Vợ đang nấu bánh tét, từ nhà bếp nói vọng lên, giọng nghe riết róng:
- Trời sắp lặn rồi, sao ông chưa chịu mua bông?
Đang lau bàn thờ ông bà, tôi ngừng tay. Quả thật, tôi đã quên bẵng việc này. Quan niệm trường cửu của vợ tôi là: Tết, trong nhà phải có chậu bông. Không có chậu bông trong nhà, không có Tết! Trong khi tôi ngược lại: Không có chậu bông, vẫn có Tết. Chậu bông chỉ tổ chật nhà cửa, vướng víu lối đi! Có rượu ngon và món nhắm đặc sản là có Tết, cần chi bông kiểng! Khổ nỗi, quan niệm của tôi tuy có đấy, nhưng phải cong theo quan niệm của bà ấy. Tại sao? Tại vì dường như bà ấy đúng hơn tôi, cho dù tôi không phải sai! Việc này cũng giống như thi trắc nghiệm lý thuyết lấy bằng lái xe. Bốn câu đều đúng cả, nhưng phải chọn câu đúng nhất!
Cứ bộ cháo lòng đang dọn dẹp mà mặc, tôi phóng xe đến ngay chỗ hàng bông Tết của chú Lãm.
Hàng bông Tết của chú đã vơi, trơ lại khoảng mươi chậu bông “dạt”! Ở đó, còn chỉ một ít cúc vàng, hoa đã quéo quắt; một số bông giấy bạc màu, và… đặc biệt duy nhất một chậu quất.
Tôi nhiễm triết học lâu đời của ông bà, rằng: “Thiểu vi chủ”. Ừ, cái “ít” phải làm “chủ”!
Thế là, chậu quất lọt ngay mắt xanh của tôi. Bởi lẽ ở đây, chỉ một mình nó là quất, không có quất thứ hai. Nó “thiểu” nên phải “vi chủ”. Tôi liền coi kỹ chậu quất. Biết rằng phải mua, nhưng cũng phải coi! Biết rằng không lựa chọn được, nhưng phải xem xét chứ! Việc này mang tính thủ tục, cho có chuyện vậy mà! Ừ, nom cũng được, tuy trống chân, ít trái. Chậu quất này dường như vừa chịu qua một “cơn bão người”, nhưng chưa chết, vẫn tồn tại! Tôi hỏi chú Lãm đang đứng vặt râu cằm, dáng vẻ bồn chồn, muốn dẹp hàng để đi về nhà:
- Tôi lấy “anh” này. Bao nhiêu?
- Bốn chục.
- Trông cứ như gà nòi, lông lá lơ thơ. Ba chục nhé?
- Được. Cứ rinh. Thu tiền chậu cũng được!
Thấy chú Lãm đồng ý nhanh quá, tôi rút ví đưa chú 25 ngàn, nói:
- Không trả treo gì đâu. Đừng hiểu lầm. Xin giữ lại 5 ngàn mua gói Cotas hút đỡ lạnh! Thế nhé?
Vừa ấn tiền vào tay chú, tôi nở nụ cười hiền. Chú Lãm đút tiền vào túi, cũng cười hiền. Chỉ có chậu quất là không cười. Nó chỉ mừng! Đẻ lâu cũ mặt, biết vậy, nhưng lạ thay, khi cười được, cái mặt lại mới ngay!
Chú Lãm phụ tôi, cột chậu quất lên xe.
Về đến nhà, tôi hớn hở gọi giật ngược:
- Ra phụ tôi với. Tuyệt vời, quá rẻ, bà ơi!
- Vợ đi ra, tay cầm đôi đũa và cả cái dao:
- Đã nói mua bông, sao ông mua quất?
- Bà chẳng biết gì cả! Quất có trái, mà trái tượng trưng sự thành tựu. Nó là hình của cái lộc cụ thể. Còn hoa chỉ đẹp mắt thôi! Úa tàn là quăng, không ăn được!
- Ông vào bếp, phụ nhắc nồi bánh tét xuống. Quất cứ để yên đấy!
Tôi đặt chậu quất an tọa nơi sát bàn khách. Trông căn nhà Tết hẳn. Tôi sửa chữa cây quất đứng thẳng, xoay phía có trái ra ngoài, lặt lá úa. Đứng trong nhà, dưới ánh điện sáng, trông chậu quất mới hẳn. Đang loay hoay ngắm chậu quất, chuông điện thoại reo. Tôi nhấc máy. Đầu dây bên kia nghe ồn ào đông người.
- A lô, xin lỗi ai gọi?
- Vượng đây. Sao không lại chở chậu mai về chưng Tết. Tôi cho mượn mà, cuối giêng đem trả.
- À, à, … tôi quên mất việc này. Nhưng thôi, tôi đã mua chậu quất rồi. Để nhiều, chật nhà! Cảm ơn lòng tốt của anh.
Anh Vượng chuyên trồng mai bán Tết. Nhưng Tết này anh không xuất vườn, bởi mai chưa đúng mức đẹp. Anh ta chờ sang năm. Anh ta cứ mời tôi mượn về chơi Tết, muốn bao nhiêu chậu cũng được. Thế mà, tôi quên bẵng. Quên bẵng… Phải chi, nói việc này với vợ, hẳn bà ấy nhắc tôi đi chở rồi! Đàn bà trí nhớ tốt hơn đàn ông! Không tốn tiền là nhớ dai!
Tôi lại nhìn ngắm cây quất. Lạ thật, nó đẹp đấy chứ! Nó đẹp, bởi vì giờ này nó là một thành viên trong nhà tôi. Nó là của tôi, không phải mượn. Trái tuy ít nhưng dứt khoát không rụng nữa, vì đã được thử thách: được bao nhiêu người chê, chịu bao nhiêu người ruồng rẫy. Và bỗng nhiên, một ý tưởng lạ lùng xảy đến. Một ý tưởng vừa xoẹt ngang trong đầu, sáng trưng như đèn Flash: Cây quất hẩm hiu ấy, nó đã chọn tôi làm chủ! Tôi đâu có chọn nó bao giờ! Hoặc là cả hai đều chọn!
NGÔ PHAN LƯU