Quy hoạch, chuyển đổi mô hình quản lý chợ được triển khai ở Phú Yên từ năm 2011 nhằm quản lý, khai thác hiệu quả hơn nhưng hiện mô hình này chỉ mới làm thí điểm ở một số địa phương trên địa bàn. Để mô hình này sớm đi vào có hiệu quả, các ngành chức năng cần có sự hướng dẫn, chỉ đạo và triển khai đồng bộ mô hình chuyển đổi quản lý chợ theo hướng văn minh, hiện đại ở các địa phương.
Khách mua hàng tại một chợ ở xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân) - Ảnh: M.NGUYỆT
NÊN SỚM CHUYỂN ĐỔI
Hiện tại, mô hình quản lý chợ ở nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn duy trì kiểu cũ, do địa phương quản lý. Các ban, tổ quản lý chợ chưa được đào tạo về công tác chuyên môn, còn thiếu kinh nghiệm nên chưa có những giải pháp để khai thác, quản lý, kinh doanh có hiệu quả. Phần lớn các chợ hoạt động chủ yếu theo quy mô nhỏ, buôn bán ở các mặt hàng thiết yếu nhằm phục vụ nhu cầu của người dân. Ở một số chợ (nhất là vùng nông thôn) cơ sở vật chất đang xuống cấp trầm trọng, không có nhà vệ sinh, không có điểm giữ xe cố định; hệ thống thoát nước, hố thu nước thải thường xuyên bị hư hỏng gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường cho cả khu vực chợ nhất là vào mùa mưa lũ. Ngoài ra, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy không có hoặc chưa được trang bị đầy đủ nên không an toàn khi có sự cố xảy ra; việc sắp xếp, bố trí các ngành hàng, quầy hàng thiếu khoa học, bất hợp lý; tình trạng buôn bán tự do, xây dựng lều quán trái phép còn xảy ra; an ninh trật tự chưa được cải thiện…
Bà Huỳnh Thị Thảo, tiểu thương tại chợ trung tâm thị trấn Củng Sơn (Sơn Hòa) cho biết: “Thời gian gần đây, chúng tôi phải chuyển chỗ ngồi liên tục; điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc buôn bán mà còn gây mất trật tự chợ. Theo tôi, chợ cần được quy hoạch lại để chúng tôi có vị trí buôn bán ổn định. Ban quản lý phải có biện pháp ngăn không để các tiểu thương tự phát lấn chiếm chỗ ngồi, kinh doanh sai vị trí; phải kiểm tra, sửa chữa đường ống thoát nước để bảo đảm vệ sinh khu vực chợ”.
Theo Quyết định số 1779/2011 của UBND tỉnh ban hành Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ sẽ được triển khai và đưa vào hoạt động từ năm 2012. Tuy nhiên cho đến nay, chỉ 6/146 chợ của toàn tỉnh áp dụng và đưa vào hoạt động theo mô hình quản lý mới là chợ Phước Lộc ở xã Xuân Quang 3, chợ Xuân Lãnh thuộc xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân); chợ trung tâm thị trấn Hai Riêng, chợ Nam Giang thuộc xã Sơn Giang, chợ Ea Ly (Sông Hinh) và chợ Triều Sơn ở xã Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu).
Theo Sở Công thương, tình trạng này là do cán bộ phụ trách ở các địa phương chưa nhận thức đúng đắn và thật sự thống nhất về mô hình chuyển đổi; công tác triển khai còn chậm, chưa kịp thời nên việc chuyển đổi không đúng thời gian quy định. Thêm vào đó, một số ý kiến cho rằng việc chuyển đổi theo mô hình mới không hẳn hiệu quả và khả thi hơn hình thức quản lý tư thương như hiện nay.
Ông Trần Xuân Phi, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đồng Xuân cho biết: “Huyện vừa chuyển đổi và đưa vào hoạt động 2/9 chợ theo mô hình mới; 7 chợ còn lại trên địa bàn do chưa lựa chọn đối tượng quản lý nên chưa thực hiện chuyển đổi. Trường hợp một xã có nhiều HTX, doanh nghiệp thì đơn vị sẽ đánh giá cụ thể và quyết định giao cho đối tượng có nhiều lợi thế hơn tham gia quản lý”. Song, về phía các doanh nghiệp, HTX chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này. Bởi phần đông HTX, doanh nghiệp không có kinh nghiệm về quản lý, khai thác; chưa định hướng được hình thức.
CẦN ĐƯỢC NHÂN RỘNG
Khắc phục những hạn chế đang tồn tại ở các điểm chợ như hiện nay, bằng cách thay đổi mô hình quản lý phù hợp với nhu cầu thực tiễn, một hệ thống chợ văn minh, hiện đại cần được xây dựng trên phạm vi toàn tỉnh. Tại huyện Đồng Xuân, trong gần 2 tháng hoạt động, Ban quản lý chưa đánh giá được hiệu quả của việc chuyển đổi theo mô hình mới; nhưng những thành tựu bước đầu đã được chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận. Chị Nguyễn Thảo Vi ở thôn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) nhận định: “Từ khi có Ban quản lý mới, những bất ổn của chợ đã được cải thiện rất nhiều, mọi hoạt động đều đi vào nề nếp, các gian hàng được bố trí hợp lý hơn trước. Do đó, tiểu thương và người dân ở đây được thuận tiện hơn trong việc kinh doanh và mua sắm”.
Theo ông Trần Thuấn, Phó trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Sông Hinh: “Hàng năm, ngoài kinh phí được Nhà nước cấp để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, ngân sách của địa phương phải hỗ trợ từ 200 đến 300 triệu đồng để các ban quản lý chợ duy trì hoạt động. Trong điều kiện tự chủ về thu, chi theo hình thức đổi mới hiện nay, địa phương không phải cấp kinh phí mà còn thu được 5 triệu đồng/chợ/năm. Mặt khác, công tác tổ chức, sắp xếp, quản lý ở các điểm chợ này ngày càng chặt chẽ; ổn định về việc phân bổ ngành hàng, bảo đảm trật tự, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Ông Huỳnh Công Điềm, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: Để thiết lập mô hình tổ chức quản lý chợ hiệu quả, các địa phương cần lựa chọn đối tượng quản lý thật sự phù hợp; quyết liệt triển khai trong thời gian sớm nhất; các ban, tổ chức, chính quyền địa phương… phải phối hợp, hỗ trợ nhau trong công tác quản lý, khai khác hoạt động kinh doanh theo hướng tích cực để mang lại hiệu quả tốt nhất. Ban quản lý mới phải phát huy khả năng quản lý của mình, Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí trong trường hợp cần nâng cấp, tu sửa cơ sở hạ tầng. Sở Công thương luôn tạo điều kiện để các địa phương sớm thực hiện và đưa vào hoạt động theo mô hình quản lý mới ở các điểm chợ còn lại trên địa bàn tỉnh; góp phần xây dựng mô hình chợ văn minh, hiện đại, bảo đảm an sinh xã hội.
KHANG ANH