Ở Sài Gòn, có lần tôi được đứa bạn Phú Yên dẫn đi ăn canh hến ở Quận 10, chủ quán nấu món ăn đồng nội này là người gốc Quảng vào Sài Gòn sinh sống đã lâu. Tô canh hến có màu của nước cơm gạo, ngọt lừ, thơm đặc trưng, nấu từ sản vật của một vùng sông nước miền Trung, được ăn với bánh tráng mè xứ Quảng. Thật tuyệt, món ăn quê đã lâu lắm rồi bây giờ được nếm lại giữa một thành phố đô hội với cơn mưa chiều bất chợt, làm lữ khách tha hương nhớ quê nhà da diết.
Nhớ khúc sông xưa dưới chân cầu Đà Rằng vào buổi chiều hè. Con nước ròng, lòng sông khô cạn chỉ còn lại những bãi cát trắng chạy dài từ chân cầu Đà Rằng đến cửa sông Đà Diễn. Người dân sống ở hai bên bờ ra sông cào lịch, bắt don, kéo lưới. Sông quê đã hào phóng ban tặng những sản vật mà nó có bằng tấm lòng trải rộng của mình.
Tôi theo mấy anh đi cào lịch. Lịch giống như con lươn nhỏ, lưng màu vàng nhạt, dài chừng gang tay. Làm sạch, cắt thành hai, ba đoạn xào sả ớt, nấu cháo hay nấu canh chua là món ăn rất ngon và bổ dưỡng. Món canh lịch đậm chất địa phương và dân dã ở quê tôi là lịch được nấu canh chua với cây “bàn chải”, một loại cây “tai bồ” mọc hoang ở những bờ rào, có bốn khía. Lột vỏ, cắt ngang thành lát mỏng giống hình một ngôi sao bốn cánh, vị chua, thơm đặc trưng. Khi nấu chung với lịch chỉ cần nêm ít lá é quế hái ngoài vườn là có món canh chua hấp dẫn. Giờ thì không còn nữa. Nhà cửa đã chiếm chỗ những cây “tai bồ”. Chợ quê bây giờ họp cả ngày, muốn mua gì cũng có.
Tôi 15, 16 tuổi đi học từ quê qua thị xã bằng chiếc xe đạp “đòn dông”. Mặt cầu Đà Rằng hồi đó ghép bằng những tấm ván gập gềnh. Trời mưa, qua cầu phải đi chậm và cẩn thận, dễ té rớt xuống sông, có hôm phải bỏ học vì đi trễ. Năm bảy đứa họp thành đoàn đi học cho có bạn, ứng cứu nhau khi qua cầu gặp sự cố. Về tới nhà, mồ hôi nhễ nhại ướt lưng áo, ngồi ăn cơm với bát canh lịch nấu “tai bồ”, tô canh hến nấu rau tập tàng, thấy ngon lạ lùng.
Mẹ tảo tần nuôi tôi bằng con hến, con don bắt được ở lòng sông lúc nước ròng. Ba nuôi tôi bằng con cá, con cua khi nước lớn với tấm lưới tay chài trên khúc sông Đà Rằng ngày ấy. Dòng sông đã đi theo tôi suốt tuổi ấu thơ gian khổ, với bao kỷ niệm. Những buổi trưa hè rủ nhau đi tắm sông, xế chiều về bị mẹ đánh đòn. Những buổi chiều theo ba đi kéo lưới cá bống. Cá bống nhiều lắm, đi chừng vài tiếng bắt được cả bao cát cá. Nồi cá bống kho tiêu mẹ để dành cho tôi, sáng ăn cơm nguội đi học. Buổi tối theo mấy cậu đi soi cua. Mấy ngọn đuốc bập bùng soi ánh sáng chập chờn trên một khúc sông. Người cầm đuốc soi, người cầm thùng đựng cua, người bắt, mỗi tối đi soi bắt cả thùng thiếc đầy.
Xa quê, trải bao lo toan, vật lộn với cơm áo gạo tiền nơi chốn người. Bạn bè mỗi đứa một nơi. Có đứa là bác sĩ, kỹ sư, là nhà văn, nhà thơ. Có đứa còn vất vả ngược xuôi với miếng cơm manh áo, ít của nhưng nhiều tình. Gặp nhau là gặp lại tuổi thơ ngày nào bên ly bia Queenzer hội ngộ, được ăn đặc sản ốc xào, cua rang muối cầu kỳ của các nhà hàng. Nhưng sao lại nhớ cái hương vị của tô cháo don, bát canh chua lịch thuở ấy, thấy mon ăn nào cũng không ngon bằng hương vị của món ăn quê nhà.
HẢI HỒ