Thương hiệu có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp, quyết định cho sự quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp. Do đó, xây dựng, gìn giữ và bảo vệ thương hiệu là một trong những chiến lược quyết định sự thành công, tạo niềm tin trong lòng khách hàng, đối tác của chính mỗi doanh nghiệp.
Các cơ sở sản xuất nước mắm ở Phú Yên cố gắng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình - Ảnh: NGÔ XUÂN
YẾU TỐ CHIẾN LƯỢC
Hiện việc xây dựng thương hiệu phải được triển khai các bước theo quy định của pháp luật về nhãn mác hàng hóa, tên thương mại, biểu tượng, bao bì, hình dáng, màu sắc… của từng sản phẩm hàng hóa. Có được thương hiệu, doanh nghiệp có điều kiện để cạnh tranh lành mạnh với các thương hiệu hàng hóa khác trên thị trường, tạo cơ hội để người tiêu dùng có thể lựa chọn và phân biệt với các sản phẩm của doanh nghiệp khác. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Phú Yên cho biết: “Việc xây dựng thương hiệu phải trải qua một thời gian khá dài, có sự đầu tư rất lớn từ chi phí đến các công đoạn quan trọng khác. Với các dòng sản phẩm chủ yếu như nước giải khát, nước khoáng, bia, rượu…, công ty đã áp dụng các quy trình và công thức chế biến riêng trên nền tảng nguyên liệu tự nhiên của địa phương; hệ thống sản xuất sạch, kỹ thuật hiện đại, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Khi có được niềm tin ban đầu từ phía khách hàng, doanh nghiệp mới tiến hành xây dựng thương hiệu”.
Trong khi thị trường đang đầy rẫy những mặt hàng, nguồn hàng không bảo đảm chất lượng, chứa đựng nhiều yếu tố độc hại như hiện nay thì một thương hiệu mạnh, có uy tín chắc chắn sẽ được người tiêu dùng đón nhận. Bà Phan Như Ngọc ở phường 4 (TP Tuy Hòa) cho biết: “Khi mua hàng, tôi phải xem qua nhãn hiệu của sản phẩm, xem sản phẩm đó được sản xuất ở đâu, nhà sản xuất có đáng tin cậy hay không. Nếu sản phẩm không có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng thì tôi không dùng đến. Theo tôi, nếu sản phẩm không có thương hiệu, tên tuổi thì không được người tiêu dùng tin tưởng”.
Ngoài ra, thương hiệu cũng góp phần tạo nên mối quan hệ gắn kết giữa các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có tên tuổi, thương hiệu vững mạnh thì thường dễ dàng tìm kiếm đối tác và ngược lại, doanh nghiệp yếu, chưa có thương hiệu sẽ khó khăn trong quá trình tìm đối tác, hoặc yếu thế trong kinh doanh. Trong số đó, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam là một điển hình về việc kinh doanh có hiệu quả khi xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Xác định sản phẩm đường tinh luyện phục vụ cho phần lớn khách hàng công nghiệp và nhu cầu cao cấp của người dân, KCP đã mạnh dạn đầu tư công nghệ tiên tiến, quản lý chất lượng bằng các tiêu chuẩn quốc tế và đã cho ra đời sản phẩm chất lượng cao mang thương hiệu đường Varella. Được các khách hàng công nghiệp đa quốc gia tin yêu, lựa chọn như Pepsico, Cocacola..., KCP đã khẳng định được một thương hiệu đường riêng dành riêng cho sản xuất công nghiệp thực phẩm.
GIỮ GÌN, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu phải là quá trình đầu tư lâu dài, liên tục và có kế hoạch cụ thể. Ngoài công tác tuyên truyền, quảng bá thì doanh nghiệp còn phải duy trì và nâng cao chất lượng của sản phẩm, thực hiện các chế độ hậu mãi, chăm sóc khách hàng sử dụng sản phẩm… nhằm tạo sự tin tưởng với khách hàng.
Ông K.V.S.R. Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cho biết: “Chúng tôi luôn đặt ra các tiêu chí, chiến lược trong quá trình xây dựng và gìn giữ thương hiệu bằng cách chú trọng vào chất lượng sản phẩm để tạo ra được sản phẩm không những chất lượng cao mà còn phải sạch, phù hợp với điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã bao bì để thích ứng với từng loại đối tượng khách hàng; cung cấp sản phẩm, tư vấn và hỗ trợ khách hàng nhằm giảm tối đa chi phí sản xuất cho khách hàng. Mặt khác, công ty còn xây dựng nền văn hóa định hướng vào khách hàng: tôn trọng, lắng nghe ý kiến khách hàng để có hành động khắc phục, xác định sự thỏa mãn và gắn bó của khách hàng, nâng cao uy tín thương hiệu”.
Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh tại tỉnh hoạt động còn nhỏ lẻ, vốn đầu tư tương đối thấp, ý thức của các doanh nghiệp về xây dựng thương hiệu chưa cao. Trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, việc xây dựng thương hiệu chưa được quan tâm đúng mức nên còn nhiều hạn chế. Ông Huỳnh Trọng Trọng, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: “Các doanh nghiệp cần nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh. Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm thì xây dựng và quảng bá thương hiệu là cách tốt nhất giúp doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách bền vững”. Cũng theo ông Trọng, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh dài hạn, trong đó chú trọng đến việc xây dựng, duy trì, bảo vệ và phát triển thương hiệu.
Thời gian qua, Sở Công thương cũng đã hướng dẫn, hỗ trợ một số doanh nghiệp đăng ký xây dựng nhãn hiệu, đăng ký chất lượng và hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua việc tổ chức, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Trong giai đoạn tiếp theo, sở cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về xây dựng và phát triển thương hiệu, tập trung vào các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: bánh tráng, rượu, mặt hàng thủy sản, cà phê…
KHANG ANH