Vật giá cứ tăng lên từng ngày suốt một thời gian dài, và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Lạm phát trở thành câu chuyện thời sự với mỗi người. Tôi không có dự định gì lớn lao cho thăng tiến hay phát tài, nhưng chẳng thể nào đứng bên ngoài vòng xoáy ấy. Thỉnh thoảng, tự an ủi bản thân, tôi bắt chước cổ nhân ngâm ngợi mấy câu trong Luận Ngữ: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”, nếu không phải “lễ” thì chớ liếc mắt, chớ dõng tay, chớ đưa lời, chớ va chạm. Một công chức bình thường mà nói dọc nói ngang về chỉ số tiêu dùng lắm khi lỡ làng như thầy bói xem voi. Tôi tìm cớ khéo léo nhất có thể, để từ chối các cuộc gặp gỡ với những người bạn đang hăng say ở lĩnh vực kinh tế, để được quay về ngôi nhà thanh thản, để được ngồi lặng lẽ vài suy tư rời rạc.
Tranh: HƯNG DŨNG |
Tôi chưa bao giờ nghi ngờ tình cảm quý trọng của mình dành cho những người bạn giỏi giang thương trường. Tuy nhiên, tính tôi hay sốt ruột, nghe cô bạn than thở shop thời trang dạo này vắng khách, hay anh bạn ngao ngán công ty địa ốc dạo này không có giao dịch nào, thì tôi sẽ chạnh lòng. Vì vậy tôi chọn cách ủng hộ bạn bè từ xa bằng dăm bùi ngùi riêng tư!
Nơi tôi cư ngụ, nhiều căn hộ nho nhỏ, nhiều ước mơ nho nhỏ. Thỉnh thoảng đi đâu, tôi lấy ánh đèn hắt ra từ quán cóc của bà cụ hàng xóm làm điểm ngắm nhớ thương. Tiếng cười tiếng nói xôn xao quán cóc có lẽ là những thanh âm cuối cùng khi màn đêm buông xuống dãy phố này. Vậy mà tối nay tôi trông sang, chỉ thấy dáng bà cụ ngồi im lìm giữa những món quà đơn sơ. Quán cóc vắng vẻ, chắc lũ trẻ xung quanh không còn được ba má cho những đồng xu để chạy tới chạy lui mua kẹo mua bánh nữa. Từng nhà, từng người lần lượt chìm vào giấc ngủ, bà cụ vẫn ngồi se sắt mặc trời khuya thảng hoặc lùa qua vài cơn gió. Bà cụ vẫn ngồi với ngọn đèn để bớt cô đơn tuổi già chăng? Tôi mang câu hỏi đó trằn trọc chiêm bao, và đành tự trả lời, biết đâu bà cụ đang nuôi một hy vọng xa xôi, cái hy vọng của người nghèo luôn tận tụy với cuộc sống!
Chẳng rõ có phải vì ánh đèn quán cóc chảy ngược chiêm bao hay không, mà tôi thức dậy sớm hơn thường lệ. Ấm trà đã nguội, hương thơm bay đâu hết, may mắn còn chút chao chát đầu lưỡi giúp buổi sáng dường như tỉnh táo hơn. Vừa quay lưng khóa cửa để đến cơ quan một ngày bận bịu mới, đã nghe ríu rít giọng cậu bé nhà sát vách. Ơ hay, trừ chủ nhật, dễ gì tôi gặp thằng Ti giờ này? Cậu bé đeo lủng lẳng chiếc cặp sau lưng, giọng hồ hởi: “Hôm nay cháu ăn sáng ở nhà rồi mới đi học!”. Tôi xoa đầu khen “Ngoan lắm!”, và nhớ ngày xưa tôi đến trường không phải cực nhọc mang vác nhiều loại sách vở như thằng Ti hiện tại. Có người bắt chuyện, cậu bé hí hửng tiếp: “Cháu ăn cơm chiên, mẹ cháu nói để dành tiền mua sữa cho em của cháu. Mẹ cháu nói, em của cháu uống sữa có hình ông bác học tóc xù thì mai mốt lớn lên sẽ thông minh, đúng không chú?”. Bất giác tôi gật đầu. Khi thằng Ti vẫy tay chào và khuất dần theo phố phường ban mai nhộn nhịp, tôi cũng chưa kịp hiểu vì sao tôi gật đầu. Sữa có hình ông bác học tóc xù là loại sữa gì tôi không rành, nhưng ông bác học tóc xù chắc là Einstein. Liệu Einstein có phải nhờ lạm phát mà trở nên kiệt xuất không? Tôi không tin, nhưng tôi vẫn gật đầu vì không muốn trong ý nghĩ trong trẻo của cậu bé hiền lành có sự so sánh giữa chén cơm chiên với tô phở bò hay ổ bánh mì. Tôi lãng đãng tin rằng, có thể nhờ cái gật đầu vội vàng của tôi mà chén cơm chiên đối với thằng Ti vẫn rất ngon!
LÊ THIẾU NHƠN