Mùa nắng Sài Gòn và mùa mưa Tuy Hòa. Giữa hai mùa mưa nắng ấy, giữa hai vùng đất ấy, có người vẫn đều đặn đi đi về về.
Hình ảnh thân thương của Tuy Hòa – Ảnh: HIẾU NGỌC
Tuy Hòa là ngày hôm qua – là “ngày thơ bé vốn đùa chơi”, là “Ngày tuổi yêu gió hương đồng”, “là “Ngày tôi đã biết yêu một dòng sông”, là một “ngày hôm qua như giấc mơ”. Đã từng là một giấc mơ đẹp.
Sài Gòn là ngày hôm nay – là ngày học hành, ngày công việc, ngày tham vọng, ngày bạn bè, ngày hẹn hò và cả những ngày trống rỗng.
Giữa ngày nắng Tuy Hòa, chỉ cần dăm ba phút đi bộ dưới nắng là đã thấy đổi màu da. Nắng Sài Gòn dịu hơn, dịu và hời hợt.
Mưa Tuy Hòa ảm đạm. Mưa bong bóng – mưa suốt từ sáng đến tối. Nhưng mưa bình yên.
Mưa Sài Gòn mau đến mau đi, mau làm người ta cáu kỉnh, và cũng mau làm nguội những cái đầu ong ong vì “bụi bặm”. Nhưng mưa Sài Gòn thôi thúc người ta nhớ, thôi thúc người ta nghĩ. Mưa càng to, trong lòng càng dậy sóng. Mưa không bình yên nhưng mưa làm người ta yếu đuối, con gái càng dễ tủi!
“… Ngày hôm qua như giấc mơ
Trôi rất nhanh những âm thanh buồn
Tuổi còn xanh khao khát quay về nguồn
Ngày hôm nay em hiển nhiên trong phút giây thoáng xưa ẩn hiện
Để ngàn năm em nhớ anh khôn nguôi…” (Câu chuyện tình tôi)
500 km – 1 giấc ngủ 10 tiếng đồng hồ trên xe lắc lư. Khoảng cách Sài Gòn – Tuy Hòa chỉ có vậy. Nhưng khoảng cách giữa người Sài Gòn – người Tuy Hòa còn dài hơn thế. Nhất là người Tuy Hòa ở Tuy Hòa và người Tuy Hòa ở Sài Gòn. Có mong nhớ, có lo âu, có đồng cảm, có nương tựa. Nhưng người ta vẫn ngày một xa nhau...
Người Tuy Hòa ở Sài Gòn vẫn giữ cho mình một tình cảm đẹp về thị xã nhỏ (nó trở thành thành phố từ 2004 nhưng người Tuy Hòa vẫn thích gọi là thị xã), về góc phố nhỏ có ngôi nhà mình ở đó, về gia đình nhỏ với vô vàn tình cảm nhỏ bé mà mọi người trân trọng dành cho nhau. Chỉ có người Tuy Hòa mới biết những tình cảm đang đứng ở đâu trong tim mình. Tình cảm là không thay đổi, chỉ có cách biểu hiện là thay đổi. Nhưng người Tuy Hòa ở Tuy Hòa chưa thích ứng được với những đổi thay ấy. Cả người Tuy Hòa ở Tuy Hòa và người Tuy Hòa ở Sài Gòn đều buồn!
Sài Gòn giúp người ta nuôi lớn ước mơ, hoài bão, tham vọng. Còn ở Tuy Hòa, đôi lúc bình an quá khiến con người ta đâm lười nhác. Nhưng những khi mệt mỏi vì chạy theo tham vọng, người ta lại cần, lại thèm một thị xã nhỏ mới 9 giờ tối đã thưa người đi lại. Nhưng ở đó người ta biết thế nào là đi dạo, dạo quanh những con đường lớn, đạp xe dọc theo con đường ngập gió nhìn ra biển, nhìn trẻ con thả diều trên quảng trường mới mà lòng không khỏi bình yên và tự hào. Ở Sài Gòn người ta dễ dàng ăn một tô bánh canh chả cá, một cái bánh xèo hay vài cái bánh bèo rồi tấm tắc khen ngon. Đó là bởi vì người Sài Gòn chưa biết rằng ở một nơi cách Sài Gòn 500km cũng có những món như thế, nhưng ngon hơn thế, và rẻ hơn thế. Người Tuy Hòa ăn những món ấy cốt để lấy cái hồn của món ăn. Càng giản dị, càng đậm đà người ta càng thích.
Đã tự nhủ sẽ viết về nơi yêu thương ấy mà cứ lần lữa mãi đến giờ. Lúc vui nhìn Tuy Hòa khác, lúc buồn lại thấy khác. Nếu cứ viết hoài, có lẽ chẳng biết phải dừng lúc nào. Mình yêu nơi này và mình muốn người ta cũng yêu Tuy Hòa không ít hơn mình yêu nó. Tuy Hòa có cái chân chất, thật thà. Người Tuy Hòa ai cũng hiền như ai. Có khi đang đi trên đường phố Sài Gòn bỗng nghe giọng Tuy Hòa, chợt thấy thương thương làm sao.
Tuy Hòa nay đã thay đổi nhiều. Cũng thú vị nhưng mình muốn nó cứ là nó, cứ là một chốn riêng tư của mình thôi. Hơi ích kỷ nhỉ?
Nhiều hôm đi xe về nhà, buồn ngủ vật vờ muốn chết, vậy mà xe sắp qua đèo Cả là mình tỉnh ngay. Nhìn ngọn hải đăng trên Mũi Điện – nơi đón bình minh sớm nhất Việt Nam – nằm dịu dàng giữa sương sớm, nhìn ra bao la nước, nhìn cây cầu Đà Rằng 21 nhịp – vẫn còn giăng đèn và nhất là nhìn người ta đi tập thể dục quanh công viên, ngày ấy có kẻ đã… bật khóc. Và cái kẻ gàn dở ấy giờ đây đang chuẩn bị hành lý để quay vào Sài Gòn. Ra đi để trở về. Cứ nghĩ như vậy đi.
TRẦN HOÀNG AN
70 Lê Thánh Tôn TP Tuy Hòa