Cơn lũ lịch sử vừa mới bắt đầu, Tòa soạn Báo ở 193 – Trần Hưng Đạo đã ngập nước. Cán bộ phóng viên vừa làm xong nhiệm vụ ở Giải Việt dã mang tên Báo Phú Yên lần thứ nhất, phải lội nước về tòa soạn, có người phải gởi hon-da tắt máy ở dọc đường.
Quốc lộ 25 sau lũ năm 1993 – Ảnh: HIẾU NGỌC
Tất cả phương tiện tài liệu cần thiết được chuyển lên tầng 2. Đường phố Trần Hưng Đạo trở thành dòng sông chính giữa lòng thị xã. Phóng viên có đoạn phải bơi, có đoạn dọ dẫm bám vào bờ tường các ngôi nhà mặt phố, có đoạn đi theo thuyền để đến Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão đặt ở đường Lê Trung Kiên tại trụ sở của Công ty Thủy nông Đồng Cam bây giờ để nắm tình hình. Cả tỉnh đã chìm trong biển nước.
Khi lũ rút cạn cũng chưa thể về được các huyện xa vì các tỉnh lộ đều bị lũ xé nát từng đoạn. Vậy nhưng, bằng tất cả các loại phương tiện có thể, phóng viên Báo Phú Yên đã có mặt những nơi vừa mới thông đường, lấy thông tin ở những vùng thiệt hại nặng nhất, tham gia chuyển hàng cứu trợ đến những vùng xa nhất.
Những phóng sự đầy nhiệt tâm được thực hiện từ Krông Pa, Củng Sơn (Sơn Hòa), Sơn Giang (Sông Hinh), Xuân Hải (Sông Cầu)… trong một hoàn cảnh vô cùng gian khó, phóng viên phải qua đầm Cù Mông bằng đò rồi đi bộ hàng mấy cây số, phóng viên phải vượt sông Ba từ Krông Pa sang vùng Ea Lâm bây giờ để lấy tư liệu. Có khi phóng viên đi ba bốn ngày mới mang được tin bài về tòa soạn.
2. Lũ lụt tháng 11/2007.
Bám sát dự báo, chủ động nhận định tình hình lũ lớn, tòa soạn phân công phóng viên đi về những vùng xung yếu, khi cơn lũ mới bắt đầu. Phóng viên đã sớm có mặt ở những vùng ngập nặng, có mặt ở cả những nơi đã bị lũ chia cắt, phóng viên đi cùng với lực lượng cứu hộ, đi cùng với lực lượng giúp dân di dời để tác nghiệp… để sớm có những thông tin mới nhất, cụ thể nhất, đáng quan tâm nhất. Những dòng tin tức và phóng sự đã kịp chạy sát theo diễn biến cơn lũ.
Phóng sự được viết từ vùng rốn lũ, được thực hiện từ vùng ốc đảo, từ nơi vách núi bị lũ chia cắt, từ những làng biển nghèo khó tan tành sau lũ… đã sớm cho bạn đọc có hình dung toàn cảnh về bức tranh thiệt hại nặng nề. Các thư ký tòa soạn tốc lực mở nhật ký tổng hợp tin tức từ các địa bàn chuyển về tòa soạn, để kịp định hướng cho từng trang báo. Từng dòng tin, bức ảnh chuyển lên online. Biên tập viên, kỹ thuật viên cũng chạy đua với lũ, trong nỗi lo phấp phỏng điện cúp bất cứ lúc nào. Phú Yên Online cập nhật xuyên đêm để kịp chuyển những tin tức từ vùng lũ Phú Yên lên mạng. Ngay trong lũ, bộ phận công tác xã hội – từ thiện đã tìm cách tiếp cận các tình huống thương tâm nhất để kêu gọi cứu trợ và sẵn sàng cho công tác cứu trợ tới những địa chỉ cần thiết.
3. Người dân so sánh về mực nước ngập giữa trận lũ lụt vừa rồi với cơn lũ lịch sử năm 1993; còn chúng tôi có dịp so sánh năng lực tác nghiệp của tòa soạn mình sau 14 năm.
14 năm, cuộc sống đã tiến lên rất nhiều về phía trước. Những cách trở địa bàn đã thu ngắn lại rất nhiều nhờ đường sá đã được nâng cấp thông suốt. Phóng viên tác nghiệp trong điều kiện có điện thoại di động, internet, máy ảnh kỹ thuật số… bỏ rất xa cái thời cả phòng phóng viên chỉ có 2 máy ảnh, chụp xong phải chạy về cắt phim. Từ xuất bản 2 kỳ/tuần, báo đã xuất bản 5 kỳ/tuần, đã tác nghiệp gần như nhật báo và Phú Yên Online cập nhật tin tức hàng giờ. Từ một thông tin phải đợi 3, 4 ngày mới hiện lên mặt báo, đến nay chỉ cần sau vài phút đã hiện lên trên mạng toàn cầu. Mọi thứ giờ đã khác trước rất nhiều.
Thế nhưng, vẫn có những điều không bao giờ đổi khác. Bão lũ luôn là một “trắc nghiệm” với những người làm báo. Ở đó, khi tòa soạn được đặt vào tình huống “khẩn cấp”, tình nguyện luôn là một tinh thần được phát huy tối đa trong tác nghiệp. Vì thế, nó rất xa lạ với những biểu hiện của kiểu “nhà báo salon”, “phóng viên máy lạnh”; xa lạ với những biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, với những cái nhìn vô cảm. Ở đó đòi hỏi những người làm báo phải biết đau cùng nỗi đau của những nạn nhân, biết lo cùng nỗi lo của cả cộng đồng. Bởi thông tin từ bão lũ không chỉ phải đáp ứng được yêu cầu thời sự, mà còn đòi hỏi phải hiện đậm tính nhân văn.
HUỲNH HIẾU