữ của tôi.
HUỲNH VĂN QUỐC