Ngày trước, vợ chồng cưới nhau chừng dăm tháng là phải ra ăn riêng. Cha mẹ chồng nào thơm thảo, có của dư của để cũng chỉ cho chừng vài chục giạ lúa, một ít chén bát… Nếu đôi vợ chồng trẻ là con nhà nghèo thì phải lo trăm thứ, nào là chén bát, xoong nồi, giường chiếu, thúng mủng… Những đôi vợ chồng mới cưới khi ra ăn riêng thường mua nồi om, trã kho cá, cái ấm bằng đất nung.
Cơm mà nấu trong nồi om thì ngon tuyệt. Dường như chất liệu đất nung làm cơm của nồi om ngon hơn là cơm nấu trong xoong nhôm, thiếc. Vợ chồng son trẻ nấu cơm bằng nồi om là dùng đủ cho hai người. Bọn trẻ xóm tôi ngày ấy nếu bắt gặp đôi vợ chồng trẻ thường ca lên: “Hai vợ chồng, hai lóng mía, hai củ khoai, hai nồi om ôm lại”. Câu ca có nhịp điệu, nói lên sự trống vắng của đôi vợ chồng son. Chứ một mai họ con đàn cháu đống đề huề thì chẳng ai dùng hình tượng “hai lóng mía, hai củ khoai, hai nồi om” cả.
Chén sắp trong sóng (vật dụng đựng chén bát sau khi rửa xong) còn khua, vợ chồng làm sao tránh khỏi cơm không lành canh không ngon, đá thúng đụng nia. Nhiều khi, do sự nóng giận của người chồng, cái nồi om bị đập vỡ, lăn ra một cục cơm tròn quay. Người hàng xóm thấy vậy liền nhặt giúp, miệng xuýt xoa: “Hạt ngọc của trời đấy! Các cháu không nên vung vãi mà mang tội với thần Nông”.
Nồi om bể, lấy gì mà nấu cơm? Vợ lại ra chợ mua cái nồi khác về. Chỉ có đồ dùng bằng đất nung rẻ tiền, dễ mua mới chịu nổi những cơn nóng giận của những ông chồng ngang ngược.
Ngày ông nội tôi còn sống, ông thường nấu cơm bằng cái nồi om. Ông không biết giận ai để đem cái nồi ra đập cho nư giận nên nồi om đất của ông “sống” rất lâu. Cơm nấu trong nồi om phần dưới cùng thường cháy vàng, ăn rất ngon.
Khi tôi lập gia đình, làng gốm ở xã Hòa Vinh quê tôi vẫn còn sản xuất những cái nồi om nho nhỏ, vừa đủ nấu cơm cho hai vợ chồng. Tôi ăn cơm bằng nồi om đất nhiều năm, nhưng vợ tôi không phải thường xuyên đi mua, vì tôi chẳng dại chi giận cá chém thớt. Chúng tôi sống hạnh phúc, yên ấm, ăn cơm nấu từ nồi om đất cho đến khi trên thị trường đầy rẫy xoong, nồi bằng nhôm, thiếc sáng choang. Cái nồi om chỉ còn lại trong nỗi nhớ của một thời kham khổ.
TRẦN QUỐC CƯỠNG