Ngày lễ “tết Tây” giống như dịp chủ nhật hằng tuần, không có gì đặc biệt. Chỉ vèo cái là qua, như ngày trước sang ngày sau, tuần trước sang tuần sau, tháng trước sang tháng sau, chóng vánh. Chả có vui chơi hội hè gì, chả có sum họp thăm viếng chúc tụng gì. Qua mấy ngày hôm sau, khi viết thư, lên lịch công tác... nhiều khi vẫn còn ghi con số của năm cũ vì... chưa quen.
Ảnh: D.T.XUÂN
Tôi từng nghĩ, quái, vậy mà cũng gọi là Tết?
Mới đầu tôi hơi bị... tiếc! 365 ngày, chỉ có một ngày “bản lề” thôi sao? Nếu là “tết Ta” thì phải biết! Sau này “ngẫm” lại, tôi mới thấy sự sắp xếp quả là có lý, càng nghĩ càng thấy có lý!
Theo nhịp sống hiện đại, “tết Tây” hợp hơn “tết Ta”. Bởi dương lịch có chia tuần và có ngày chủ nhật hằng tuần, tạo điều kiện cho người ta nghỉ lai rai để thường xuyên có một ngày “của riêng mình”; còn âm lịch thì không, phải đợi đến hết 12 tháng mới được ba ngày Tết! Vì vậy sự hào hứng tết và quan - trọng - hóa Tết quá lớn trong tâm thức cộng đồng cũng là điều dễ hiểu. Và người ta nói “ba ngày Tết” cho thuận miệng, chứ còn cái không khí “râm ran” của nó phải kể từ khoảng giữa tháng Chạp cho đến hết tháng Giêng, kéo theo sự lãn công và phung phí chả phải “sang trọng” gì, mà nhiều khi như một sự tra tấn, cung nhiều hơn cầu (!). Nếu người ta khổ vì có lúc bị sự thiếu thốn nó “hành hạ” thì giờ lại khổ vì bị “hành hạ” về dư thừa, không thiết thực. Lo vắt kiệt “sức người-sức của” cho Tết (ta), nhiều gia đình chả ai biết được những ngày “hậu Tết” sẽ ra sao?
Tết Tây lại khác. Một ngày như mọi ngày. Đó là dòng chảy liên tục, không ngưng đọng, không gián đoạn. Ai muốn làm gì thì tùy, nhưng Tết chỉ có một ngày mà thôi. Vô tư, bình thản, chả phải bấn xúc xích lên làm gì! Đúng là phớt Ăng-lê... như Tây! Nhẹ nhàng như gió thoảng, và cũng nhẹ nhàng như... thời gian, Tết Tây không làm cho người ta “lụy” vì nó, “đắm đuối” vì nó. Ở đây, tết chỉ có ý nghĩa là một ngày đầu năm, vậy thôi.
Một ngày nghỉ cho tết Tây! Có quá ít thời gian để xới tung mọi xáo trộn cảm xúc. Nhưng bù lại, người ta có thể rảnh rang hơn, nhẹ nhàng và thoải mái hơn với những tiếp nối của cuộc sống.
Chả hiểu từ “tết Tây” xuất phát từ đâu, nhưng đi kèm với nó có từ “tết Dương lịch” nghe thuận hơn. Vì dẫu sao đây cũng là ngày tết của toàn thế giới sử dụng cách tính thời gian theo dương lịch, đâu chỉ riêng ở xứ Tây!
HUỲNH VĂN QUỐC